dd/mm/yyyy

Mức giá 67.000 đồng/kg lợn hơi lan rộng ra nhiều tỉnh phía Bắc, người nuôi lãi gần 30%

Nguồn cung lợn ngoài thị trường đang hạn chế và xu hướng tăng giá lợn hơi có thể vẫn còn tiếp diễn trong thời gian tới. Theo một số chuyên gia và doanh nghiệp, với mức giá lợn hơi hiện tại người chăn nuôi có lãi gần 30%...

Thương lái thu mua lợn hơi trên thị trường với giá tăng 'vượt mặt' doanh nghiệp 

Giá lợn hơi hôm nay 14/5/2024, theo chiều đi lên tiếp. Miền Bắc tăng nhanh liên tục, các tỉnh đều giao dịch ở mức cao trong khoảng 65.000 - 67.000 đồng/kg; với mức giá đỉnh 67.000 đồng/kg đạt tại Bắc Giang và Thái Bình.

Ghi nhận một số tỉnh miền Trung tăng thêm 1 giá: Hà Tĩnh, Đắk Lắk đạt 64.000 đồng/kg; Ninh Thuận tăng đạt 63.000 đồng/kg - đây cũng là mức giá trung bình của vùng.

Miền Nam không đổi - giữ giá lợn hơi đi ngang, giao dịch vẫn diễn ra sôi động ở mức giá tốt 62.000 - 65.000 đồng/kg.

Với mức giá 66.000-67.000 đồng/kg lợn hơi, người chăn nuôi có lãi gần 30%. "Ông lớn" trong ngành chăn nuôi là Công ty C.P Việt Nam vẫn giá bán lợn hơi ở mức 66.000 đồng/kg. Giá lợn Trung Quốc hôm nay ở mức 53.500 đồng/kg, giảm nhẹ so với hôm qua.

Mức giá 67.000 đồng/kg lợn hơi lan rộng ra nhiều tỉnh phía Bắc, người nuôi lãi gần 30%- Ảnh 1.

Mức giá 67.000 đồng/kg lợn hơi lan rộng ra nhiều tỉnh phía Bắc, người nuôi lãi gần 30%- Ảnh 2.

Theo USDA, sản lượng thịt lợn năm 2024 của Việt Nam dự kiến chỉ tăng nhẹ 0,5% so với năm trước lên 2,05 triệu tấn. Con số này thấp hơn một chút so với dự báo đưa ra trước đó. Lượng tiêu thụ trong năm nay cũng được ước tính cao hơn so với năm 2023, đạt gần 3,8 triệu tấn.

Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có mức tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), sản lượng thịt lợn của Việt Nam dự kiến đạt 4 triệu tấn vào năm 2025 và 4,7 triệu tấn vào năm 2030, tương ứng với mức tăng trưởng bình quân 3,1%/năm.

Hiện nay, sản lượng thịt sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 90% sức tiêu thụ trong nước. Vì vậy, lĩnh vực chăn nuôi là ngành có nhiều tiềm năng, đang thu hút sự đầu tư mạnh mẽ từ cả nước ngoài và trong nước.

Chứng khoán BSC nhận thấy rằng áp lực thua lỗ của nông hộ giai đoạn 2022-2023 và số lượng lợn tiêu hủy không lớn nhưng chủ yếu xảy ra tại khu vực nông hộ (hạn chế về vốn, kĩ thuật chăn nuôi, an toàn sinh học,…) dẫn đến tâm lý tái đàn, làm giảm nguồn cung thực tế.

Do đó, vấn đề này sẽ hỗ trợ giá lợn hơi trong ngắn hạn và trong trung hạn hỗ trợ đẩy nhanh xu hướng chăn nuôi quy mô lớn.

Mặc dù có những thách thức ngắn hạn, nhưng khi nhìn nhận lại lịch sử ngành chăn nuôi giai đoạn 2022-2023, BSC nhận định xu thế chăn nuôi quy mô lớn sẽ chiếm ưu thế trong dài hạn.

Đơn vị phân tích này dự báo giá lợn hơi năm nay có thể duy trì ổn định quanh mức trên 60.000 đồng/kg (tăng 6% so với cùng kỳ) dựa trên nhu cầu tiêu dùng dần phục hồi và nguồn cung giảm ngắn hạn từ nông hộ do thua lỗ và dịch bệnh.

Theo các chuyên gia, để giúp người dân tái đàn tốt và phòng, chống bệnh dịch ASF hiệu quả, các địa phương khuyến khích người dân chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt; xây dựng cơ sở, chuỗi cơ sở và vùng an toàn dịch bệnh.

Cùng với đó, định kỳ tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất. Hằng ngày thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch.

Tiêm phòng đầy đủ vắc-xin phòng bệnh cho lợn, như: Vắc-xin dịch tả lợn, tụ huyết trùng, tai xanh, lở mồm long móng… cho từng loại lợn và từng lứa tuổi phù hợp. Khi phát hiện đàn lợn nghi nhiễm, mắc bệnh dịch ASF cần lấy mẫu xét nghiệm xác định nguyên nhân bệnh; nếu xác định dương tính, không thực hiện điều trị lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh, báo cáo ngay với chính quyền địa phương và thú y cơ sở để tiêu hủy sớm toàn bộ đàn lợn.


 

Nguyễn Phương