40 tuổi vẫn "ăn bám" cha mẹ, nam kiến trúc sư khiến cha mẹ 70 tuổi đau lòng

Châu Mỹ Thứ sáu, ngày 28/10/2022 07:22 AM (GMT+7)
Từng kiếm 1000$/1 tháng khi là sinh viên, đến trung niên ly hôn, thất nghiệp, Việt nhốt mình trong phòng, tuyệt giao với mọi người, 40 tuổi vẫn "ăn bám" cha mẹ. Việt chỉ là một trong khá nhiều đàn ông đang khiến cha mẹ đau lòng vì sống vô nghĩa ở tuổi trung niên.
Bình luận 0

Cha mẹ 70 tằn tiện lương hưu nuôi con trai 40 tuổi vẫn "ăn bám" cha mẹ

Đối diện nhà chị Hằng là căn hộ của một cặp vợ chồng hưu trí. Suốt gần hai năm đầu, chị vẫn đinh ninh căn hộ chỉ có hai vợ chồng, tới khi có việc phải đi vắng một tuần, người vợ qua nhờ chị thi thoảng ghé qua cửa sổ để ngỏ để quan sát người con trai lớn 40 tuổi còn ở lại nhà, chị Hằng mới biết, cô chú sống cùng người con trai cả nhiều năm nay.

Sau đó, qua tâm sự của người vợ, chị kinh ngạc hơn khi biết nhiều năm qua, anh con trai cả tên Việt, nhốt mình trong phòng, tuyệt giao với mọi người, kể cả hai đứa em và 40 tuổi vẫn "ăn bám" cha mẹ.

"Nó đốt hết album gia đình từ trước tới giờ, bất cứ tấm hình nào chụp chung có mặt nó, nó đều đốt. Không chịu đi làm, sống nhờ đồng lương hưu của cô chú, nhưng cũng không bao giờ làm việc nhà. Cứ đói thì ra bếp cầm đồ ăn vào phòng ăn một mình. Anh chàng bịt kín hết tất cả các cửa sổ và lỗ thông gió bằng tranh. Mỗi lần vào nhà vệ sinh thì cả nhà phải chờ từ một tới hai giờ đồng hồ anh mới ra...", cô hàng xóm tâm sự với chị Hằng về người con trai được cô kể rằng "trước kia rất đẹp trai, giỏi giang", làm qua bao công ty, công ty nào cũng chê người khác dốt hơn mình nên nghỉ ra làm tự do, rồi nghỉ hẳn. Có chút vốn để dành, anh chàng đốt sạch vào chứng khoán và tiền ảo. Chán nản, bất mãn, tự kiêu, thanh niên 40 tuổi nhốt mình cả ngày trong phòng, sống phụ thuộc vào cha mẹ già.


40 tuổi còn "ăn bám", nam kiến trúc sư khiến cha mẹ 70 tuổi đau lòng - Ảnh 1.

40 tuổi vẫn "ăn bám" cha mẹ, Việt nhốt mình cả ngày trong phòng, tuyệt giao với mọi người.

Cũng qua lời kể của người phụ nữ đã ngoài 70 tuổi còn phải cưu mang ông con đã 40 tuổi, thì anh Việt, con trai cô, vốn là một kiến trúc sư đẹp trai, tài năng, lại là "con nhà nòi" về kiến trúc, mỹ thuật. Khi là sinh viên anh đã có việc làm với thu nhập lên tới 1000$/1 tháng. Sau đó, anh yêu và kết hôn với mối tình đầu học chung Đại học. Do mâu thuẫn về quan điểm sống, hai vợ chồng ly thân suốt 5 năm dù đang ở chung nhà với bố mẹ. Sau đó, vợ cũ anh lập gia đình mới và chuyển đi, anh ở lại cùng cha mẹ, hai em trai và các em dâu.

"Kể từ đó nó sống ngày càng khép kín. Tính nó quá sạch sẽ, kỹ càng tới mức sáng ngủ dậy phải nhặt từng sợi tóc rớt trên drap, kéo phẳng phiu chăn màn, drap, gối... Tối khuya, khi cả nhà đi ngủ, lọ mọ thức, rửa tay liên tục, có khi 10 phút một lần. Sáng ngủ dậy thì độc chiếm phòng vệ sinh tới hàng giờ... khiến cả nhà khó thông cảm được. Sau cùng, cô chú quyết đinh tách ra, đưa nó lên Sài Gòn, thuê nhà sống để khỏi làm phiền mấy đứa con còn lại", cô hàng xóm chị Hằng kể.

Thương hàng xóm chỉ có lương hưu còm cõi, phải cưu mang thêm ông con 40 tuổi vừa bảo thủ vừa ích kỷ, chị Hằng nhiều lần gợi ý đưa bác sĩ tâm lý tới nhà nhưng đều bất lực. Ngoài cha mẹ, người đàn ông 40 tuổi không muốn giáp mặt bất cứ ai, cự tuyệt bất cứ sự giúp đỡ nào từ họ hàng, người thân cả về tài chính, lẫn hoạch định tương lai.

"Có lần mẹ chồng mất đột ngột, vợ chồng cô chú hàng xóm phải về quê mà tủ lạnh thì trống trơn. Cô nhờ tôi mua dùm con trai vỉ trứng gà. Tôi mua để cửa sổ, sai con đứng ngoài cửa gọi anh ta ra lấy. Vậy mà một tuần liền cha mẹ đi vắng, anh ta chấp nhận uống nước lọc chứ không lấy trứng vào để nấu cơm ăn. Người đâu mà ích kỷ, không biết thương cha mẹ", chị Hằng cho biết.

Dạo gần đây, cũng một người quen khác của chị Hằng nhờ chị tìm việc cho cháu trai. Chàng trai naỳ 26 tuổi, tốt nghiệp đại học được vài năm nhưng nhất định không chịu đi xin việc vì thân hình mập, sợ bị đám đông chê cười. Ở nhà ăn chơi suốt 3 năm, cuối cùng người nhà quyết định phải kiếm việc cho cậu làm. Nghe nói chị Hằng đang làm việc từ xa cho một công ty nước ngoài, người bạn chị cũng nhờ giới thiệu giúp cháu mình một công việc tương tự do anh chàng này tốt nghiệp ngành ngoại ngữ.

40 tuổi còn "ăn bám", nam kiến trúc sư khiến cha mẹ 70 tuổi đau lòng - Ảnh 3.

Lý Minh Lương - một tiến sĩ người Trung Quốc 40 tuổi, từng lên truyền hình vì câu chuyện bỏ sự nghiệp, về ăn bám cha mẹ già.

"Tôi quyết định không giúp. Vì với một sinh viên tốt nghiệp đại học ngoại ngữ, ở thời đại 5.0 này, mà không tự tìm được cho mình một công việc làm từ xa, chứng tỏ cậu chàng vô cùng thụ động, quen "ăn sẵn" rồi. Rút kinh nghiệm với anh chàng hàng xóm, tôi không tiếp tay cho những thanh niên mãi không chịu lớn, chỉ làm khổ cha mẹ", chị kể.

Tính sĩ diện khiến cha mẹ thành nô lệ của những đứa con trung niên

Tại Nhật, "Hikikomori" là từ chỉ người sống khép kín với xã hội và biệt lập cuộc sống bản thân trong căn phòng riêng. Từ thập niên 70, số lượng Hikikomori ngày càng tăng lên, đặc biệt khi nền kinh tế Nhật Bản có sự thay đổi trong tuyển dụng nhân sự.

Các công ty đưa ra chính sách cắt giảm tuyển dụng để bảo vệ người lao động lớn tuổi, khiến tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng, đặc biệt là ở lứa tuổi từ 20. Việc tìm kiếm công việc có thu nhập ổn định là một điều khá khó khăn khi hệ thống tuyển dụng ngày càng khắt khe và đòi hỏi cao.

Những người không tìm được công việc đúng nguyện vọng trở thành thế hệ thua cuộc (lost generation). Họ chấp nhận sống trong tình trạng thất nghiệp kéo dài, không lập gia đình và chịu kiếp Hikikomori, sống cuộc đời chui lủi, ẩn dật trong căn phòng chật hẹp. Một số người đã cố gắng vượt qua, tái hòa nhập cộng đồng. Số khác chọn bám víu vào gia đình, không ra khỏi nhà trong nhiều năm, thậm chí là suốt đời. Khái niệm 8050 (con 50 tuổi ăn bám cha mẹ 80 tuổi) ra đời trong hoàn cảnh đó.

40 tuổi còn "ăn bám", nam kiến trúc sư khiến cha mẹ 70 tuổi đau lòng - Ảnh 4.

Một Hikikomori Nhật ăn bám cha mẹ, nhốt mình hàng chục năm trong căn phòng ngập ngụa rác của mình.

Một số nguyên nhân khác hình thành nên thế hệ "sống tầm gửi" như bệnh tật, áp lực công việc... Những trắc trở trong cuộc sống khiến một bộ phận người trẻ dần thu mình trong vỏ ốc. Năm tháng qua đi, họ trở nên già cỗi, cô đơn và nhanh chóng mắc các chứng bệnh tâm lý, rơi vào trầm cảm. Để tồn tại, họ chỉ có cách sống bám vào cha mẹ. Đây được coi là một bộ phận hình thành nên Hikikomori - thuật ngữ chỉ người luôn nhốt mình trong phòng riêng, sống tách biệt với gia đình, xã hội. Năm 2019, dân số Nhật ước tính có khoảng 613.000 Hikikomori thuộc lứa tuổi 40-64.

Còn bậc cha mẹ, họ quan niệm để con cái sống trong nghèo túng sẽ làm mất thể diện gia đình. Vì vậy, cha mẹ đành ngậm đắng nuốt cay và tiếp tục chu cấp cho những đứa con tuổi trung niên. Khi gần đất xa trời, họ không nguôi lo lắng cho việc tự lập của con cái nhưng đã quá muộn. Sống trong sự bảo bọc, những "đứa trẻ" U50 không có kỹ năng sinh tồn trong xã hội, dẫn đến những hệ quả đau lòng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem