Bảo tồn, phát triển làng nghề trong xu thế hội nhập

Mai Ánh Thứ sáu, ngày 19/08/2022 06:30 AM (GMT+7)
Các sản phẩm làng nghề, ngành nghề nông thôn luôn lưu giữ những giá trị, độc đáo riêng của địa phương. Tuy nhiên trong xu thế hội nhập, các làng nghề ở TP.HCM đứng trước nguy cơ mai một, mất dần chỗ đứng trên thị trường.
Bình luận 0

Trước những nguy cơ này, bà Hoàng Thị Mai - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn TP.HCM (Sở NNPTNT TP.HCM) cho biết, Chi cục cùng các địa phương đang từng bước tháo gỡ những khó khăn nhằm bảo tồn, phát triển các làng nghề, ngành nghề nông thôn.

Bảo tồn, phát triển làng nghề trong xu thế hội nhập   - Ảnh 1.

Bà Hoàng Thị Mai - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn TP.HCM. Ảnh: Mai Ánh

Bảo tồn làng nghề gắn liền với phát triển

*Bà đánh giá như thế nào về thực trạng chung của các làng nghề, ngành nghề nông thôn hiện nay trên địa bàn TP.HCM?

- Hiện nay, TP.HCM có khoảng 65 làng nghề, ngành nghề nông thôn tập trung vào 7 nhóm lĩnh vực, gồm: Chế biến bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, xử lý và chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất làng nghề nông thôn; sản xuất đồ gỗ, mây tre, cơ khí nhỏ; sản xuất kinh doanh như sinh vật cảnh, muối; các dịch vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn.

Hiện các làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn TP.HCM chủ yếu thu hút các đối tượng lao động là phụ nữ lớn tuổi vừa làm công việc nội trợ, vừa làm thêm các ngành nghề này để cải thiện thu nhập của chính bản thân và gia đình.

Bên cạnh đó, cũng có những ngành nghề thuộc dạng ngành truyền thống lâu đời của thành phố. Ví dụ như ngành nghề bánh tráng của huyện Củ Chi tồn tại hơn 100 năm. Các ngành nghề truyền thống này đã giải quyết vấn đề việc làm cho rất nhiều đối tượng lao động, tạo cho họ nguồn thu nhập khá ổn định. Bình quân một người lao động có thể nhận từ 8.đến 10 triệu đồng/tháng.

*Vậy, TP.HCM đã có những chính sách gì để hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn?

- Tháng 6/2022, TP.HCM đã ban hành Quyết định 1784, kế hoạch hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022 - 2025. Tập trung vừa phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn theo xu thế hội nhập vừa bảo tồn được giá trị, bản sắc của nó. 

Hiện nay, quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh trên địa bàn TP.HCM, vì vậy các ban, ngành phải có các giải pháp cụ thể. Đó là tiếp tục xây dựng các cơ chế chính sách giúp cho làng nghề, ngành nghề vừa bảo tồn nhưng đồng thời cũng phải phát triển một cách bền vững.

Đưa ra các giải pháp hỗ trợ các làng nghề, ngành nghề nông thôn phát triển theo hướng kinh tế tập thể, hợp tác xã, các tổ hợp tác. Triển khai giải pháp ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật đối với các hộ dân đang sản xuất tại làng nghề. Tổ chức các chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các hộ dân ở làng nghề.

Bảo tồn, phát triển làng nghề trong xu thế hội nhập   - Ảnh 3.

Làng nghề đan lát Thái Mỹ (huyện củ Chi, TP.HCM) tồn tại hơn 100 năm tuổi. Ảnh: Mai Ánh

*Đến hiện tại, kế hoạch hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn đã được triển khai như thế nào, thưa bà?

- Về việc triển khai, sau khi Kế hoạch hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn được ban hành, phía Sở NNPTNT TP.HCM đã có văn bản triển khai nhiệm vụ cụ thể đến các cái đơn vị trực thuộc sở. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, các đơn vị sẽ triển khai những giải pháp cụ thể để hỗ trợ cho các cái hộ dân làng nghề, các tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn. Phía quận, huyện trên địa bàn TP.HCM cũng đang triển khai những hoạt động hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn hiện có trên địa bàn.

Cụ thể, 5 huyện gồm Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ hiện nay đang tham gia xây dựng và triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới. Chương trình nông thôn mới gắn kết với triển khai kế hoạch hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn các huyện. Ví dụ, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển các tuyến giao thông trong chương trình nông thôn mới giúp cho việc giao thương, buôn bán sản phẩm của các cái hộ dân làng nghề được thuận lợi hơn.

Phát huy giá trị truyền thống làng nghề gắn liền với du lịch cộng đồng

Tiềm năng phát triển du lịch làng nghề ở TP.HCM như thế nào, thưa bà?

- TP.HCM có tốc độ đô thị hóa cao và dân số đông, gần mười triệu dân. Đây chính là nguồn lực để phát triển du lịch. 

Đồng thời, TP.HCM vừa là trung tâm phát triển kinh tế, vừa là trung tâm văn hóa của cả nước. Với những tuyến tour du lịch hiện có trên địa bàn TP.HCM, nếu kết hợp với các làng nghề, mô hình ngành nghề nông thôn theo hướng cho người tham gia du lịch được trải nghiệm quy trình sản xuất, dùng thử sản phẩm sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao cũng như giới thiệu được nét đặc trưng văn hóa của địa phương. 

Huyện Củ Chi hiện đang thu hút rất đông khách tham quan trong và ngoài nước. Tại các tuyến tour du lịch địa đạo Củ Chi có thể gắn kết với làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông cho khách tham quan đến có thể trải nghiệm sản xuất bánh tráng, dùng thử bánh tráng tại chỗ.

Bảo tồn, phát triển làng nghề trong xu thế hội nhập   - Ảnh 4.

Làng nghề hoa cây kiểng Thủ Đức (TP.HCM). Ảnh: Mai Ánh

Có thể nói, đây là một tiềm năng rất lớn của TP.HCM và nó sẽ đem lại giá trị kinh tế cũng như nguồn thu nhập lớn cho người dân thành phố.

Bà có hy vọng gì trong tương lai đối với các làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn TP.HCM?

- Hỗ trợ phát triển các làng nghề, ngành nghề nông thôn giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của từng địa phương. Sản phẩm của những làng nghề, ngành nghề nông thôn là sự kết hợp giữa văn hóa và trình độ kỹ thuật của người làm nghề tạo nên, được kết tinh tài hoa qua nhiều thế hệ. Vì thế, tôi hy vọng trong thời gian tới làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn TP.HCM sẽ ngày càng phát triển hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem