Cả thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới

Trần Đáng - Minh Anh Chủ nhật, ngày 19/06/2022 06:30 AM (GMT+7)
Trong hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới TP.HCM, sự góp công, chung sức của các thành phần xã hội là một nguồn lực to lớn không thể thiếu trong thành công của chương trình này.
Bình luận 0

Toàn thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới, TP.HCM có 5 huyện tham gia thực hiện gồm: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ.

Để chương trình thực sự thành công, TP thực hiện chương trình kêu gọi cả xã hội "Chung sức xây dựng nông thôn mới", hỗ trợ 5 huyện về: An sinh xã hội, nhà tình nghĩa, tình thương; hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, phát triển sản xuất, tạo điều kiện các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giống, xây dựng thương hiệu, các hình thức liên kết chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trợ vốn cho nông dân,…

Cả thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.

Nhờ sự góp sức của ông Võ Văn Chò (xã Bình Lợi, Bình Chánh) hiến đất, cây cầu Bà Tỵ đã được xây dựng. Ảnh: Trần Đáng

Không chỉ nhờ "ngoại lực", các huyện xây dựng nông thôn mới cũng tự thân vận động nguồn lực tại chỗ. Thực hiện phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, tại huyện Củ Chi đã có hơn 6.420 hộ dân hiến hơn 760.000m2 đất và đóng góp vật liệu kiến trúc với tổng trị giá hơn 377 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng.

Huyện Bình Chánh, giai đoạn 2016 đến nay, đã vận động 2.709 hộ dân tham gia hiến hơn 193.600m2 đất, với tổng kinh phí khoảng hơn 608 tỷ đồng. Vận động chung sức lắp đặt camera an ninh, mua bảo hiểm y tế, trang bị thùng rác, phát triển sản xuất,… với tổng kinh phí là hơn 100 tỷ đồng.

Huyện Cần Giờ đã vận động được 2.365 hộ tham gia hiến hơn 42ha đất với tổng giá trị hơn 67 tỷ đồng, để mở rộng đường giao thông nông thôn…

Ông Nguyễn Ngọc Thu (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) đã hiến 1.000m2 đất để thực hiện công trình đường bờ bắc Kênh A, đường bờ bắc Kênh 11 khu A, đường bờ nam khu A Kênh 9. Ông Thu đã chuyển đổi cây 2,5ha trồng mía sang trồng mai vàng và dừa xiêm năm 2014 mang lại hiệu quả kinh tế cao; tạo việc làm ổn định cho 4 nhân công và hơn 20 lao động thời vụ.

Ông Thu cũng đã vận động mạnh thường quân hỗ trợ 7 phương tiện sinh kế cho hội viên hộ nghèo, hộ cận nghèo; tổ chức trao 3 xe nước mía, 4 máy may công nghiệp; Câu lạc bộ nuôi heo đất tiết kiệm trao vốn không lãi suất cho 2 hộ nông dân nghèo.

Anh Lê Hữu Thiện, Giám đốc Hợp tác xã Mai vàng Bình Lợi (xã Bình Lợi, Bình Chánh), cũng là một trong những người đi đầu trong phong trào chung sức hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho lao động tại địa phương.

Anh Thiện đã mạnh dạn chuyển đổi từ cây mía sang đầu tư cây riềng và mai vàng. Hiện, anh Thiện có 8 ha mai vàng, 3 ha riềng. Ngoài ra, anh Thiện còn vận động chia sẻ kinh nghiệm cho 20 hộ trồng mai và cùng Hội nông dân xã vận động hội viên tham gia tổ hợp tác mai vàng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động.

Cả thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3.

Anh Lê Hữu Thiện, Giám đốc Hợp tác xã Mai vàng Bình Lợi (Bình Chánh), một trong những người đi đầu trong phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới TP.HCM . Ảnh: Trần Đáng

Diện mạo mới

Chính nhờ sự chung tay chung sức hỗ trợ xây dựng nông thôn mới của toàn XH, bộ mặt nông thôn của 56 xã có sự thay đổi rõ nét, đời sống người dân vùng nông thôn ngày càng được nâng cao. Đến nay, TP không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia, chuẩn nghèo TP được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm…

Đại diện Ban chỉ đạo của Thành ủy TP.HCM về Chương trình xây dựng nông thôn mới cho biết, để thực hiện phong trào thi đua "Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới", Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP đã có nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các quận - huyện triển khai thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" gắn với nội dung thi đua xây dựng nông thôn mới.

Đối đối với từng tổ chức chính trị - xã hội, TP đều có tổ chức phát động phong trào thi đua riêng, như: "Tháng thanh niên hành động xây dựng nông thôn mới", "Thanh niên nông thôn lập nghiệp"; "Trồng cây xanh trên các tuyến đường ở các xã nông thôn mới"; "Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, xây dựng xã nông thôn mới"; "Hiến đất làm đường, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới và giữ gìn an ninh trật tự"; "Lực lượng vũ trang Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới"...Qua phong trào thi đua này, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của bản thân đối với công cuộc xây dựng nông thôn mới đã có chuyển biến rõ nét.

Cả thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới - Ảnh 5.

Nhiều tuyến đường nông thôn mới ở vùng nông thôn TP.HCM hoàn thành nhờ người dân hiến đất. Ảnh: Trần Thế

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện Cần Giờ là một điển hình trong phong trào cả thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới trên địa phương. Cụ thể, trong năm 2021, 100% cơ sở Hội đăng ký giúp phụ nữ thoát nghèo, góp phần thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo của địa phương. 100% Hội phụ nữ xã, thị trấn trong huyện Cần Giờ phát động và triển khai cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch; vận động trao tặng 20 phương tiện sinh kế cho hội viên phụ nữ nghèo (ngư lưới cụ, máy may công nghiệp, tủ bán hủ tiếu, bánh mì)… Hội cũng tổ chức bữa ăn cho người già với 2.082 cụ; vận động người dân, hội viên phụ nữ tham gia hiến máu tình nguyện; vận động các cá nhân hảo tâm trao tặng 100 phần quà cho gia đình chính sách trên địa bàn;…

Qua hơn 10 năm thực hiện Chương trình nông thôn mới đến nay, phong trào chung sức nông thôn mới tại 5 huyện đã huy động được 33.848 hộ dân hiến đất, vật kiến trúc làm đường, với diện tích hơn 3.169.000m2, ước kinh phí hơn 2.319 tỷ đồng. Huy động cộng đồng cùng chung sức xây dựng 2.290 tuyến hẻm, tổng chiều dài 339 km với tổng kinh phí hơn 901 tỷ đồng.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem