Cận cảnh 22 tuyến đường sẽ trở thành phố đi bộ mới tại TP.HCM

Hồng Phúc Thứ sáu, ngày 22/07/2022 07:57 AM (GMT+7)
Theo đề án, các tuyến phố đi bộ mới nằm hầu hết tại khu vực trung tâm TP.HCM, theo trục đường Đồng Khởi, Hàm Nghi và xung quanh chợ Bến Thành.
Bình luận 0

Để thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế đêm và phần nào hạn chế xe vào khu vực nội đô, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã có Đề án tổ chức các tuyến phố đi bộ ở khu vực trung tâm gửi UBND TP.HCM.

Theo đề án, các tuyến phố đi bộ nằm hầu hết tại khu vực trung tâm TP.HCM, được tổ chức vào các ngày cuối tuần. Đề án sẽ được thực hiện từ năm 2022 - 2025, theo ba giai đoạn.

Cận cảnh 22 tuyến đường dự định sẽ trở thành phố đi bộ mới tại TP.HCM - Ảnh 1.

Vòng xoay Công trường Quốc tế (Hồ Con Rùa). Ảnh: Hồng Phúc

Giai đoạn 1: Từ nay đến năm 2023, phố đi bộ sẽ tổ chức ở vòng xoay Công trường Quốc tế (Hồ Con Rùa), đường Phạm Ngọc Thạch, Công xã Paris (từ đường Lê Duẩn đến Nguyễn Du), Lê Lợi (từ Nguyễn Huệ đến vòng xoay Quách Thị Trang), Đồng Khởi (từ Nguyễn Du đến Lê Lợi), Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu. Các tuyến này cấm xe chạy khi tổ chức phố đi bộ. 

Cũng giai đoạn này, thành phố sẽ hạn chế xe, để ưu tiên người đi bộ trên các đường Nguyễn An Ninh và Lưu Văn Lang.

Cận cảnh 22 tuyến đường dự định sẽ trở thành phố đi bộ mới tại TP.HCM - Ảnh 2.

Công xã Paris đoạn từ đường Lê Duẩn đến Nguyễn Du. Ảnh: Hồng Phúc

Công xã Paris (từ đường Lê Duẩn đến Nguyễn Du) đi qua nhiều điểm tham quan nổi tiếng tại TP.HCM là Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Đường sách Nguyễn Văn Bình. Khu vực này tập trung khá đông khách tham quan, nhất là vào cuối tuần và dịp lễ Tết.

Cận cảnh 22 tuyến đường dự định sẽ trở thành phố đi bộ mới tại TP.HCM - Ảnh 3.

Đường Lê Lợi (từ Nguyễn Huệ đến vòng xoay Quách Thị Trang). Ảnh: Hồng Phúc

Đường Lê Lợi (từ Nguyễn Huệ đến vòng xoay Quách Thị Trang) sẽ được tổ chức thành tuyến phố đi bộ, theo giai đoạn 1. Sau khi công trường metro số 1 được dở bỏ, khu vực này trở nên rất sầm uất từ chiều tối đến khuya.

Cận cảnh 22 tuyến đường dự định sẽ trở thành phố đi bộ mới tại TP.HCM - Ảnh 4.

Nhà hát Thành phố nằm trên đường Đồng Khởi (từ Nguyễn Du đến Lê Lợi). Ảnh: Hồng Phúc

Đường Đồng Khởi (từ Nguyễn Du đến Lê Lợi) cũng sẽ được tổ chức thành tuyến phố đi bộ, theo giai đoạn 1. Đoạn đường này nối Nhà thờ Đức Bà với Nhà hát Thành phố, đi qua một số trung tâm thương mại sầm uất như Vincom Đồng Khởi, Parkson Saigontourist Plaza...

Cận cảnh 22 tuyến đường dự định sẽ trở thành phố đi bộ mới tại TP.HCM - Ảnh 5.

Đường Đồng Khởi hướng nhìn về nhà thờ Đức Bà. Ảnh: Hồng Phúc

Giai đoạn 2: Từ năm 2023-2034, phố đi bộ tiếp tục mở rộng và lấy đường Đồng Khởi làm trục chính, tổ chức phố đi bộ kết nối với các trục quanh đường Đồng Khởi.

Cận cảnh 22 tuyến đường dự định sẽ trở thành phố đi bộ mới tại TP.HCM - Ảnh 6.

Đường Nguyễn Thiệp, nối từ Nguyễn Huệ qua Đồng Khởi. Ảnh: Hồng Phúc

Cụ thể, phố đi bộ được mở rộng ở đoạn còn lại của đường Đồng Khởi (từ Lê Lợi đến Tôn Đức Thắng), Công trường Lam Sơn (từ Đồng Khởi đến Hai Bà Trưng), cùng các tuyến Lê Lợi, Nguyễn Thiệp, Mạc Thị Bưởi, Ngô Đức Kế (đoạn từ Nguyễn Huệ đến Đồng Khởi).

Cận cảnh 22 tuyến đường dự định sẽ trở thành phố đi bộ mới tại TP.HCM - Ảnh 7.

Đường Mạc Thị Bưởi nối Đồng Khởi ra đường Hai Bà Trưng. Ảnh: Hồng Phúc

Giai đoạn này, thành phố cũng hạn chế xe, ưu tiên người đi bộ trên các tuyến Đông Du, Mạc Thị Bưởi (đoạn từ Đồng Khởi đến Hai Bà Trưng); Hồ Huấn Nghiệp, Ngô Đức Kế (từ Đồng Khởi đến Công trường Mê Linh), Phan Văn Đạt, Tôn Đức Thắng (từ Nguyễn Huệ đến Công trường Mê Linh).

Cận cảnh 22 tuyến đường dự định sẽ trở thành phố đi bộ mới tại TP.HCM - Ảnh 8.

Chợ Bến Thành nằm tại vòng xoay Quách Thị Trang. Ảnh: Hồng Phúc

Giai đoạn 3: Từ năm 2024 - 2025, mở rộng phạm vi tuyến phố đi bộ vào các ngày cuối tuần gồm đường Hàm Nghi (từ Tôn Đức Thắng đến vòng xoay Quách Thị Trang). Đối với đường Tôn Thất Đạm (từ Hàm Nghi đến Huỳnh Thúc Kháng), Thái Văn Lung, Thi Sách sẽ hạn chế xe, ưu tiên đi bộ.

Cận cảnh 22 tuyến đường dự định sẽ trở thành phố đi bộ mới tại TP.HCM - Ảnh 9.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ tại TP.HCM luôn sầm uất từ chiều tối và các ngày cuối tuần. Ảnh: Hồng Phúc

TP.HCM hiện có 2 tuyến phố đi bộ là phố đi bộ Nguyễn Huệ và phố đi bộ Bùi Viện (phố Tây Bùi Viện). Ngoài ra, từ cuối năm 2020, TP.HCM có thêm tuyến phố đêm Kỳ đài Quang Trung tại đường Nguyễn Lâm (quận 10).

Đề án cũng xây dựng 5 tiêu chí để xem xét, quyết định triển khai khi có đề xuất mở phố đi bộ thời gian tới. Các tiêu chí này gồm an toàn, an ninh; hấp dẫn; mức độ tiếp cận, nhu cầu; tính kết nối; và khảo sát sự ủng hộ của cộng đồng.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, việc nghiên cứu đề án tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm thành phố là rất cần thiết nhằm nghiên cứu toàn diện các tiêu chí, thiết kế, kế hoạch các giai đoạn thực hiện để có lộ trình triển khai các tuyến phố đi bộ chất lượng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem