ChatGPT xuất hiện: Là động lực hơn là nỗi sợ!

Theo Lao động Chủ nhật, ngày 26/02/2023 20:26 PM (GMT+7)
ChatGPT được coi là một trong những trí tuệ nhân tạo AI thông minh nhất hiện nay. 2 trong số những ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất có thể kể đến khi ChatGPT ra đời chính là IT và content. Đứng trước ảnh hưởng đó, liệu dân IT, content có sợ bị ChatGPT soán ngôi?
Bình luận 0

Chat GPT (Chatbot) hay còn được gọi với cái tên hào nhoáng khác là trí tuệ nhân tạo AI. Đây là một ứng dụng, nền tảng trong lĩnh vực chia sẻ thông tin có thể trả lời chi tiết, lưu loát các câu hỏi con người đưa ra. Ứng dụng này có tên đầy đủ là Chat Generative Pre-training Transformer do công ty khởi nghiệp Open AI phát triển.

ChatGPT xuất hiện: Là động lực hơn là nỗi sợ - Ảnh 1.

Anh Nam coi ChatGPT như một động lực hơn là nỗi sợ để tự thúc đẩy bản thân học tập hiệu quả. Ảnh: Mạnh Cường

Điểm mạnh của ChatGPT chính là trả lời được hầu hết mọi thắc mắc ở mọi lĩnh vực. Đồng thời, các câu trả lời cũng rất logic, liền mạch, không khô khan, khó hiểu.

Chỉ sau 2 tháng ra mắt, ChatGPT đã cán mốc 100 triệu người dùng trên toàn thế giới, điều mà các phần mềm khác phải mất đến vài năm thậm chí hàng chục năm mới làm được.

Hai trong số những ngành nghề chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi ChatGPT ra đời đó chính là IT và content. Vậy liệu trong tương lai, những người làm ngành nghề này có sợ bị ChatGPT soán ngôi hay không?

Anh Cấn Phương Nam - sinh viên năm 3 ngành IT (Thạch Thất, Hà Nội) bày tỏ quan điểm, lúc đầu, khi ChatGPT ra đời, mọi người tung hô rất nhiều khiến anh cảm thấy khá sợ khi ra trường, khả năng sẽ không có việc làm.

Nhưng sau đó, khi suy nghĩ sâu sắc và xem các Youtuber, Blogger trong ngành chia sẻ, anh Nam đã có suy nghĩ khác và bắt đầu thử dùng ChatGPT.

"Tôi thấy ChatGPT rất "đỉnh", trả lời các câu hỏi của tôi khá tốt. Tuy nhiên, ChatGPT vẫn có những hạn chế. Ví dụ như chưa đi quá sâu vào một vài thứ chuyên môn, đôi lúc còn nhầm lẫn về kiến thức, không hiểu ý của người hỏi" - anh Nam cho biết.

Theo anh Nam, sau một thời gian ChatGPT ra mắt và được trải nghiệm thực tế thì anh đã coi công cụ này như một kênh hữu ích để tìm kiếm tài liệu, viết Code, phục vụ công việc. "Tôi coi ChatGPT như một động lực hơn là nỗi sợ để tự thúc đẩy bản thân học tập hiệu quả hơn" - anh Nam nói.

Chị Lê Thị Tâm - nhân viên Content Marketing (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, chị đã thử dùng ChatGPT và thấy rất ấn tượng với màn đối đáp thông minh mà phần mềm này mang lại. Có thể nhiều người nghĩ ChatGPT sẽ đe dọa đến những người làm content nhưng chị Tâm thì không.

Chị Tâm cho rằng, ChatGPT là một phần mềm rất hữu ích, hỗ trợ đắc lực cho những người làm nghề viết content chứ không thể thay thế con người được. Vì ChatGPT suy cho cùng vẫn chỉ là một cái máy.

Ngôn từ đôi lúc vẫn dập khuôn, các cấu trúc của một bài viết hoàn chỉnh cũng như nội dung chuyên sâu về chuyên ngành chưa được giải đáp đầy đủ, chính xác, không thể bằng con người tự viết.

"Thay vì lo sợ ChatGPT thì tại sao chúng ta không kết hợp, tận dụng để viết content tốt hơn" - chị Tâm cho hay.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem