Kiến nghị cho TP.HCM tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công

Quốc Hải Thứ bảy, ngày 11/03/2023 19:47 PM (GMT+7)
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM có nhiều điểm đáng chú ý như: Cho phép TP tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; được thực hiện dự án đầu tư thuộc lĩnh vực giao thông theo phương thức BT...
Bình luận 0

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. 

Trong dự thảo này, hàng loạt vấn đề liên quan đến quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; tổ chức bộ máy của chính quyền TP.HCM và TP.Thủ Đức... được nêu ra.

Kiến nghị cho TP.HCM tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công - Ảnh 1.

Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM kiến nghị cho phép TP tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công. Ảnh: Quốc Hải

HĐND thành phố quyết định chủ trương đầu tư dự án tổng thể

Theo dự thảo Nghị quyết, HĐND TP.HCM sẽ quyết định chủ trương đầu tư dự án tổng thể có quy mô dự án nhóm B thuộc lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, cấp thoát nước, xử lý rác thải theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Đặc biệt, HĐND TP có quyền quyết định cho phép tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tổng thể; quyết định mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, địa điểm đầu tư của dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng tại quyết định chủ trương đầu tư dự án tổng thể.

Căn cứ chủ trương đầu tư dự án tổng thể, Chủ tịch UBND TP quyết định đầu tư, điều chỉnh dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng trong phạm vi mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, địa điểm thực hiện dự án tổng thể. 

"Trường hợp điều chỉnh dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng phát sinh yếu tố phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tổng thể, HĐND TP thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tổng thể trước khi Chủ tịch UBND TP điều chỉnh dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng", Nghị quyết nêu rõ.

"HĐND TP phải đảm bảo việc bố trí vốn cho các chương trình, dự án, nhiệm vụ phải tuân thủ quy định Luật Đầu tư công, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của địa phương, không làm tăng mức bội chi ngân sách hằng năm và không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản..."

(Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM)

Một điểm đáng chú ý trong dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, là cho phép HĐND TP quyết định sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện dự án đầu tư công độc lập để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư theo đồ án thiết kế đô thị riêng, đồ án quy hoạch đô thị vùng phụ cận các nhà ga thuộc tuyến đường sắt được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Theo đó, các khu vực dọc theo tuyến Đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), Đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương), TP sẽ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật để thu hồi đất, chỉnh trang, phát triển đô thị, thực hiện tái định cư tại chỗ, tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị theo quy định.

Thẩm quyền, trình tự, thủ tục đầu tư, xây dựng đối với dự án Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được thực hiện theo trình tự, thủ tục của dự án đầu tư công nhóm A theo tiêu chí quy định tại Luật Đầu tư công.

HĐND TP được quyết định điều chỉnh mật độ xây dựng, chỉ tiêu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật tăng không quá 1,5 lần so với quy chuẩn hiện hành.

Thực hiện dự án đầu tư lĩnh vực giao thông theo phương thức BT

Theo dự thảo, thành phố cũng được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa, bảo tàng, di tích và di sản văn hóa theo quy định pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực nêu trên không thấp hơn 100 tỷ, trừ loại hợp đồng O&M (hợp đồng kinh doanh - quản lý).

Kiến nghị cho TP.HCM tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công - Ảnh 4.

HĐND TP có quyền quyết định cho phép tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tổng thể. Ảnh: Quốc Hải

Thành phố được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án Đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu và dự án Đường trên cao số 5.

Ngoài ra, thành phố cũng được thực hiện dự án đầu tư thuộc lĩnh vực giao thông theo phương thức xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT) trên địa bàn TP.HCM, là hình thức hợp đồng được ký kết giữa thành phố và nhà đầu tư để xây dựng công trình.

Sau khi xây dựng hoàn thành, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho thành phố và sẽ được thành phố thanh toán bằng vốn ngân sách cho nhà đầu tư (theo thỏa thuận trong hợp đồng BT).

Về quản lý đầu tư, sau khi bố trí đủ vốn ngân sách địa phương cho các chương trình, dự án, nhiệm vụ trong tổng số vốn đầu tư công trung hạn ngân sách địa phương đã được Quốc hội quyết định, trường hợp có tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn tăng thu ngân sách địa phương, thành phố được phân bổ cho các chương trình, dự án, nhiệm vụ mới và bổ sung vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn, báo cáo Quốc hội kết quả vào giữa kỳ và cuối kỳ kế hoạch.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem