Chợ Việt xưa nay: Phiếm luận về chợ

TS.Đỗ Anh Vũ Chủ nhật, ngày 24/04/2022 07:45 AM (GMT+7)
Chợ chiều ngoài ý nghĩa vật lý chỉ thời gian họp chợ, còn được phái sinh thêm ý nghĩa thứ hai là quang cảnh lúc rã đám, tàn cuộc của một sự việc, hiện tượng nào đó.
Bình luận 0

1. Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, chợ được định nghĩa là "nơi công cộng để đông người đến mua bán vào những ngày, buổi nhất định". Những diện mạo của chợ trong đời sống xã hội đương đại, có thể thấy đã vượt qua nội hàm định nghĩa trên.

Phân loại theo không gian họp chợ, người Việt còn có những loại hình chợ khá đặc biệt như chợ nổi hay chợ trời. Khu biệt về tính chất của các loại chợ, người Việt còn có các khái niệm như chợ xanh (chỉ chợ tạm bán các loại rau quả), chợ đen (chỉ thị trường mua bán tiền tệ bất hợp pháp), chợ người (chỉ nơi có những người lao động chân tay đứng chờ sẵn để được người khác thuê mình), chợ cóc (chợ nhỏ, thường họp tự phát trong thời gian ngắn, không ở cố định một chỗ).

Tuy nhiên, trong các từ ngữ gắn với chợ, có 2 cụm từ ý nghĩa biến ảo khá thú vị là chợ chiều và chưa đến chợ đã hết tiền.

Chợ chiều ngoài ý nghĩa vật lý chỉ thời gian họp chợ, còn được phái sinh thêm ý nghĩa thứ hai là quang cảnh lúc rã đám, tàn cuộc của một sự việc, hiện tượng nào đó.

xuan/ Phiếm luận về chợ - Ảnh 1.

Cảnh chợ ở Hà Nội - họa sĩ Phạm Hậu

Chợ thân thuộc với người Việt đến nỗi, ngay trong chuyện phòng the ân ái, chợ cũng được mang ra để làm một ẩn dụ về một cảnh dở cười dở khóc của một cuộc yêu không mang về được cảm xúc yêu đương trọn vẹn.

Như vậy, cái nghĩa bóng, nghĩa phái sinh của "chợ chiều" có lẽ chủ yếu nằm ở cảm xúc của lòng người chứ không đơn giản là phản ánh một bề mặt, một hiện tượng. Người Việt có thể linh hoạt sử dụng chữ "chợ chiều" trong nhiều bối cảnh khác nhau, không nhất thiết phải gắn với một cuộc tập trung đông người mà có thể sử dụng "chợ chiều" theo ý nghĩa ứng xử giữa người với người.

Chẳng hạn với một lãnh đạo cơ quan sắp về hưu, các quyền lợi của vị lãnh đạo ấy cũng theo đó thu hẹp dần, ít nhận được sự quan tâm chăm sóc của nhân viên dưới quyền so với thời kỳ trước đó khi còn đương chức. Cách ứng xử ấy, người Việt cũng có thể gọi là một cách ứng xử theo lối "chợ chiều".

Và cũng đôi khi, hai chữ "chợ chiều" còn mang theo nó một tiếng thở dài về cái lẽ đời, về nhân tình thế thái, bởi người ta vẫn nói: Xưa nay chỉ thấy phù thịnh mà không thấy phù suy bao giờ.

Chưa đi chợ đã hết tiền. Chợ thân thuộc với người Việt đến nỗi, ngay trong chuyện phòng the ân ái, chợ cũng được mang ra để làm một ẩn dụ về một cảnh dở cười dở khóc của một cuộc yêu không mang về được cảm xúc yêu đương trọn vẹn.

2. Từ thuở bé thơ, ai trong chúng ta mà chẳng trải qua cái cảm xúc ngóng mẹ đi chợ về, từ đây hình thành câu nói cửa miệng: "mong như mong mẹ về chợ". Tình cảm đôi lứa, vợ chồng cũng mang trong đó những ví von liên quan đến không gian chợ: Gái thương chồng đương đông buổi chợ/Trai thương vợ nắng quái chiều hôm (Tục ngữ). Chế giễu những cô gái lẳng lơ, thiếu đoan chính, người xưa cũng có một cách nói tài tình gắn với chữ "chợ": Chữ trinh đáng giá ngàn vàng/Từ anh chồng cũ đến chàng là năm/Còn như yêu vụng nhớ thầm/Họp chợ trên bụng hàng trăm con người.

Trong thơ ca thành văn của người Việt từ cổ điển cho tới hiện đại, chợ gắn liền với niềm vui, nỗi buồn của con người. Như khi Nguyễn Trãi lắng nghe những thanh âm một đời sống hòa bình, no ấm của muôn dân, chợ đã xuất hiện: Lao xao chợ cá làng ngư phủ (Bảo kính cảnh giới số 43).

Hay sau này, khi Nguyễn Khuyến, nhà thơ của làng cảnh Việt Nam tặng cho chúng ta một bức tranh của chợ Đồng, đó cũng chính là tình cảm của ông với quê hương: Tháng chạp hai mươi bốn chợ Đồng/Năm nay chợ họp có đông không?/Dở trởi, mưa bụi còn hơi rét/Nếm rượu tường đền được mấy ông/Hàng quán người về nghe xao xác/Nợ nần năm cũ hỏi lung tung.

Sang đến thời kỳ Thơ Mới lãng mạn (1932 - 1945), chợ đi vào khá nhiều bài thơ nổi tiếng và thường phảng phất những nỗi buồn thời đại. Huy Cận trong cái bơ vơ rợn ngợp không gian như muốn kiếm tìm chút thanh âm của một miền tụ họp con người: Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều (Tràng giang).

Nguyễn Bính sau những bước chân giang hồ bỗng muốn tìm về giữa chợ trong một cơn say: Ta đi nhưng biết về đâu chứ/Đã dấy phong yên lộng bốn trời/Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ/Uống say rồi gọi thế nhân ơi (Hành phương Nam).

Sau này, Đồng Đức Bốn là người có nhiều câu thơ hay tả về chợ nơi làng quê. Chợ trong thơ ông đi từ những miền cụ thể đến miền trừu tượng. Ông mang đến trước mắt chúng ta khung cảnh rất thật của một miền quê Bắc Bộ: Nhà quê chân lấm tay bùn/Mẹ đi cấy lúa rét run thân già/Chợ làng mở dưới gốc đa/Nhà quê đem mấy con gà bán chơi (Nhà quê).

Không dừng lại ở đó, thi sĩ họ Đồng đã nâng chợ lên thành một biểu tượng, gắn với tình yêu và kiếp người: Chợ buồn đem bán những vui/Đã mua được cái ngậm ngùi chưa em/Chợ buồn bán nhớ cho quên/Bán mưa cho nắng bán đêm cho ngày/Chợ buồn bán tỉnh cho say/Bán thương suốt một đời này cho yêu/Tôi giờ xa cách bao nhiêu/Đem thơ đổi lấy những chiều tương tư (Chợ buồn).

Trong thơ Hồ Dzếnh, chợ gắn với những kỷ niệm của tình đầu một thuở: Rủ em đi chợ Đồng Xuân/Tưởng như đi giữa bâng khuâng thuở nào/Nắng hanh rám má bưởi đào/Chợt nghe hương vị thấm vào tâm tư/Đồng Xuân này lối năm xưa/Anh chưa lấy vợ em chưa lấy chồng/Nhưng thôi, chuyện cũ - chuyện lòng/Nhắc chi húng Láng, cốm Vòng hỡi em (Rủ em đi chợ Đồng Xuân).

Trong thơ Xuân Quỳnh, chợ gắn với đủ lo toan sinh hoạt đời thường của những người phụ nữ: Chúng tôi chỉ là những người đàn bà bình thường không tên tuổi/Quen việc nhỏ nhoi bếp núc hàng ngày/Cuộc sống ngặt nghèo phải tính sao đây/Gạo, bánh, củi, dầu chia thế nào cho đủ/Đầu óc linh tinh toàn nghĩ về chợ búa/Những quả cà, mớ tép, rau dưa (Thơ vui về phái yếu).

Tóm lại, chợ có nhiều ý nghĩa trong đời sống tinh thần và người Việt cũng cấp thêm những tầng nghĩa, những biểu đạt mới cho chợ, trong ngôn ngữ và các trong các tác phẩm văn học suốt chiều dài lịch sử. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem