Chuyên gia "vẽ đường" để TP.HCM trở thành Trung tâm tài chính quốc tế

Quốc Hải Thứ năm, ngày 09/02/2023 12:45 PM (GMT+7)
Theo các chuyên gia kinh tế, những yếu tố cơ bản như chứng khoán, trái phiếu, vay vốn, bảo hiểm… tạo nên "linh hồn" của trung tâm tài chính của TP.HCM đang rất chuệch choạc dù TP đã là trung tâm tài chính của cả nước từ nhiều năm nay.
Bình luận 0
"Linh hồn" của trung tâm tài chính đang rất... chuệch choạc - Ảnh 1.

TP.HCM đang đẩy mạnh các giải pháp để phát triển trung tâm tài chính quốc tế. Ảnh: Quốc Hải

Đây là nhận định của các chuyên gia kinh tế tại tọa đàm "Giải pháp hình thành Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM", diễn ra sáng 9/2 tại TP.HCM.

Trung tâm tài chính cả nước vẫn còn rất... chuệch choạc

TS Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế dẫn chứng: Năm 2000, thị trường tài chính còn sơ khai nhưng đã có mô hình Quỹ đầu tư thành lập. Mô hình quỹ đầu tư lúc đó còn sơ khai của Thị trường tài chính Việt Nam nhưng có các chức năng mạnh hơn cả Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) hiện nay.

"Tôi không nói về quy mô mà là vai trò, bởi lẽ Quỹ đầu tư thời điểm đó phân định rõ ràng việc quản lý vốn Nhà nước, thu chi ngân sách thành phố, có phòng quản lý ủy thác, có bộ phận thẩm định cho vay các dự án mang tính cốt lõi của TP.HCM… ", TS Đinh Thế Hiển nhận định và nhấn mạnh, hiện nay sự chuyển động với vai trò đầu tàu của HFIC cũng chưa thực sự năng động.

"Linh hồn" của trung tâm tài chính đang rất... chuệch choạc - Ảnh 2.

TP.HCM được giao nhiệm vụ phát triển trung tâm tài chính quốc tế của cả nước. Ảnh: Quốc Hải

Dẫn chứng nhận định này, ông Hiển ví dụ, mới đây Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đề xuất vốn cho các dự án cửa ngõ với hình thức BOT, trong khi đáng lẽ vấn đề huy động vốn cho các dự án này phải có vai trò của HFIC. 

Hoặc, còn nhớ hồi năm 2000, TP.HCM đã phát hành trái phiếu đô thị, lúc đó TP.HCM mới có đủ năng lực, đủ điều kiện để phát hành trái phiếu đô thị, trái phiếu công trình.

"Đáng nói, sau hơn 20 năm phát triển, hiện nay số lượng phát hành trái phiếu lớn nhất thuộc về các công ty tư nhân, thậm chí là các công ty không tên tuổi, đã phát hành trái phiếu doanh  nghiệp trên 1 triệu tỷ. Trong khi đó, trái phiếu đô thị và công trình của TP.HCM sau hơn 20 năm vẫn... dậm chân tại chỗ", ông Hiển minh chứng.

Theo ông Hiển, ông cũng là chủ tịch của 1 quỹ đầu tư, cũng đang tìm trái phiếu để đầu tư nhưng lại không có trái phiếu tốt nào để đầu tư, trong khi trái phiếu Chính phủ thì lãi suất thấp, chỉ 3-5% nên không hấp dẫn. 

"Có thể thấy, việc Trung tâm tài chính TP.HCM chuyển động chậm chạp. Đề án Trung tâm tài chính của Viện Kinh tế TP năm 2000 đã được phê duyệt. Tuy nhiên, nếu TP không được Trung ương cấp cho các cơ chế đặc thù thì khó mà hình thành đề án này được", TS Hiển nói.

"Linh hồn" của trung tâm tài chính đang rất... chuệch choạc - Ảnh 3.

TS Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế (áo trắng) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quốc Hải

Đồng quan điểm, TS Huỳnh Thanh Điền - chuyên gia kinh tế, nhận xét: "Dù thực tế TP.HCM đã là trung tâm tài chính của cả nước nhưng thật sự vẫn chưa có bài bản, có thể thấy rõ nhất là những yếu tố cơ bản như chứng khoán, trái phiếu, vay vốn, bảo hiểm… vẫn còn đang phát triển rất chuệch choạc".

Dẫn chứng về việc này, ông Điền nói thêm về thị trường chứng khoán hiện nay đang gây mất niền tin cho nhà đầu tư.

Theo chuyên gia này, về yếu tố niềm tin trên thị trường chứng khoán, Nhà nước cần phải đảm bảo yếu tố thông tin cân bằng, hoàn chỉnh, tránh thông tin bất cân xứng. Muốn vậy, cần phải siết kỹ cương thị trường, minh bạch thông tin, khung hành lang pháp lý rõ ràng.

"Nói thật, bản thân tôi còn sợ thị trường chứng khoán này chứ nói gì nhà đầu tư trong và ngoài nước", ông Điền nói.

Cần những giải pháp cốt lõi 

Theo TS Huỳnh Thanh Điền, để sớm hình thành trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM thì cần có chính sách đủ để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư tham gia vào thị trường, tạo cơ hội sinh lời và cuối cùng củng cố niềm tin cho nhà đầu tư. 

Muốn đáp ứng vấn đề này, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như có đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, thuận tiện trong giao dịch, đặc biệt là có chính sách thuế tiệm cận với chính sách thuế mà các trung tâm tài chính quốc tế trong khu vực và thế giới đang áp dụng.

Đặc biệt, muốn phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM thì cần có các giải pháp mạnh về cơ chế, cơ chế đặc thù chứ cứ bàn không thì sẽ rất khó làm.

"Theo tôi, giải pháp nhanh nhất là cần liên kết với các nhà đầu tư tài chính quốc tế tại các trung tâm tài chính lớn trên thế giới đến Việt Nam để mở chi nhánh, văn phòng đại diện. Từ thực tế hoạt động của họ sẽ có đề xuất sửa đổi, kiến tạo khung hành lang pháp lý, thiếu cái gì thì bổ sung cái đó. Đây là cơ sở để Việt Nam nhanh chóng hoàn thiện cơ chế, khung pháp lý cần và đủ để hình thành trung tâm tài chính quốc tế", ông Điền chia sẻ.

"Linh hồn" của trung tâm tài chính đang rất... chuệch choạc - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Ngọc Hoà (bên phải), Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC)

Liên quan đến các ý kiến này, ông Nguyễn Ngọc Hoà - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) cho biết, để hình thành trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM, cần sớm hình thảnh 3 trụ cột cốt lõi.

Thứ nhất, với trụ cột thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, hiện chỉ mới có hệ thống ngân hàng thương mại mà thiếu ngân hàng đầu tư.

Thứ hai, với trụ cột thị trường vốn thì còn manh nha, sơ khai và mới hình thành dạng trái phiếu ở một số lĩnh vực nhất định, trong đó chủ yếu là ngành bất động sản. Cần hoàn thiện hệ thống pháp lý để thị trường này hoạt động đầy đủ cho tất cả ngành nghề.

Thứ ba, là trụ cột về thị trường hàng hoá phái sinh. Trụ cột này hoàn toàn chưa có, thậm chí sàn giao dịch điện tử hàng hóa sơ cấp nhất cũng chưa hình thành. 

Trước yêu cầu phải củng cố nhóm trụ cột này, một số giải pháp cần thiết đã được ông Hoà nêu ra.

Đó là, cần xây dựng hệ thống pháp luật và thể chế hoàn chỉnh, đồng bộ, bao quát được các lĩnh vực mà dòng chảy tài chính sẽ hướng đến. Trong đó, đặc biệt chú trọng chính sách thu hút đầu tư từ nhà đầu tư tiên phong, có tính chất khai phá, dẫn dắt hình thành thị trường, tạo tiền đề hình thành chuỗi nhà đầu tư thứ cấp tham gia.

Về vấn đề này, có thể lựa chọn hình thức là Chính phủ giao cho một cơ quan chức năng tập trung xây dựng hoàn thiện khung pháp lý phù hợp với mục tiêu hình thành trung tâm tài chính. Hoặc có thể chọn giải pháp rút ngắn thời gian hơn bằng cách kế thừa, áp dụng mô hình thị  trung tâm tài chính đã có sẵn trên thế giới.

Hai là cơ chế cho phép áp dụng khung pháp lý thí điểm thử nghiệm trên một số lĩnh vực. Từ đó làm cơ sở đánh giá mức độ tương thích giữa hệ thống pháp lý với hiệu quả thực hiện, tiến tới điều chỉnh cho phù hợp với xu hướng phát triển trong tương lai.

Ba là, cần có sự vào cuộc cơ quan Trung ương trong việc xây dựng hành lang pháp lý minh bạch, tạo nền tảng vững chắc, an toàn để thu hút cũng như hình thành những con sếu đầu đàn đủ sức tham gia vào cuộc chơi chung trên thị trường tài chính. 

Bốn là, cần xác định giá trị cốt lõi cho năng lực cạnh tranh của  trung tâm tài chính làm điểm nhấn thu hút các định chế tài chính trên thế giới tham gia. Điều này đòi hỏi chúng ta phải xác định chọn thị trường ngách, là một lĩnh vực nào đó hoặc chọn tổng thể các ngành trên thị trường toàn cầu. Đây là cơ sở để xây dựng chính sách ưu đãi thu hút đầu tư cho các định chế tài chính tương ứng.

Cuối cùng, phải chủ động xây dựng nguồn nhân lực có đủ trình độ lĩnh vực tài chính. Nguồn nhân lực này có thể thu hút từ nước ngoài hoặc đào tạo trong nước. Cùng với đó, cần có chính sách đầu tư đồng bộ nhằm tạo môi trường làm việc, sinh sống, giải trí thuận lợi cho các nhà đầu tư, chuyên gia tài chính...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem