Có công nhân lao động chỉ được ăn thịt cá 1-2 lần/tuần, ĐBQH đề nghị tăng lương tối thiểu

Thành An Thứ tư, ngày 01/06/2022 13:21 PM (GMT+7)
Một số đại biểu Quốc hội đã đăng đàn đề nghị Chính phủ tăng lương tối thiểu từ ngày 01/7/2022 theo Tờ trình của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng như kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và nguyện vọng của hàng triệu lao động trên cả nước.
Bình luận 0

Thật xót xa khi nhiều người lao động không dám đi khám bệnh

Mở đầu bài phát biểu của mình, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (tỉnh Lạng Sơn) cho rằng, thời gian qua, mặc dù Đảng, Nhà nước và xã hội đã có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng một bộ phận lớn công nhân lao động vẫn rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn trong và sau đại dịch Covid-19.

Có công nhân lao động chỉ được ăn thịt cá 1-2 lần/tuần, Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng lương tối thiểu - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại phiên Thảo luật của Quốc hội sáng 1/6. Ảnh: QH.

Ông Nghĩa dẫn chứng: Điều tra năm 2021 của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy, có 5% người lao động được hỏi chỉ được ăn thịt, cá 1-2 lần/ tuần, 34% chỉ được ăn thịt, cá 3-4 lần/tuần, thậm chí có đến 41% người lao động được hỏi chỉ đủ tiền mua một số thuốc cơ bản và "thật xót xa khi nhiều người lao động không dám đi khám bệnh vì không có khả năng chi trả".

Dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong tác phẩm "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" rằng: "Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người… Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội", đại biểu Phạm Trọng Nghĩa chỉ ra rằng, người lao động là tài sản quý giá của đất nước nên cần phải được đãi ngộ xứng đáng và phải được đặt vào trung tâm của các chính sách để được hưởng thành quả từ sự phát triển của đất nước, của dân tộc.

Đáng chú ý, đề cập đến lương tối thiểu, vị ĐBQH Đoàn Lạng Sơn cho rằng, theo Bộ Luật Lao động, lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Nhưng trên thực tế, khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2022 cho thấy, chỉ có khoảng 55% người lao động có tiền lương và thu nhập đủ sống, 25% phải chi tiêu tằn tiện, 13% không đủ sống ở mức tối thiểu.

Bên cạnh đó, trong 2 năm 2020-2021 để chia sẻ với doanh nghiệp và nền kinh tế, lương tối thiểu của người lao động không tăng. Tới đây, từ ngày 1/7/2022, theo đề xuất của Hội đồng tiền lương quốc gia, lương tối thiểu sẽ tăng lên 6%, tuy nhiên đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng tỷ lệ lạm phát từ đầu năm 2020 đến nay đã vượt quá con số 6% này.

Vị này cũng cho rằng, với mức tăng 6% ở vùng 1 là cao nhất sẽ là hơn 4.680.000 đồng tương đương với 200 USD/tháng, so sánh với các nước trong khu vực thì rất là thấp (Indonesia – 323 USD, Philippine – 226 USD, Thái Lan – USD 260, Malaysia 282, Bắc Kinh – 360 USD).

"Với mức lương tối thiểu và cơ cấu nguồn nhân lực trong khu vực như vậy, việc tăng lương tối thiểu sẽ không tác động lớn đến lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Ngược lại tăng lương tối thiểu sẽ cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng giảm dần các ngành, các lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp thâm hụt lao động cao, mặt khác góp phần bảo đảm đời sống của người lao động và gia đình họ đây cũng là kích thích tiêu dùng và kích thích kinh tế", ông Nghĩa nói.

Có công nhân lao động chỉ được ăn thịt cá 1-2 lần/tuần, Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng lương tối thiểu - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân - ĐBQH tỉnh Đắk Lắk phát biểu thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 1/6. Ảnh: QH.

Tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 là đúng đắn và cần thiết

Cũng bày tỏ quan tâm đến vấn đề tăng lương tối thiểu, đại biểu Nguyễn Thị Xuân ( tỉnh Đắk Lắk) cho biết, thực tế, chúng ta có những DN sử dụng tới 45.000 lao động, chưa kể số DN sử dụng khoảng 10.000 lao động trên cả nước hiện cũng rất nhiều. Tuy vậy, người lao động ủng hộ, đón chờ quyết định việc tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7/2022.

"Họ cho rằng, trong thời gian qua, người lao động đã chia sẻ rất nhiều với DN, nhất là trong thời gian dịch Covid-19, họ phải làm việc 3 tại chỗ, đồng ý tăng thời giờ làm thêm", đại biểu Xuân nói và cho rằng, theo thông lệ, việc tăng tăng lương tối thiểu vùng được điều chỉnh từ ngày 01 tháng 01 hàng năm, tiền lương tối thiểu của người lao động thường được tăng mỗi năm từ 5 đến 7%.

Tuy nhiên, trong 2 năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ lao động thiếu việc làm thất nghiệp tăng cao, tiền lương tối thiểu vùng đã không tăng, thu nhập giảm, đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn.

"Đến thời điểm này, người lao động cần được chia sẻ khó khăn sau thời gian kiệt quệ vì dịch bệnh và bão giá đang tăng. Trong bối cảnh đó, việc đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 01/7/2022 là đúng đắn và cần thiết", nữ ĐBQH tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh.

Có công nhân lao động chỉ được ăn thịt cá 1-2 lần/tuần, Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng lương tối thiểu - Ảnh 4.

Quang cảnh phiên họp của Quốc hội sáng 1/6. Ảnh: QH.

Theo nữ đại biểu, việc tăng lương tối thiểu tuy DN gặp khó khăn trong việc tăng chi phí tiền lương nhưng việc tăng lương tối thiểu không chỉ cho người lao động mà chính là giúp DN có thêm động lực để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

"Cho dù DN sẽ gặp khó khăn ban đầu nhưng tăng lương sớm có ý nghĩa thiết thực để người lao động ổn định đời sống, giúp giữ chân lao động lại DN, động viên tinh thần đối với người lao động, gắn bó hăng say, tăng năng suất lao động, mang lại lợi ích lâu dài cho DN; đồng thời tăng lương tối thiểu, kịp thời lúc người lao động đang khó khăn, thể hiện tính ưu việt của nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa của nước ta là tăng trưởng kinh tế gắn với duy trì và nâng cao phúc lợi, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Vì vậy, đề nghị Chính phủ quyết định tăng lương tối thiểu đối với người lao động theo hợp đồng kể từ ngày 1/7/2022 như Tờ trình của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng như kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và theo nguyện vọng của hàng triệu lao động theo hợp đồng trên cả nước", đại biểu Nguyễn Thị Xuân nói.

Để bảo vệ và phát triển tài sản quý giá này, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với Chính phủ.

Thứ nhất, Chính phủ cần chỉ đạo Hội đồng tiền lương quốc gia sớm thương lượng tăng lương tối thiểu năm 2023 để bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ như quy định của Bộ Luật Lao động.

Thứ hai, Chính phủ cần nghiên cứu, giao cơ quan độc lập, có thể là cơ sở nghiên cứu để công bố, phản biện lại mức sống tối thiểu do cơ quan thống kê công bố, đảm bảo tính khách quan, khoa học. Đây cũng là kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới.

Thứ ba, Chính phủ cần nghiên cứu điều chỉnh mức lương tối thiểu giờ cao hơn hẳn so với mức trung bình thu nhập tháng.

Thứ tư, đề nghị Thủ tướng Chính phủ khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045 nhằm thực hiện đột phá chiến lược về nguồn nhân lực.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem