Cô giáo tâm huyết, hết lòng vì học sinh

Thứ bảy, ngày 13/08/2022 10:04 AM (GMT+7)
Tôi tình cờ gặp cô giáo Ngô Thị Thu Hương khi cô đưa học sinh từ Hưng Yên ra Hà Nội nhận giải thưởng cách đây vài năm.
Bình luận 0

Rồi năm nào cũng đôi ba bận, khi tôi hỏi thăm lại biết cô và học sinh có giải thưởng. Mà lần nào cũng vậy, cứ chỉ có cô và trò, mà trò nào cũng thân thiết, quấn quýt cô như mẹ. Tò mò đến Trường THCS Lê Lợi, TP Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên), chúng tôi hỏi về cô.

Câu đầu tiên cô Vũ Thị Thanh, Hiệu trưởng nhà trường giới thiệu với chúng tôi là: "Cô Ngô Thị Thu Hương là giáo viên giỏi, luôn tận tụy, trách nhiệm cao với công việc, hết lòng vì học sinh thân yêu, có nhiều cống hiến vào thành tích chung và sự vững mạnh của nhà trường. Điều các đồng nghiệp học tập ở cô là sự đam mê, yêu nghề, yêu học sinh, tự học hỏi vươn lên từ việc khó".

Cô giáo có duyên với giải thưởng

Quả vậy, nếu nói về giải thưởng của cả cô Hương và học trò thì ở Trường THCS Lê Lợi nói riêng, ngành giáo dục và đào tạo TP Hưng Yên nói chung hiếm có thầy cô giáo nào theo kịp. Cô nhiều năm là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, được nhận nhiều Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chỉ tính riêng năm học 2021-2022, "bộ sưu tập" giải thưởng của cô đã có: Giải ba Cuộc thi "Thiết kế bài giảng E-learning" cấp thành phố; giải nhì tuần 3 Cuộc thi trực tuyến toàn quốc Tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2021; giải khuyến khích Cuộc thi "Thiết kế bài giảng E-learning" cấp tỉnh; hướng dẫn học sinh tham gia Cuộc thi "Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Hưng Yên" lần thứ II, năm 2021 đoạt giải ba; hướng dẫn học sinh tham gia Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp thành phố năm học 2021-2022 đoạt giải nhì, cấp tỉnh đoạt giải ba...

Cơ duyên đến với những giải thưởng của cô Hương có lẽ từ lần cô hướng dẫn cho học sinh Đinh Thị Tùng Lâm giành giải Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 46 năm 2017. Hằng năm, cuộc thi UPU đều được phát động, giáo viên triển khai công văn của các cấp tới cha mẹ và học sinh nhưng dường như không được hưởng ứng. Khi ấy, Tùng Lâm là lớp trưởng do cô Hương chủ nhiệm. Định hướng của gia đình là em thi chuyên toán và muốn con tập trung ôn thi. Tùng Lâm kể: "Em viết bài thi nhưng không muốn bố mẹ biết nên đến đêm, khi cả nhà đi ngủ, em mới ngồi viết...". Bức thư hoàn thành, cô chở trò đi gửi bài dự thi ở bưu điện, chỉ cô và trò biết.

Cô giáo tâm huyết và hết lòng vì học sinh - Ảnh 1.

Cô Ngô Thị Thu Hương và học trò. Ảnh: THIÊN MINH

Tại buổi lễ nhận giải, cô càng khẳng định việc mình khuyến khích học sinh tham gia cuộc thi là hoàn toàn đúng. Cô nhận thấy cuộc thi là dịp để các em bày tỏ suy nghĩ, đề xuất ý kiến với những vấn đề toàn cầu nóng bỏng, cần được ưu tiên trong thế giới hiện đại. Các em thực sự khẳng định trách nhiệm, đóng góp của bản thân với những vấn đề chung mà cộng đồng xã hội đang quan tâm, cũng là sứ mệnh tương lai mà các em cần chung tay giải quyết.

Cô nói với chúng tôi rằng: "Mặc dù nhiều năm bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố môn Ngữ văn, Địa lý và các em đều đoạt giải nhưng chưa bao giờ mình thấy hạnh phúc đến thế. Từ đây, mình bắt đầu chú ý hơn đến cuộc thi UPU. Dù cha mẹ học sinh không quan tâm, học sinh không hưởng ứng nhưng cô không bỏ cuộc, vẫn cần mẫn hướng dẫn các em đọc các bài tham khảo, đọc những bức thư được giải để rồi từ đó rèn kỹ năng, bồi đắp tình yêu với những vấn đề của xã hội cho học sinh".

Niềm vui lớn dần khi ngày càng nhiều học sinh nhận thức được ý nghĩa cuộc thi. Không phụ công của cô, học trò lại có tên trong danh sách giải thưởng UPU lần thứ 48, 49, 51.

Ngoài viết thư UPU, trong nhiều năm, cô Hương còn miệt mài hướng dẫn lớp học sinh này đến lớp học sinh khác trên con đường tìm kiếm tri thức. Học sinh của cô đã giành thêm nhiều giải thưởng cả các cuộc thi khác. "Mỗi cuộc thi là một trải nghiệm, tuy không mang lại giá trị vật chất nhưng giá trị tinh thần thì không đong đếm được. Ngoài việc truyền đạt tri thức cho học sinh, điều tôi mong muốn là học sinh tích cực tham gia các cuộc thi để thử sức, trải nghiệm, để vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn. Tôi mong sao các cấp, ngành, cha mẹ học sinh có cái nhìn tích cực hơn về những cuộc thi để động viên các em", cô Hương tâm sự.

"Cảm ơn cuộc đời đã đưa cô đến với con!"

Với cô Hương, văn là người. Vì thế, với bất kỳ ai, ở bất cứ đâu, cô cũng mong muốn truyền tình yêu văn chương với học sinh. Chăm đồng nghiệp ở bệnh viện, cô giảng văn cho cậu bé giường bên phải mổ tai để cậu bé quên đi nỗi đau, vượt qua và chiến thắng bệnh tật. Đi du lịch, tiện cây bút và tờ giấy, cô viết những dòng hướng dẫn cho cô bé ngồi cùng ô tô...

Với tính cách ấy, cô tìm mọi cách truyền cho học sinh tình yêu với văn chương, đau đáu với những vấn đề của cuộc sống, của xã hội. Chồng mất, một mình cô với gánh nặng nuôi hai con ăn học, nhưng thay vì làm thêm kiếm tiền, cô dành thời gian tìm hiểu, đào sâu để những giờ lên lớp ngắn ngủi có thể truyền tới học sinh tình yêu đó.

Môn Địa lý ở trường phổ thông bị cho là "môn phụ", là nặng nề, khô khan. Tâm lý sợ dẫn đến chán ghét môn học đã làm chất lượng dạy và học chưa cao. Năm học 2017-2018, cô Hương được giao dạy môn Địa lý lớp 9, từ hè, đọc nội dung kế hoạch chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới, cô thấy có phần trải nghiệm. Đây là phần học quan trọng giúp học sinh cải thiện kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực, tính năng động và sáng tạo nhưng là nội dung mới, chưa có nhiều hình mẫu hay hướng dẫn, cô Hương vẫn tâm đắc.

Cô tự nhủ, không thể để học sinh "đọc sách chay" mãi như vậy được. Cô suy nghĩ và vận dụng phương pháp hợp lý. Tổ chức trò chơi có lẽ không ổn vì lứa tuổi này không dễ hưởng ứng nên cô dự định tổ chức diễn đàn, sân khấu hóa để học sinh nhập vai. Dự kiến tuần thứ ba của năm học có tiết trải nghiệm nên ngay từ đầu năm cô đã triển khai, hướng dẫn cho học sinh các phương pháp điều tra, khảo sát, nghiên cứu thực tế, tìm hiểu trên mạng...

Với chủ đề: "Truyền thông về dân số và sức khỏe sinh sản vị thành niên cho học sinh lớp 9", cô nhờ nhà trường liên hệ với các bệnh viện, trung tâm y tế để học sinh được đến tìm hiểu, lấy thông tin. Sau đó, cô hướng dẫn các em chia nhóm, lập kế hoạch, xử lý thông tin, lựa chọn, xây dựng ý tưởng và hoàn thiện sản phẩm rồi trình bày, báo cáo sản phẩm. Tuy cô có vất vả hơn nhưng học sinh tham gia rất hào hứng, các thành viên linh hoạt sáng tạo, tích cực trong quá trình hoạt động nhóm, nắm vững được các thao tác cơ bản trong việc xây dựng sản phẩm truyền thông... Chương trình của cô là một trong những chương trình trải nghiệm sáng tạo đầu tiên được áp dụng ở tỉnh Hưng Yên.

Ngoài ra, cô Hương cũng tích cực tham gia viết sáng kiến cải tiến phương pháp giảng dạy. Cô tổ chức nhiều chuyên đề, chương trình trải nghiệm cho học sinh; cùng đồng nghiệp đưa ra giải pháp nâng cao cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại UBND phường Lê Lợi, TP Hưng Yên; sử dụng nền tảng công nghệ để nâng cao chất lượng và hiệu quả việc giáo dục về di sản văn hóa địa phương đối với học sinh Trường THCS Lê Lợi...

Như một người cần mẫn nhặt những "viên sỏi" tri thức lấp đầy "chiếc túi" trí tuệ cho học sinh, cô giáo Ngô Thị Thu Hương giành được nhiều sự tin yêu của đồng nghiệp, học sinh và cha mẹ các em. Học sinh cũ của cô, em Phạm Nguyễn Tùng Chi đã viết bức thư dài về cô.

Trong thư có đoạn: "Hồi ấy, dịch Covid-19 hoành hành, lớp chúng tôi chẳng thể nào tổ chức được buổi gặp mặt để tri ân và chia tay người cô đáng kính. Một buổi sáng, trên trang cá nhân của cô, chúng tôi đọc được bài thơ cô viết cho lớp, trong đó có những câu: "Cô quay về đón những chuyến khách sau/ Còn các em sải cánh bay về miền mơ ước/ Dịch bệnh chưa nguôi, cô chẳng thể nắm tay từng đứa được/ Nên chỉ lặng thầm chúc phúc các em thôi"... Chúng tôi gọi cho nhau, nói về cô, về bài thơ cô viết mà mắt đứa nào cũng rưng rưng rớm lệ... Cô ơi, cô có biết không, lúc ấy và ngay cả lúc này, khi con viết những dòng tâm sự về cô, thực lòng con chỉ muốn chạy đến bên cô, thực lòng muốn mình nhỏ lại để sà vào lòng cô, để được cô yêu thương, vỗ về. Cảm ơn cuộc đời đã đưa cô đến với con!".

Đến giờ Tùng Chi đã học lớp 11 nhưng mẹ của em là chị Nguyễn Thị Thanh Nguyệt vẫn nhắc tới cô Hương với nhiều trân trọng. Nhờ sự tận tâm của cô mà từ một cô bé nhút nhát trước kia, giờ đây Chi đã tự tin hơn, ham hiểu biết và tiến bộ ở nhiều lĩnh vực. Nhớ lại trước kia, chị Nguyệt cho biết: "Gia đình tôi đều là công chức, bận bịu cả ngày nên cũng không biết con tham gia các cuộc thi cùng cô. Hơn nữa, bố mẹ cũng có tâm lý sợ con tham gia nhiều hoạt động, không có thời gian chú tâm vào việc học, lại vất vả. Nhưng khi con có những thay đổi tích cực, gia đình rất phấn khởi".

Cùng chung tâm trạng đó, chị Nguyễn Thị Hồng Trang, mẹ của em Đinh Thị Tùng Lâm mừng vì con gái chuẩn bị lên năm thứ ba Học viện Ngoại giao đã phát huy tốt những thành quả tích lũy từ thời là học sinh của cô Hương. Năm thứ nhất, con vượt qua hàng nghìn sinh viên của trường để giành học bổng Nguyễn Cơ Thạch...

Với cô Hương, đó là những trái ngọt, bồi đắp cho tình yêu, nhiệt huyết và đam mê của mình. "Tôi nghĩ một người dù ở cương vị, ngành nghề nào thì cũng phải nhiệt tình, trách nhiệm với công việc. Cuộc sống của chúng ta được tạo nên từ những gì chúng ta chia sẻ chứ không phải từ những gì nhận được. Tôi lấy sự thành công trên mỗi bước đường của học sinh làm niềm vui cho nghề, cho cuộc đời", cô Hương bày tỏ.

* Bài có sự biên tập ở title


BẢO NAM (QĐND)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem