Con số khổng lồ: Hơn 156 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp đang bị bỏ phí

Trần Khánh Thứ tư, ngày 28/09/2022 11:09 AM (GMT+7)
Hàng năm, phần sinh khối phụ phẩm nông nghiệp từ các cây trồng chính có thể cung cấp khoảng 43 triệu tấn phân hữu cơ; 1,8 triệu tấn đạm urê; 1,6 triệu tấn supe lân đơn và 2,2 triệu tấn kali sulfat. Con số khổng lồ này nhằm bù đắp lại dinh dưỡng cho đất từ phụ phẩm nông nghiệp đang bị bỏ phí.
Bình luận 0

Đây là thông tin được chia sẻ tại Hội thảo quốc tế Phụ phẩm nông nghiệp – Nguồn tài nguyên tái tạo do Bộ NNPTNT phối hợp tổ chức tại TP.HCM, ngày 28/9.

Hàng chục triện tấn phụ phẩm nông nghiệp đang bị bỏ phí

Theo Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NNPTNT) xuất khẩu nông, lâm thủy sản năm 2021 của Việt Nam đạt mức cao kỷ lục trên 48,6 tỉ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9%.  

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp cũng gây phát sinh lớn phụ phẩm, khi quản lý không phù hợp sẽ gây ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn chất hữu cơ.

Hội thảo quốc tế Phụ phẩm nông nghiệp – Nguồn tài nguyên tái tạo do Bộ NNPTNT phối hợp tổ chức tại TP.HCM. Ảnh: Trần Khánh

Hội thảo quốc tế Phụ phẩm nông nghiệp – Nguồn tài nguyên tái tạo do Bộ NNPTNT phối hợp tổ chức tại TP.HCM. Ảnh: Trần Khánh

Số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2020 cho thấy, tổng khối lượng phụ phẩm nông nghiệp của cả nước là trên 156,8 triệu tấn.

Trong đó có 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%); 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,5%); 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (10,6%).

Phụ phẩm từ ngành trồng trọt có khối lượng lớn nhất trong tổng lượng phế phụ phẩm nghành nông nghiệp. Tỷ lệ phụ phẩm cây trồng (vỏ lạc, thân bắp, rơm lúa, thân cây mì, vỏ đậu tương, củi…) được thu gom, sử dụng chỉ chiếm 52,2%.

Việt Nam có khoảng 70% dân số làm nông nghiệp và lúa là cây trồng chính. Lượng rơm rạ sau thu hoạch rất lớn, ước khoảng gần 46 triệu tấn/năm. Thế nhưng, tỷ lệ sử dụng rơm lúa chỉ 56,3%.

Thu hoạch lúa ở Tây Ninh. Ảnh: Trần Khánh

Thu hoạch lúa ở Tây Ninh. Ảnh: Trần Khánh

Một lượng đáng kể rơm được đốt ngay tại ruộng ở một số nơi thuộc miền Bắc, miền Trung. Việc này gây ô nhiễm không khí, cản trở giao thông, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Trong quá trình sản xuất và thu hái, chế biến trái cây ở ĐBSCL, miền Đông Nam bộ… lượng hạt xoài, vỏ chuối, vỏ sầu riêng rất nhiều. Tuy nhiên, nhiều nơi đang để lãng phí, thậm chí còn gây ô nhiễm môi trường.

Sử dụng, chế biến phế phụ phẩm nông nghiệp chưa hiệu quả

Theo TS. Nguyễn Hữu Ninh – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, ở góc độ nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, phụ phẩm trong nông, lâm, thuỷ sản phải được xem là nguồn tài nguyên tái tạo, chứ không phải là chất thải.

Nguồn nguyên liệu này cần được xem là đầu vào quan trọng, kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp.

TS. Ninh cho biết, vấn đề tồn tại hiện nay là chi phí để xử lý các phế phụ phẩm trong nông nghiệp hiện nay vẫn còn lớn so với thu nhập của nông dân.

"Điều này dẫn tới dẫn tới việc mất đi lượng hữu cơ và dinh dưỡng cây trồng khổng lồ; gây ô nhiễm nguồn nước và không khí, còn đất trồng ngày càng bị thiếu hụt hữu cơ, thoái hoá trầm trọng", TS. Ninh nói.

Ngoài ra, thống kê năm 2020, tổng đàn gia súc, gia cầm nước ta thải ra trên 60,4 triệu tấn phân và trên 290 triệu m3 nước tiểu.

Một trang trại chăn nuôi heo ở TP.HCM. Ảnh: Trần Khánh

Một trang trại chăn nuôi heo ở TP.HCM. Ảnh: Trần Khánh

Việc xử lý chất thải chăn nuôi, giết mổ đang gặp không ít khó khăn do nuôi quy mô nông hộ vẫn đang đóng góp phần không nhỏ trong cơ cấu chăn nuôi.

Kể cả nhiều trang trại chăn nuôi lớn vẫn chưa có hệ thống xử lý chất thải phù hợp, nhất là trang trại chăn nuôi gia súc.

Nguyên nhân chủ yếu là do đầu tư cho hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi và giết mổ tốn kém nên chất thải thường không được thu gom, xử lý và tái sử dụng hợp lý.

Theo Bộ NNPTNT,  việc sử dụng, chế biến phế phụ phẩm nông nghiệp hiện nay vẫn còn chưa đồng bộ, hiệu quả, lãng phí rất lớn.

Hàng năm, phần sinh khối phụ phẩm từ các cây trồng chính như lúa, ngô, mía, rau các loại có thể cung cấp tương đương với khoảng 43 triệu tấn hữu cơ, 1,8 triệu tấn đạm urê, 1,6 triệu tấn supe lân đơn và 2,2 triệu tấn kali sulfat.

Đây được coi là con số khổng lồ để bù đắp lại dinh dưỡng trong đất và sử dụng cho cây trồng trong canh tác nông nghiệp.

Tuy nhiên, các phần dinh dưỡng này gần như bị bỏ phí và chưa có các cơ chế khuyến khích để tái sử dụng.

Theo PSG. TS. Bùi Bá Bổng - Nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, tỷ lệ sử dụng phụ phẩm nông nghiệp để tạo giá trị tăng thêm và giảm tác động tiêu cực đến môi trường là rất thấp. Ảnh: Trần Khánh

Theo PSG. TS. Bùi Bá Bổng - nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, tỷ lệ sử dụng phụ phẩm nông nghiệp để tạo giá trị tăng thêm và giảm tác động tiêu cực đến môi trường là rất thấp. Ảnh: Trần Khánh

Trong ngành chăn nuôi, mới chỉ tận dụng được 23% chất thải để sản xuất phân bón hữu cơ, còn lại đang bị bỏ phí, chưa được sử dụng để cung cấp nguyên liệu đầu vào cho trồng trọt, chăn nuôi theo chuỗi liên kết tuần hoàn.

Theo PSG. TS. Bùi Bá Bổng - nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, chuyên gia cao cấp FAO, Việt Nam có khối lượng lớn các phụ phẩm nông nghiệp nhưng tỷ lệ sử dụng để tạo giá trị tăng thêm và giảm tác động tiêu cực đến môi trường là rất thấp.

"Nhiều dự án, chương trình liên quan đến sử dụng phụ phẩm nông nghiệp đã được thực hiện với nhiều mô hình thành công, nhưng việc ứng dụng trên diện rộng chậm, hiệu quả không cao", PSG. TS. Bùi Bá Bổng chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem