Giấc mơ phục hồi sau đại dịch Covid-19 (bài 3): Những rủi ro của lao động giá rẻ

Mỹ Quỳnh Thứ bảy, ngày 12/11/2022 12:00 PM (GMT+7)
Những lao động làm các công việc không cần trình độ cao, không phải đào tạo phức tạp, không có yêu cầu khắt khe... sẽ rất dễ gặp rủi ro khi biến động kinh tế hoặc công ty áp dụng công nghệ vào các khâu sản xuất.
Bình luận 0

Liên quan đến tình hình công nhân lao động bị ảnh hưởng công việc, phóng viên Dân Việt đã có buổi trao đổi với ông Trần Đoàn Trung - Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động TP.HCM.

Ông Trung cho biết, tính tới thời điểm này, có khoảng 2.000 công nhân tại khu chế xuất, khu công nghiệp bị mất việc. Một số công ty có thông báo cắt giảm lao động nhưng bắt đầu từ hết tháng 11/2022 nên đơn vị chưa có con số chính thức.

Rủi ro của các lao động giá rẻ

Theo ông Trần Đoàn Trung, nhiều công nhân lao động đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi công ty cắt hoặc tạm dừng vô thời hạn. Dù khi tạm dừng, doanh nghiệp phải có phương án hỗ trợ người lao động, mức hỗ trợ phụ thuộc vào thỏa thuận cũng như thâm niên, cam kết giữa hai bên.

Giấc mơ phục hồi sau đại dịch Covid-19 (bài 3): Những rủi ro của lao động giá rẻ - Ảnh 1.

Ông Trần Đoàn Trung - Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động TP.HCM. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Đối với câu hỏi của phóng viên về việc người lao động không thể chờ đợi, phải kết thúc hợp đồng với công ty để đi tìm công việc mới và mất hết các quyền lợi, chế độ như lương, thưởng... Ông Trung cho rằng, đây là vấn đề rất khó để hài hòa lợi ích khi tất cả các bên đều khó khăn. 

Do đó, doanh nghiệp và người lao động mới phải thương lượng, dựa trên điều kiện của hai bên để thống nhất phương án. Đối với người lao động, họ có thể ủy quyền cho công đoàn để thương lượng giúp hoặc có quyền khởi kiện khi doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết, quy định pháp luật, xâm hại đến quyền lợi...

Về vấn đề các công nhân lao động có thâm niên, gắn bó lâu dài với công ty bị mất việc hoặc chờ đợi lâu, họ phải đi xin công việc khác, làm lại từ đầu với mức lương khởi điểm thấp..., ông Trung nhận định, "đây là những rủi ro mà lao động giá rẻ thường phải đối mặt".

Theo ông Trung, lao động giá rẻ tức là những người làm các công việc không cần trình độ cao, không phải đào tạo phức tạp, không có yêu cầu khắt khe... nếu người này không làm, người khác có thể thay thế được.

"Trong giao kết hợp đồng lao động, pháp luật có nhiều quy định để bảo hộ người lao động. Còn việc đào thải lao động là quyền của doanh nghiệp, không thể ra quy định doanh nghiệp phải sử dụng người lao động cho đến khi nghỉ hưu. Đây là những rủi ro đối với lao động trình độ thấp, nguy cơ bị thải loại bất cứ lúc nào", ông Trung cho hay.

Từ đó, ông Trung cho rằng, những lao động không cầu tiến, không học hỏi thêm hay có ý thức nâng cao năng lực, kỹ năng để phát triển, chấp nhận một công việc suốt cả cuộc đời... rất dễ gặp rủi ro. Chưa kể, xu hướng tự động hóa, đưa công nghệ vào sản xuất sẽ càng thêm khó khăn cho người lao động nếu cứ an phận, bằng lòng với hiện tại.

Phương án hỗ trợ công nhân?

Về phương án hỗ trợ cho người lao động, ông Trung cho biết, Liên đoàn Lao động TP.HCM đang chỉ đạo Công đoàn các cấp - nhất là công đoàn cơ sở nơi các doanh nghiệp bị ảnh hưởng phải nắm hoàn cảnh của từng người. Dựa trên cơ sở này, công đoàn sẽ hỗ trợ các đoàn viên công nhân, động viên dịp tết.

Giấc mơ phục hồi sau đại dịch Covid-19 (bài 3): Những rủi ro của lao động giá rẻ - Ảnh 3.

Chương trình tấm vé nghĩa tình cho công nhân về quê ăn tết được Liên đoàn Lao động TP.HCM tổ chức thường niên. Ảnh: X.H

Trong đó, dự kiến kế hoạch chăm lo của Liên đoàn Lao động là: Các hoàn cảnh đoàn viên công nhân khó khăn sẽ được tặng tặng quà, tặng tiền mặt; hỗ trợ tấm vé nghĩa tình về quê ăn tết...; Tổ chức các chương trình cho công nhân ở lại TP.HCM ăn tết như "Tết sum vầy", "Công nhân vui tết cùng thành phố",... Đồng thời, Liên đoàn Lao động kết nối, giới thiệu việc việc làm cho công nhân trong thời gian chờ việc, duy trì thu nhập.

"Đây là thời điểm rất khó khăn, chưa biết sẽ diễn biến như thế nào và kéo dài bao lâu vì còn phụ thuộc vào nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các thị trường lớn như châu Âu. Ai cũng hy vọng tình hình thế giới sớm ổn định, có như vậy mới phát triển, sản xuất, tiêu dùng... tạo công ăn việc làm cho người lao động...", ông Trung nói.

Dù vậy, ông Trung đánh giá, hiện thị trường lao động vẫn còn nhiều ngành thiếu lao động - nhất là những ngành đòi hỏi trình độ cao, phải qua đào tạo. Ví dụ như ngành điện, điện tử, điện tử công nghiệp, công nghệ thông tin... Bản thân người lao động phải cố gắng, nỗ lực, tham gia học tập đào tạo chuyển đổi việc làm thì mới thích nghi được với thị trường lao động đang ngày càng đổi mới.

Giấc mơ phục hồi sau đại dịch Covid-19 (bài 3): Những rủi ro của lao động giá rẻ - Ảnh 4.

Tính đến cuối tháng 10/2022, có 143 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế, kéo theo khoảng 26.000 lao động bị ảnh hưởng đến việc làm. Ảnh: Mỹ Quỳnh

"Đảng và nhà nước luôn quan tâm, tìm mọi giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho người lao động, doanh nghiệp... nhưng sự giúp đỡ này thường có thời điểm, không thể xuyên suốt và lâu dài được. Cái căn cơ để cải thiện cuộc sống, tạo ra cơ hội, nắm bắt cơ hội thì mỗi người phải tự thân vận động, tự trang bị cho mình", ông Trung chia sẻ.

Ông Trần Anh Tuấn - Chuyên gia dự báo nhân lực, Chủ tịch HĐKH Viện Đào tạo bà Phát triển nhân lực cho biết, trong quá trình hội nhập kinh tế và tiến trình của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, lao động qua đào tạo tăng nhanh về số lượng, nhưng chưa đồng bộ nhu cầu nhân lực, mất cân đối giữa các ngành nghề. Thị trường lao động cần tăng nhanh nhân lực chất lượng cao.

Thị trường lao động TP.HCM hiện nay phát triển theo các quy luật mới của nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, hội nhập khu vực và quốc tế. Đồng thời, có nhiều biến động về chênh lệch cung - cầu, số lao động không ổn định việc làm, mất việc làm, tái bố trí lại việc làm hàng năm cũng rất lớn.

Theo nhận định và phân tích các chỉ số về thông tin doanh nghiệp, về tuyển dụng nhân lực cũng như nhu cầu của thị trường lao động, hiện nay TP đang phục hồi rất nhanh, kéo theo nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ rất lớn trong năm quý 4/2022 và 2023.

Dự báo nhu cầu việc là tập trung ở 4 nhóm: Ngành công nghệ thông tin, sử dụng máy tính và phần mềm máy tính để chuyển đổi, lưu trữ, bảo vệ, xử lý, truyền và thu thập thông tin; Kinh tế - thương mại, quản trị kinh doanh - thương mại điện tử, marketing - digital marketing, logistics, quản trị nhân lực, quản trị doanh nghiệp, thương mại dịch vụ, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp phụ trợ, tài chính kế toán - kiểm toán; Công nghệ kỹ thuật cơ khí (cơ điện tử, chế tạo máy, nhiệt, công nghệ kỹ thuật ô tô - tàu thủy), tự động hóa, điện - điện tử, công nghệ hàn, công nghệ dệt - sợi - may, da giày, quản lý công nghiệp, bảo dưỡng công nghiệp, chế biến thực phẩm; Du lịch, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, hướng dẫn viên du lịch, quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem