Đau đầu vì lãi vay "ăn" hết lợi nhuận, DN muốn vay với lãi suất bao nhiêu?

Huyền Anh Thứ hai, ngày 24/04/2023 06:26 AM (GMT+7)
Thủ tướng lại một lần nữa "thúc" ngành ngân hàng tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng "ngóng".
Bình luận 0

Thông báo số 149/TB-VPCP kết luận cuộc họp ngày 22/4/2023, của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với tập thể Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc tiếp tục đôn đốc, thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo nội dung thông báo này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, tìm điểm cân bằng hợp lý giữa tăng trưởng và lạm phát, giữa lãi suất và tỷ giá... để có giải pháp kịp thời, hiệu quả, đặc biệt là ưu tiên cung cấp vốn tín dụng, hỗ trợ thanh khoản và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.

Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xem xét sử dụng kịp thời công cụ cho vay tái cấp vốn, lãi suất điều hành phù hợp. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước nỗ lực tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, đời sống của người dân.

Đau đầu vì lãi vay "ăn" hết lợi nhuận", DN muốn vay với lãi suất bao nhiêu? - Ảnh 1.

Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước nỗ lực tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Thủ tướng "thúc" giảm mặt bằng lãi suất cho vay

Không phải lần đầu tiên Thủ tướng chỉ đạo ngành ngân hàng nỗ lực tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay đối để hỗ trợ doanh nghiệp. Bởi thời gian qua, dưới áp lực lãi suất neo cao trên thế giới, lãi vay của các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có thời điểm vọt lên tới 15 – 16%/năm, khiến cho không ít lợi nhuận doanh nghiệp làm ra đều bị lãi vay "ăn" hết.

Đến thời điểm hiện tại, theo thống kê từ các tổ chức phân tích và các chuyên gia kinh tế, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm 1-2 điểm % so với đầu năm.

Trong một báo cáo vừa phát hành, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đưa ra nhận định cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng giảm và có thể duy trì quanh ngưỡng 7%, tương ứng mặt bằng lãi suất cho vay bình quân quanh ngưỡng 10% đối với kỳ hạn 12 tháng bình quân nhóm ngân hàng quốc doanh vào thời điểm cuối năm.

TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kỳ vọng, lãi suất có thể giảm tiếp 0,5 -1%/năm trong thời gian tới, quay trở lại mặt bằng lãi suất trước khi tăng lãi suất cuối năm trước.

Kết quả điều tra của vụ chức năng Ngân hàng Nhà nước công bố mới đây cũng cho thấy, các ngân hàng thương mại kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bình quân toàn hệ thống giảm nhẹ 0,08 - 0,1 % trong quý II/2023 và giảm nhẹ 0,19 – 0,34 điểm % trong cả năm 2023.

Doanh nghiệp muốn vay với lãi suất bao nhiêu?

Ghi nhận những nỗ lực hạ nhiệt lãi suất của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước trong thời gian qua, đại diện các doanh nghiệp thừa nhận, không chỉ là chính sách "trên báo, trên TV" mà các ngân hàng đã rất tích cực với chủ trương giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. 

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước công bố cuối tuần qua cho thấy, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 9,6-11,3%/năm (tính đến hết quý I/2023). Theo "ông bà chủ" của các doanh nghiệp, mức lãi suất cho vay này vẫn còn cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp và vượt nhiều quốc gia trong khu vực.

Như tại Công ty TNHH Kim Hoa, bà chủ doanh nghiệp này cho biết khoản vay với lãi suất ưu đãi của doanh nghiệp hiện nay là 8,7%/năm. Thế nhưng, không phải ngân hàng nào cũng "ưu ái" cho doanh nghiệp vay với mức lãi suất này.

"Hiện nay, có ngân hàng cho vay vẫn trên 10%. Với mức này làm không khéo sẽ bị lỗ. Do vậy, đến giờ phút này doanh nghiệp vẫn hoạt động cầm chừng, không mở rộng sản xuất. Mức lãi suất cho vay phải giảm thêm 2-3% nữa mới phù hợp cho doanh nghiệp", bà chủ doanh nghiệp này nói.

Đau đầu vì lãi vay "ăn" hết lợi nhuận", DN muốn vay với lãi suất bao nhiêu? - Ảnh 3.

Doanh nghiệp kỳ vọng lãi suất về dưới 10%/năm với khoản vay trung hạn. (Ảnh: Timo)

Tương tự, nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, doanh nghiệp sản xuất không thể theo nổi mức lãi vay trên 10%/năm, thậm chí tại nhiều ngân hàng lên đến 13-15%/năm đối với các khoản vay trung dài hạn. Bởi trong bối cảnh hiện nay, biên lợi nhuận hiện sau khi trừ chi phí vận hành chỉ đủ, thậm chí còn không đủ "gánh" lãi vay. Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị, các ngân hàng đưa lãi suất cho vay ngắn hạn về khoảng 7-8%/năm, và khoảng 10%/năm đối với các khoản vay dài hạn.

Còn theo khẳng định từ phía các ngân hàng thương mại, để giảm được mặt bằng lãi suất cho vay không hề dễ dàng, trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới vẫn đang phải tăng lãi suất để đối phó với lạm phát. Do đó, giảm lãi suất cho vay ở mức bao nhiêu, khi nào điều chỉnh giảm, đối tượng nào được hưởng lãi suất ưu đãi lại phụ thuộc vào sức khỏe tài chính của từng doanh nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem