Đây là các mô hình kinh tế hiệu quả giúp nông dân Noong Hẹt ở Điện Biên ngày càng khá giả

Thu Hường Chủ nhật, ngày 28/05/2023 18:42 PM (GMT+7)
Nhờ vốn vay ngân hàng Chính sách Xã hội, nhiều hội viên nông dân ở xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã đầu tư mô hình kinh tế hiệu quả, trong đó có đầu tư nuôi trâu sinh sản, nuôi trâu thịt, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.
Bình luận 0

Clip: Mô hình nuôi trâu sinh sản của gia đình bà Cà Thị Kiểu, bản Mớ, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Những cách làm hay của nông dân Noong Hẹt

Đến tham quan mô hình chăn nuôi trâu bò sinh sản của gia đình bà Cà Thị Kiểu, bản Mớ, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi sự phát triển kinh tế của gia đình bà. Từ hộ gia đình có đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn trong xã. 

Giờ đây, gia đình bà Kiểu đã là một trong những hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của xã Noong Hẹt. Với diện tích khoảng 4.000 mét vuông đất, được gia đình bà tận dụng tối đa, để xây dựng chuồng trại đơn giản nuôi trâu sinh sản và trồng cỏ voi, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.

Nông dân Noong Hẹt thoát ghèo từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách   - Ảnh 2.

Nhờ có nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Điện Biên mà gia đình bà Cà Thị Kiểu đã mua được thêm trâu sinh sản, mở rộng chuồng trại, phát triển chăn nuôi đạt hiệu quả cao. Ảnh: Thu Hường

Bà Kiểu chia sẻ: Ngày trước, gia đình tôi chỉ có một con trâu đực, một con trâu cái nuôi để làm ruộng, sau một vài năm trâu cái lại đẻ ra trâu cái thì vợ chồng tôi nghĩ hay là cứ nuôi không bán, trâu lớn xong nó đẻ ra như vậy rồi gia đình mình sẽ có cả đàn trâu. Khoảng 5 năm sau gia đình tôi đã có đàn trâu 12 con. Gia đình cứ nuôi trâu thế thôi, vừa sinh sản vừa bán nếu người dân trong bản muốn mua. Tôi nghĩ không có vốn, thì không thể làm gì được.

Rất may đến năm 2021 gia đình tôi được Hội nông dân xã Noong Hẹt tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay  từ Ngân hàng CSXH huyện Điện Biên với số vốn là 100 triệu đồng. Vợ chồng tôi mạnh dạn đầu tư xây mới và nâng cấp lại chuồng trại, mua thêm 10 con trâu sinh sản, trồng hơn 1.000 m2 cỏ voi

Đến nay gia đình tôi đã có đàn trâu 30 con. Tôi nuôi trực tiếp ở nhà 15 con. Còn 15 con tôi cho một số gia đình trong bản nuôi rẽ. Giao cho mỗi gia đình 3 đến 4 con trâu cả đực và cái, cứ sau 2 năm tôi nhận về một đến 2 trâu con. Hiện tại mỗi năm tôi có thêm khoảng 8 trâu con và xuất bán 5 đến 7 con trâu cho người dân trong xã.

Nông dân Noong Hẹt thoát ghèo từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách   - Ảnh 3.

Nuôi trâu sinh sản là một trong những mô hình có hiệu quả tại xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Thu Hường

Mặc dù nuôi trâu sinh sản chủ yếu là chăn thả nhưng để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn trâu, Bà Kiểu đã chuyển 1.000 mét vuông đất trồng lúa sang trồng cỏ voi, chủ động nguồn thức ăn cho đàn trâu. Cùng với đó, chuồng trại được đầu tư xây dựng đảm bảo khô ráo, thoáng mát.

Để trâu sinh trưởng tốt thì việc phòng chống dịch bệnh cho đàn trâu, phun khử trùng chuồng trại được bà Kiểu thực hiện thường xuyên. Tiêm phòng bệnh được thực hiện định kỳ 2 đợt/năm ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, lây lan trên đàn gia súc.

Nông dân Noong Hẹt thêm nguồn thu nhập mới

Trước khi vào đông, cũng như các hộ nuôi gia súc khác ở địa phương, ngay sau khi kết thúc vụ mùa, gia đình bà Kiểu sẽ gom mua rơm khô để làm thức ăn dự trữ cho đàn trâu gần 30 con của gia đình. Bà Kiểu cho biết, gia đình có trồng cỏ làm thức ăn cho đàn trâu nhưng mùa đông cỏ sẽ chậm phát triển, hơn nữa, những ngày đông rét mướt không thả trâu ra đồng chăn thả tự nhiên được nên gia đình phải chủ động mua rơm phơi khô của bà con về dự trữ. Số rơm khô được xếp gọn, bảo quản cẩn thận bằng việc che bạt kín xung quanh để tránh mưa, ẩm mốc.

"Nhờ có nguồn vay của Ngân hàng CSXH huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) mà gia đình tôi đã phát triển được kinh tế vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống". Bà Kiểu vui vẻ nói.

Nông dân Noong Hẹt thoát ghèo từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách   - Ảnh 4.

Nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội đã phát huy được giá trị giúp nông dân phát triển sản xuất, giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương. Ảnh: Thu Hường

Ông: Lò Văn Sinh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên cho biết: Năm 2021 Hội Nông dân xã nhận ủy thác nguồn vốn của Ngân hàng CSXH huyện Điện Biên với số tiền 9 tỉ 149 triệu đồng cho 188 hộ nông dân vay. 

Xác định nhận ủy thác là một trong những nhiệm vụ quan trọng, Hội nông dân xã bám sát các văn bản chỉ đạo để thực hiện tốt nhiệm vụ ủy thác vốn. Không chỉ mô hình chăn nuôi trâu của gia đình bà Cà Thị Kiểu ở bản Mớ mang lại hiệu quả kinh tế mà nhiều mô hình về chăn nuôi thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, mô hình trồng trọt khác ở xã cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. 

Trên cơ sở kết quả đạt được, thời gian tới, Hội Nông dân xã Noong Hẹt sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng. Giúp các hội viên nông dân xã từng bước phát triển sản xuất kinh doanh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem