Năm 2021, do ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, TP.HCM gần như là vùng tâm dịch nặng nề nhất cả nước nên chỉ số GRDP của thành phố giảm 6,78% so với cùng kỳ. Đây là mức giảm kỷ lục từ trước đến nay.

Dù vậy, sang quý IV, khi đạt được độ phủ vaccine cao cho người dân, TP.HCM chuyển sang giai đoạn sống thích ứng với Covid-19. Các hoạt động kinh tế - xã hội dần được mở trở lại, khiến tăng trưởng quý cuối cùng của năm 2021 bắt đầu phục hồi trở lại, ước bằng 88,36% so với cùng kỳ.

Bước sang tháng đầu tiên của năm 2022, gần như mọi hoạt động tại TP.HCM đã trở lại bình thường, tiêu chí "vùng xanh" được duy trì 5 tuần liên tiếp. Đây được xem là một trong những điều kiện thuận lợi để TP.HCM có thể sớm phục hồi và tăng trưởng bứt phá trong bối cảnh bình thường mới.

Nhân dịp đầu năm, phóng viên Dân Việt có cuộc trò chuyện với chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng - Chủ tịch Công ty Đào tạo lãnh đạo và Dịch vụ phát triển bền vững (SDLT) về thuận lợi, thách thức và hiến kế những giải pháp tâm điểm và đột phá của TP.HCM trong năm 2022-2023.

Để TP.HCM lấy lại đà tăng trưởng cao và giữ vững đầu tàu kinh tế - Ảnh 1.

Thưa ông, TP.HCM liên tiếp được ghi nhận là "vùng xanh", các hoạt động kinh tế cũng đã trở lại bình thường. Ông đánh giá thế nào về quyết định chuyển hướng sang sống thich nghi với Covid-19 của chính quyền TP.HCM?

Theo tôi, TP.HCM đã có động thái kịp thời để tạo nền móng thực hiện các mục tiêu cho năm 2022 kể cả năm 2023.

TP.HCM khẳng định khống chế làm chủ tình hình dịch bệnh, cả thành phố toàn vùng xanh theo tiêu chí mới nhất. Chính quyền thành phố cũng tháo gỡ nhiều rào cản cho ngành nghề, lĩnh vực để người dân, người lao động, doanh nghiệp được sinh hoạt và làm việc bình thường. Liên kết giữa TP.HCM và các tỉnh thành, các quốc gia được mở rộng.

Để TP.HCM lấy lại đà tăng trưởng cao và giữ vững đầu tàu kinh tế - Ảnh 2.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng

Tuy nhiên, hiện dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Các nước phát triển bị đại dịch tái hoành hành phải đóng cửa lại và đưa ra giải pháp mạnh hơn.

Biến thể mới đang hoành hành dữ dội. Ngay cả bản thân biến thể Omicron và những biến thể phụ của Omicron, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cũng chưa nghiên cứu đầy đủ. 

Theo thông tin mới nhất của y tế thế giới thì dịch Covid-19 đã và đang được khống chế trên toàn cầu. Nhưng nhiều nhà khoa học và nhiều quốc gia vẫn lo ngại về những biến thể mới, đặc biệt các quốc gia và vùng lãnh thổ hẻo lánh ở những vùng chưa tiêm chủng đầy đủ. 

Trong bối cảnh sau hai năm đại dịch, thế giới đang dần liên thông hơn với việc mở các chuyến bay, dịch chuyển nhiều hơn từ đầu năm cũng như các mùa lễ hội.

Ở Việt Nam, theo tôi, đến nay TP.HCM đã tương đối an toàn nhưng vẫn cần theo dõi chặt chẽ hàng ngày để tiếp tục kiểm soát dịch với những kịch bản dự phòng hiệu quả, không để tình huống xấu xảy ra như năm 2021. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi và phù hợp nhất để người dân, doanh nghiệp trở lại làm ăn, phát triển.

Ông đánh giá thế nào về khả năng phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng và giữ vai đầu tàu kinh tế cả nước của TP.HCM?

Tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2021 đạt 2,58% và gấp rưỡi so với năm 2020 là thành công tổng hợp của nước ta trong việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống đại dịch, vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó TP.HCM đóng góp tích cực. 

Điểm nhấn kinh tế nổi bật năm 2021 so với năm trước là tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 22,6%, đồng thời tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam cũng tăng gần 10%.

Để TP.HCM lấy lại đà tăng trưởng cao và giữ vững đầu tàu kinh tế - Ảnh 3.

Quý IV/2021, sau khi quyết định sống thích ứng với Covid-19, kinh tế TP.HCM bắt đầu phục hồi trở lại, ước bằng 88,36% so với cùng kỳ. Ảnh: Hồng Phúc.

Xét về hoàn cảnh, TP.HCM đã và đang cùng thực hiện nhiệm vụ cải cách thể chế quốc gia một cách tích cực. Việc ban hành Nghị quyết điều chỉnh 9 luật, trong đó có Luật Doanh nghiệp và gói hỗ trợ 347.000 tỷ đồng, đặc biệt, VAT từ 10% giảm còn 8% hỗ trợ người dân và doanh nghiệp được Quốc hội thông qua là phù hợp thực trạng hiện tại và xu thế của TP.HCM.

Riêng gói hỗ trợ tài chính gần 350.000 tỷ đồng là gói lớn nhất, chưa từng có trong lịch sử phát triển kinh tế của Việt Nam. Cần phải có thể chế đặc biệt, văn bản hướng dẫn riêng và một hệ thống đặc thù từ trung ương đến địa phương thì việc giải ngân mới đạt hiệu quả, tạo sức bật cho kinh tế vĩ mô và vi mô phát triển.

Ngoài ra, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới tiếp tục được khai thác. Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có giá trị từ ngày 1/1/2022 giúp khơi thông đáng kể dòng dịch chuyển xuất và nhập hàng hóa giữa Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng với các nước trong khối nhất là với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. 

Đặc biệt, ngay trong đại dịch, xuất khẩu nông sản năm 2021 vẫn tăng chưa từng có (lần đầu tiên đạt kỳ tích với 46,8 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2020) và tiếp tục được kỳ vọng phát triển mạnh hơn trong giai đoạn 2022-2023.

Cùng với đà hồi phục chung, đây là những điều kiện cần khá thuận lợi để TP.HCM có thể trở lại vị trí trước đây của mình, là đầu tàu kinh tế của cả nước.

Để TP.HCM lấy lại đà tăng trưởng cao và giữ vững đầu tàu kinh tế - Ảnh 4.

Các FTA thế hệ mới được đánh giá mở ra cơ hội rất lớn cho kinh tế đất nước, đặc biệt là các doanh nghiệp trong bối cảnh mới. Nhưng nhiều doanh nghiệp cho biết khi thực hiện vẫn gặp khó khăn, thưa ông?

Trong mấy năm gần đây, Việt Nam đã ký được nhiều FTA quan trọng, đặc biệt là các Hiệp định đa phương thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP. Các FTA này tạo ra nhiều lợi thế mới cho TP.HCM như đón sóng đầu tư (FDI), tạo nhiều công ăn việc làm mới, chuyển giao công nghệ, tạo nhiều sản phẩm mới chất lượng cao, học hỏi kinh nghiệm tiên tiến và văn hóa khi làm việc chung, nâng cao vị thế của TP.HCM. Nhiều tập đoàn lớn và vừa trên thế giới đã đến đàm phán, hợp tác và chuyển dịch kinh doanh.

Theo tôi, TP.HCM cần đầu tư nghiên cứu, cụ thể hóa các nội dung, điều kiện và giải pháp để thực hiện thành công các cam kết trong các Hiệp định, tận dụng sức mạnh mới từ các cơ hội này, tạo đột phá mới cho toàn nền kinh tế.

Để TP.HCM lấy lại đà tăng trưởng cao và giữ vững đầu tàu kinh tế - Ảnh 5.

Các FTA thế hệ mới được đánh giá mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Quốc Hải.

Là một cửa ngõ quan trọng, TP.HCM cần đi đầu trong việc tháo gỡ thể chế, thiết lập những quy định mới. Bởi các cam kết trong các Hiệp định là những nội dung khung, muốn thực thi tốt phải cụ thể hóa hơn nữa với tính khả thi cao. Tóm lại, cần có cơ chế mới phù hợp để khai thác các cơ hội đó.

Hiện nay, một trong những hạn chế như một nút thắt, là doanh nghiệp và người dân chưa biết nhiều về các hiệp định, sự kiện quan hệ thương mại quốc tế cùng với những lợi ích và điều kiện để hiện thực hóa. Vì vậy, cần lan tỏa sự hiểu biết và các sự kiện này để toàn dân và doanh nghiệp thông qua các phương tiện truyền thông, chương trình đào tạo hiệp định để giảng viên, sinh viên, nghiên cứu sinh, doanh nghiệp cùng hiểu biết và cùng tận dụng được các lợi ích mới.

Sau khi phổ biến, đào tạo, cần có cơ chế thực thi hiệp định, hướng dẫn thủ tục, cách thức áp dụng, từ xuất xứ hàng hóa, chất lượng sản phẩm, trách nhiệm xã hội đến vấn đề sở hữu trí tuệ và cả việc nâng cao chất lượng phòng vệ thương mại, xây dựng và phát triển thương hiệu quốc tế.

Tóm lại là phải xây dựng được chuỗi khép kín từ tuyên truyền, đào tạo, cho tới thực hiện.

Các FTA thế hệ mới mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia thị trường quốc tế. Song song đó, dòng vốn FDI cũng liên tục đổ vào nước ta và TP.HCM cũng thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Ông có cho rằng đây cũng là một động lực để TP.HCM phục hồi, phát triển?

Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2021, TP.HCM đã thu hút lượng lớn vốn FDI, tạo thêm nguồn lực và động lực cho kinh tế thành phố.

Tuy nhiên, theo tôi, sau hơn 30 năm, TP.HCM phải làm sao thu hút vốn đầu tư nước ngoài phục vụ lợi ích cho Việt Nam nhiều hơn nữa, chứ không chỉ tập trung các doanh nghiệp FDI.

Tôi cho rằng để TP.HCM phát triển bền vững trong giai đoạn mới, rất cần những doanh nghiệp FDI và liên doanh tạo nhiều việc làm xứng đáng và bền vững không chỉ cho công nhân mà còn giới chuyên gia Việt Nam. Thực tế trước nay, chuyên gia Việt Nam giỏi và đủ tầm chưa được các doanh nghiệp FDI sử dụng nhiều. Tiếp theo cần chú ý thu hút đầu tư công nghệ cao và sản phẩm chất lượng cao.

Cuối cùng, làm sao để chống chuyển giá, chống thất thu. Đây là câu chuyện mà TP.HCM và Việt Nam nói chung, đang là vấn đề day dứt nhiều năm nay, cần minh bạch hơn, thể hiện rõ hơn trong các báo cáo tài chính quốc tế.

Để TP.HCM lấy lại đà tăng trưởng cao và giữ vững đầu tàu kinh tế - Ảnh 6.

Trong bối cảnh hiện nay, TP.HCM nên tập trung những ngành nào, thưa ông?

Đầu tiên lĩnh vực nên tiếp tục đầu tư là y tế, để bảo đảm sức khỏe cho người dân trong và ngoài thành phố đến thành phố sinh sống và làm việc, do nhiều loại dịch bệnh phát sinh, trong đó biến chủng Omicron vẫn đang lây lan nhanh, mạnh và nhất là chưa biết độ nguy hiểm của các biến thể phụ ra sao.

Để TP.HCM lấy lại đà tăng trưởng cao và giữ vững đầu tàu kinh tế - Ảnh 7.

Kinh tế số được kỳ vọng tăng trưởng mạnh trước tác động của Covid-19. Ảnh: Hồng Phúc.

Trong bối cảnh mới, TP.HCM cần phát triển mạnh hơn các dịch vụ online, thương mại điện tử, vừa tận dụng sức mạnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vừa thích ứng với đại dịch. Nền kinh tế số không chạm đang rất cần cho cả hiện tại và tương lai.

Trong năm 2022, TP.HCM cần tập trung đầu tư phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, hành chính công, tập trung phát triển công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ, một số khu công nghệ phần mềm, tập trung thêm công nghệ đầu mối mới, tạo ra nhiều chuỗi công nghệ khác mà TP.HCM có tiềm lực.

Theo ông, làm thế nào để TP.HCM có thể phát triển theo hướng công nghệ cao, công nghệ đầu mối và dịch vụ chất lượng cao thành công?

Để làm được điều này, trước hết, thành phố cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phấn đấu có trên 75% lao động tri thức để tiếp thu và làm chủ công nghệ, quy trình nghề nghiệp, tăng đối tác chất lượng, và phải đào tạo cả 3 đối tượng gồm công nhân, quản lý cấp trung và lãnh đạo cấp cao một cách đồng bộ thì mới tạo được hiệu quả đột phá.

Thứ hai, thành phố cần quy hoạch lại và nâng cấp đầu tư những khu vực tiềm năng, từ vị trí địa lý tới ngành nghề mới, ngành nghề phù hợp với xu thế mới của thành phố.

Cuối cùng thành phố phải có một thể chế thật sự phù hợp với một thành phố công nghệ và dịch vụ, trọng điểm toàn miền Nam, đủ độ hấp dẫn, thu hút nguồn lực toàn vùng phía Nam, thật sự công bằng, thật sự chú trọng tri thức, khuyến khích và động viên người không chỉ có tài, có đức như vẫn thường nói, mà phải có sự đam mê, lòng yêu nước, sự hy sinh cao cả, đảm bảo đủ năng lực nghiên cứu, muốn được cống hiến cho đất nước, và được trọng đãi xứng đáng.

Giải quyết tốt các vấn đề trên cũng chính là hướng tới hoàn thành mục tiêu đã đặt ra trong cơ chế đặc thù của TP.HCM do Quốc hội phê duyệt sẽ hết hiệu lực trong năm 2022 này.

TP.HCM còn cần làm tốt hơn điều gì nữa để TP thực sự là nơi đáng sống, bên cạnh là một thành phố lớn, có tốc độ tăng trưởng cao và là đầu tàu kinh tế của cả nước?

TP.HCM trong tâm thức toàn bộ người Việt trong nước và hải ngoại là một siêu đô thị văn minh bậc cao, một nơi đáng sống, nghỉ ngơi và làm việc lâu dài. 

Để TP.HCM lấy lại đà tăng trưởng cao và giữ vững đầu tàu kinh tế - Ảnh 8.

TP.HCM cần là một thành phố đáng sống với người dân. Ảnh: Hồng Phúc.

Lãnh đạo TP.HCM nên xem đây vừa là sự vinh dự khi TP.HCM là trung tâm của cả nước nhưng cũng đặt ra sứ mệnh nặng nề trong bối cảnh mới, từ việc kiểm soát đại dịch đến việc phát triển kinh tế.

Lãnh đạo thành phố cũng cần đặt ra sứ mệnh nỗ lực thỏa mãn những nhu cầu chính đáng của người dân và doanh nghiệp kỳ vọng vào thành phố, nhất là đầu mối thông tin lãnh đạo, thông tin các dự án, các chương trình thu hút nhân tài với phương thức tiếp cận thuận tiện nhất.

Một khi TP.HCM trở thành cái nôi thu hút nhân tài xứng đáng ở nhiều ngành nghề, nhiều cấp độ thì sứ mệnh đầu tàu kinh tế không chỉ là ở Việt Nam, mà TP.HCM còn là đầu tàu kinh tế, đầu tàu R&D và đầu tàu đối ngoại của cả khu vực Đông Nam Á, thậm chí là siêu thành phố đáng sống trong các khối nước CPTPP và RCEP từ năm 2022-2023.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!


Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem