Đề xuất có “chương riêng” về luật để phục vụ đấu giá đất sau vụ bỏ cọc ở Thủ Thiêm

Quốc Hải Thứ tư, ngày 20/04/2022 15:11 PM (GMT+7)
Các chuyên gia kinh tế và pháp lý đề xuất, cần có “chương riêng” về luật trong Luật đầu giá tài sản để áp dụng đối với công tác đấu giá quyền sử dụng đất, nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp “bỏ cọc” như vụ Thủ Thiêm vừa qua
Bình luận 0
Đề xuất có “chương riêng” về luật để phục vụ đấu giá đất sau vụ bỏ cọc ở Thủ Thiêm - Ảnh 1.

Các chuyên gia góp ý về việc xây dựng chương riêng quy định về đấu giá đất trong Luật đấu giá tài sản. Ảnh: Quốc Hải

TS Đoàn Ngọc Phương, Giám đốc Trung tâm định giá đất và kiểm định địa chính (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết, đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) là chủ trương đúng đắn của Đảng và nhà nước.  Tuy nhiên, quy định đấu giá đã có song vẫn có kẽ hở, có những quy định chưa chặt, chưa có biện pháp chế tài mạnh.

"Không chỉ tại TP.HCM mà ở các địa phương khác, tình trạng cá nhân, tổ chức bỏ cọc sau khi trúng đấu giá cũng nhiều. Có thể nói có khoảng 30% vụ đấu giá đất ở các địa phương đã bỏ cọc. Vì vậy, trong đề án sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai sẽ theo hướng có nhiều biện pháp chế tài tăng nặng hơn", ông Phương nói.

Trên thực tế, gần 5 năm thực hiện Luật Đấu giá tài sản, nhiều tài sản thuộc quản lý nhà nước được đấu giá đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, đối với tài nguyên đất đai, công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đã nảy sinh một số bất cập như xác định giá khởi điểm, số tiền đặt trước, năng lực tài chính của doanh nghiệp tham gia đấu giá, xử lý khi bên trúng đấu giá từ chối ký hợp đồng…

PGS.TS Đoàn Thị Phương Diệp (Trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM) cho rằng, hiện nay, Luật Đấu giá tài sản và Luật Đất đai đều không có quy định việc cần kiểm tra năng lực tài chính và năng lực thực hiện hợp đồng được giao kết sau khi trúng đấu giá.

"Đây là nguyên nhân chính dẫn đến thực tế có nhiều doanh nghiệp từ chối ký hợp đồng, thậm chí chấp nhận bỏ tiền cọc sau khi trúng đấu giá", bà Diệp nói.

Đề xuất có “chương riêng” về luật để phục vụ đấu giá đất sau vụ bỏ cọc ở Thủ Thiêm - Ảnh 3.

PGS.TS Đoàn Thị Phương Diệp (Trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM)

Thậm chí, theo bà Diệp, hiện Luật Đầu tư cũng đã bỏ qua việc xem xét năng lực tài chính, vốn dĩ là điều kiện quan trọng nhất của nhà đầu tư trong việc thực hiện và theo đến cùng dự án đầu tư được phê duyệt.

"Khoảng trống trong các quy định của pháp luật này cần được lấp đầy, sửa đổi, bổ sung để bảo đảm nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư được phê duyệt", PGS.TS Phương Diệp nhấn mạnh.

Từ đó, bà Diệp đề xuất 6 điều kiện quy định hoạt động đấu giá QSDĐ, pháp luật về đất đai:

(1) Khả năng tài chính của tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá;

(2) Kinh nghiệm trong việc thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất;

(3) Ký quỹ hoặc có tài sản bảo đảm cho tổ chức đấu giá để bảo đảm năng lực tài chính thực hiện dự án khi trúng đấu giá theo phương án được phê duyệt;

(4) Cam kết thời hạn thực hiện và cam kết không thay đổi quy hoạch, thiết kế xây dựng 1/500 được duyệt, đồng thời áp dụng chế tài thu hồi dự án nếu người trúng đấu giá không thực hiện đúng một trong ba cam kết trên;

(5) Cấm tham gia đấu giá đối với cá nhân, DN trúng đấu giá nhưng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá;

(6) Chế tài, xử phạt tổ chức, cá nhân định giá đất bao gồm cả định giá khởi điểm để đấu giá đất, trong trường hợp tư vấn định giá cho kết quả giá đất được định thấp hơn 20% so với giá đất phổ biến trên thị trường của đất cùng loại, có các yếu tố so sánh tương đương.

Ở góc nhìn khác, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, qua vụ đấu giá đất Thủ Thiêm, TP.HCM đã thực hiện đúng pháp luật về đấu giá. Tuy nhiên, điều mà ông băn khoăn là hiện nay Luật Đấu giá tài sản áp dụng chung cho các loại tài sản, và khi áp dụng với đấu giá quyền sử dụng đất là đất công thì có sự "khập khiễng".

"Theo kiến nghị của HoREA, cần có chương riêng về luật trong Luật đầu giá tài sản để áp dụng đối với công tác đấu giá quyền sử dụng đất, đặc biệt là trong đấu giá tài sản công", ông Châu đề nghị.

Đề xuất có “chương riêng” về luật để phục vụ đấu giá đất sau vụ bỏ cọc ở Thủ Thiêm - Ảnh 4.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA)

Theo ông Châu, trong chương riêng này, có thể quy định rõ về nguyên tắc xác định giá khởi điểm đấu giá, sửa thời gian nộp hồ sơ, xử lý vi phạm hợp đồng đấu giá…

"Quy định của chúng ta chưa chặt chẽ, chuyện thu hồi hay cho phép nộp tiền tài sản trúng đấu giá thành nhiều lần thì luật đấu giá cũng chưa quy định. Khi chưa có quy định thì 2 doanh nghiệp chậm nộp tiền có quyền đề nghị" – ông Châu nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem