ĐHQG TP.HCM: Kiến nghị Bộ Thông tin truyền thông thành lập Cơ quan tạp chí khoa học

Mỹ Quỳnh Thứ tư, ngày 14/09/2022 11:34 AM (GMT+7)
Đại học Quốc gia TP.HCM kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông 3 nội dung quan trọng, trong đó có việc thành lập Cơ quan tạp chí khoa học.
Bình luận 0

Sáng 14/9, đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông do Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng dẫn đầu đã có buổi thăm và làm việc tại Đại học Quốc gia TP.HCM.

Nhiều khó khăn, thách thức

Tại buổi làm việc, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, công nghệ thông tin (CNTT) là một trong 3 lĩnh vực được ưu tiên đầu tư, cả về đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Mỗi năm Đại học Quốc gia TP.HCM cung cấp khoảng hơn 5.000 cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ có trình độ chuyển môn cao về lĩnh vực CNTT cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Hiện tại, Đại học Quốc gia TP.HCM đang đào tạo 20 chuyên ngành về CNTT và các chuyên ngành liên quan. Các chương trình đào tạo đều được kiểm định ABET, CTI-ENAEE, AUN-QA và sử dụng hệ thống quản lý học tập là Moodle hoặc Blackboard. Giai đoạn 2017-2022, lĩnh vực công nghệ thông tin – viễn thông có tổng 2.063 bài báo thuộc cơ sở dữ liệu Scopus, chiếm tỉ lệ 14,6% so với tổng số 7.334 bài báo của toàn Đại học Quốc gia TP.HCM.

ĐHQG TP.HCM: Kiến nghị Bộ Thông tin truyền thông thành lập Cơ quan tạp chí khoa học - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi làm việc giữa ĐHQG TP.HCM với Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Dù vậy, theo ông Quân, Đại học Quốc gia TP.HCM vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc đào tạo lĩnh vực CNTT như: Số lượng sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay. Kỹ năng, nhất là ngoại ngữ của sinh viên CNTT còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế; Chưa có trung tâm R&D của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đặt tại Đại học Quốc gia TP.HCM; Chưa có chương trình nghiên cứu mang tính chiến lược, lâu dài như trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, đô thị thông minh...; Mô hình quản lý Tạp chí khoa học của Đại học Quốc gia TP.HCM hiện nay vẫn theo các quy định của một tạp chí thông thưởng, chưa phải là một mô hình quản lý tạp chí khoa học quốc tế.

3 kiến nghị quan trọng

Với mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nhất là chỉ tiêu về kinh tế số; đóng góp cho việc thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia, Đại học Quốc gia TP.HCM kiến nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông 3 nội dung quan trọng.

Đầu tiên, Đại học Quốc gia TP.HCM kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông ủng hộ và kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt đề án "Triển khai mô hình giáo dục đại học số đào tạo nhân lực công nghệ số phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và thúc đẩy xã hội số" do Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội, ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Học viện Bưu chính Viễn thông đề xuất.

ĐHQG TP.HCM: Kiến nghị Bộ Thông tin truyền thông thành lập Cơ quan tạp chí khoa học - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ tại buổi làm việc với ĐHQG TP.HCM. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Theo Đại học Quốc gia TP.HCM, mục tiêu của đề án này là thiết kế và vận hành mô hình giáo dục đại học số trên nền tảng phối hợp hoạt động giữa các cơ sở giáo dục hướng đến tăng tối thiểu gấp đôi quy mô đào tạo nhân lực lĩnh vực Máy tính và CNTT cùng các lĩnh vực khác có liên quan thông qua quá trình chuyển đổi số đồng bộ hoạt động đào tạo, khai thác triệt để mối quan hệ hợp tác, đồng hành và đồng cam kết với các bên liên quan, đặc biệt là với các trường đại học và doanh nghiệp.

Tiếp theo, Đại học Quốc gia TP.HCM kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có chương trình hỗ trợ để Đại học Quốc gia TP.HCM trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu về chuyển đổi số của quốc gia và khu vực.

Cụ thể là hỗ trợ, đầu tư để Đại học Quốc gia TP.HCM xây dựng và vận hành hệ thống MOOC (Massive open online course - khóa học thông qua Internet không giới hạn số người tham dự); Hỗ trợ, đầu tư để Đại học Quốc gia TP.HCM trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu và khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, an ninh mạng. Có chính sách hỗ trợ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư trung tâm R&D tại Đại học Quốc gia TP.HCM.

Cuối cùng, Đại học Quốc gia TP.HCM kiến nghị cho phép Đại học Quốc gia TP.HCM thành lập Cơ quan tạp chí khoa học. Theo đó, cơ quan tạp chí này có thể xuất bản nhiều ấn phẩm, mỗi ấn phẩm là một tạp chí khoa học. Cơ quan tạp chí khoa học có 1 tổng biên tập chung, mỗi tạp chí khoa học chuyên ngành sẽ có tổng biên tập học thuật. Tổng biên tập cơ quan tạp chí được bổ nhiệm theo tiêu chuẩn và quy trình đã quy định tại Quyết định số 75-QĐ/TW. Tổng biên tập của các tạp chí khoa học chuyên ngành: là các nhà khoa học giỏi, chuyên môn sâu, có uy tín học thuật, là người Việt Nam hoặc nước ngoài được Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM bổ nhiệm.

Đại học Quốc gia TP.HCM hiện đang đào tạo hơn 82.000 sinh viên đại học và hơn 8.000 học viên cao học, nghiên cứu sinh; bao gồm 36 đơn vị, trong đó có 07 trường đại học thành viên đào tạo hầu hết các lĩnh vực quan trọng như: kỹ thuật công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, kinh tế - luật, khoa học sức khỏe, sư phạm, nông nghiệp.

Đại học Quốc gia TP.HCM thuộc top 801-1.000 các đại học tốt nhất thế giới và là đại diện duy nhất năm thứ 2 có mặt trong bảng xếp hạng 500 trường đạt tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm tốt nhất thế giới của QS-GER 2022.

Năm 2022, theo bảng xếp hạng đại học theo lĩnh vực - World University Ranking by Subject, Đại học Quốc gia TP.HCM được vinh danh là một trong những đại học hàng đầu thế giới với 7 ngành học đạt vị trí cao. Trong đó, ngành Kỹ thuật Dầu khí không chỉ đứng đầu Việt Nam mà còn đạt top 51-100 thế giới.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem