dd/mm/yyyy

Điện Biên: Doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn vì dịch Covid- 19

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã khiến các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, hành khách bị ảnh hưởng nặng nề. Sau thời gian tạm dừng, hạn chế hoạt động vì dịch bệnh, hiện nay các doanh nghiệp vận tải khách được phép hoạt động trở lại theo quy định. Tuy nhiên, khi hoạt động trở lại, các doanh nghiệp vận tải vẫn gặp không ít khó khăn…

Sau thời gian phải ngưng hoạt động do thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, không có doanh thu nhưng các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh vẫn phải trả nhiều chi phí thường kỳ. Không ít doanh nghiệp thua lỗ, cắt giảm nhân sự, nhiều lao động trong ngành thất nghiệp. Đến khi dịch bệnh từng bước được kiểm soát, cả nước bước vào trạng thái bình thường mới, doanh nghiệp kinh doanh vận tải chưa kịp mừng vì được hoạt động trở lại thì phải đối diện với nhiều khó khăn như: xăng, dầu tăng; lượng hành khách, nhu cầu vận chuyển hàng hóa giảm mạnh.

Điện Biên: Doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn vì dịch Covid- 19 - Ảnh 1.

Do ảnh hưởng của dịch Covid- 19, hiện nay các nhà xe của Hợp tác xã Vận chuyển hành khách (tỉnh Điện Biên) cũng chỉ đang duy trì hoạt động 50% số chuyến, để giữ lượng khách, lượng hàng hóa, nhằm duy trì qua đợt dịch bệnh. Ảnh: Vinh Duy

Anh Trương Đăng Dũng, chủ nhà xe Tiến Dũng cho biết: Sau một thời gian tạm dừng hoạt động, nhà xe cũng gặp không ít khó khăn. Đó là các phương tiện dừng hoạt động một thời gian, nhà xe sẽ phải chi trả một khoản rất lớn để duy tu, bảo dưỡng phương tiện trước khi đưa vào hoạt động lại. Đặc biệt, khó khăn nhất là do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân hạn chế đi lại (trung bình mỗi chuyến từ 2 - 3 người, ngày cao nhất khoảng 10 hành khách), cùng với đó, giá xăng dầu tăng cao, hàng hóa ít nên nhiều chuyến xe thu không đủ bù chi, thậm chí phải bù lỗ. Mặc dù lỗ nhưng nhà xe vẫn phải duy trì, vẫn phải chạy để giữ chân khách hàng và mối hàng hóa.

Theo thống kê của Bến xe khách tỉnh, hiện nay tại tất cả các bến trong tỉnh chỉ có khoảng hơn 50 chuyến xe/ngày hoạt động; số lượng hành khách trung bình từ 140 - 190 khách/ngày đi liên tỉnh (trung bình mỗi xe từ 3 - 4 hành khách). Do không có khách, nhiều nhà xe đã cắt giảm tuyến, chuyến xe, như: Công ty Liên doanh vận chuyển quốc tế Hải Vân (tuyến Điện Biên - Hà Nội), trước đây khi chưa có dịch Covid-19, bình thường chạy 4 xe/ngày, còn hiện nay giảm xuống còn mỗi ngày 1 xe. Tương tự, tuyến Điện Biên - Bắc Kạn do Công ty cổ phần Du lịch Xuân Long trước đây khai thác mỗi ngày 1 chuyến, tuy nhiên từ khi dịch bùng phát, lượng hành khách không có nên đơn vị đã phải tạm dừng khai thác, đợi dịch bệnh ổn định.

Trước khó khăn do dịch bệnh, chi phí xăng dầu, bến bãi… tăng, nhiều doanh nghiệp vận tải cho rằng, nếu không có những chính sách cụ thể, kịp thời, thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp vận tải phục hồi sau đại dịch thì các doanh nghiệp sẽ tiếp tục lao đao. Được biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát phức tạp, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn, Chính phủ đã có nhiều gói hỗ trợ được triển khai. Tuy nhiên, ghi nhận từ các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách đường bộ, không ít các đơn vị chưa được nhận hỗ trợ. Lý do là bởi, các điều kiện đưa ra khá ngặt nghèo, các doanh nghiệp khó thực hiện được.

Điện Biên: Doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn vì dịch Covid- 19 - Ảnh 3.

Trong bối cảnh dịch Covid- 19 bùng phát phức tạp, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn, Chính phủ đã có nhiều gói hỗ trợ được triển khai. Ảnh: Vinh Duy

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Hợp tác xã Vận chuyển hành khách, hàng hóa và dịch vụ TP. Điện Biên Phủ cho biết, hiện nay hợp tác xã có hơn 40 đầu xe, 100% xe của hợp tác xã là do xã viên góp vốn vào, nhưng đến nay (tính đến 11/12) đơn vị cũng chưa tiếp cận được nguồn hỗ trợ của Chính phủ nên hợp tác xã chưa có nguồn để hỗ trợ cho các xã viên. Vì vậy, hiện nay các nhà xe của hợp tác xã cũng chỉ đang duy trì hoạt động 50% số chuyến, để giữ lượng khách, lượng hàng hóa, nhằm duy trì qua đợt dịch bệnh.

Năm 2021, khối lượng vận chuyển hành khách chỉ đạt gần 1.200 lượt người, giảm 25% và doanh thu giảm gần 24% so với năm 2020. Để ngành vận tải sớm phục hồi, hoạt động trở lại bình thường, các doanh nghiệp mong muốn Nhà nước có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vận tải. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục để các doanh nghiệp vận tải có thể tiếp cận với các chính sách này sớm nhất, nhằm khôi phục, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Có thể nói, dịch Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp vận tải hành khách đường bộ gần như đã "kiệt sức". Bất đắc dĩ, phải hạn chế chi tiêu, cắt giảm hợp đồng, dừng hoặc cầm cự hoạt động… Chính vì vậy, việc nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc là điều các doanh nghiệp vận tải thực sự trông đợi để có thể tiếp cận chính sách hỗ trợ, duy trì và từng bước phục hồi hoạt động vận tải ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Qua đó, góp phần đảm bảo vận chuyển hàng hóa, hành khách ổn định; thúc đẩy các hoạt động sản xuất, cũng như tiêu thụ và cung ứng hàng hóa giữa các địa phương; đặc biệt là không tác động nhiều đến việc đi lại của người dân, đảm bảo cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Vinh Duy