Điều đặc biệt tại một Hội quán thuộc khu phố người Việt gốc Hoa trong dịp cúng cô hồn rằm tháng 7

Chinh Hoàng - Quang Sung Thứ bảy, ngày 13/08/2022 17:48 PM (GMT+7)
Tại một Hội quán mang tên Nghĩa Nhuận nằm trên đường Phan Văn Khỏe (quận 5, TP.HCM) nơi đây có những điều đặc biệt đối với dịp cúng cô hồn (rằm tháng 7 âm lịch).
Bình luận 0

Cúng vong hồn người Việt lẫn Hoa

Phóng viên Dân Việt có mặt tại Hội quán Nghĩa Nhuận (đường Phan Văn Khỏe, quận 5, TP.HCM) trong dịp cúng cô hồn rằm tháng 7.

Điều đặc biệt tại một Hội quán thuộc khu phố người Việt gốc Hoa trong dịp cúng cô hồn rằm tháng 7  - Ảnh 1.

Quản lý chính của Hội quán Nghĩa Nhuận (quận 5, TP.HCM) ông Nguyễn Thành Long chia sẻ với phóng viên hình thức cúng cô hồn, cầu siêu cho các vong linh được tổ chức tại nơi này. Ảnh: Chinh Hoàng

Quản lý của nơi này, ông Nguyễn Thành Long cho biết, từ nhiều năm qua, bắt đầu từ ngày 14/7 âm lịch sẽ thỉnh Thầy chùa về cúng, cầu siêu cho các cô hồn, bằng hình thức gõ mõ, tụng kinh cho đến hết tháng.

Điều đặc biệt tại một Hội quán thuộc khu phố người Việt gốc Hoa trong dịp cúng cô hồn rằm tháng 7  - Ảnh 2.

Mâm cúng cô hồn được người Việt gốc Hoa sống tại đường Phan Văn Khỏe cạnh hội quán Nghĩa Nhuận bày biện. Ảnh: Quang Sung

Điều đặc biệt đáng nói ở nơi này được ông Long lý giải: Con đường này hay những đường lân cận quanh đây đều thuộc khu phố người Việt gốc Hoa. Vậy nên, để công bằng trong cúng kiếng dịp rằm tháng 7 Hội quán Nghĩa Nhuận sẽ thỉnh Thầy chùa về cúng và chia ra 2 nhóm. Theo ông Long, 1 nhóm sẽ cúng cho những cô hồn người Việt nhóm còn lại sẽ cúng cho cô hồn người Hoa.

"Từ 11h trưa ngày 14/7 cho đến cuối tháng, nhóm Thầy chùa cúng cho những cô hồn người Việt sẽ bắt đầu. Cách 2 giờ đồng hồ sau nhóm còn lại sẽ cúng cho cô hồn người Hoa, để tránh lộn xộn", ông Long giải thích với phóng viên.

Cũng theo ông Long với việc cúng cô hồn cho những vong linh gồm người Việt, Hoa đã hình thành, duy trì từ năm 1993 cho đến nay.

Nguồn tiền để phục cho việc thỉnh Thầy chùa để cúng, mua thực phẩm, hay gạo để phát cho người dân nghèo do quỹ của Hội quán. Đồng thời một số mạnh thường quân trong những năm qua đã ủng hộ để những người đại diện trong Hội quán Nghĩa Nhuận thực hiện.

Duy trì nhiều năm qua

Hằng năm vào dịp rằm lớn tháng 7, ông Long thổ lộ, Hội quán Nghĩa Nhuận luôn được người dân ở xung quanh khu vực quận 5, hay kể cả những người dân ở tỉnh khác đến viếng thăm, thắp hương. Sau những buổi cúng kiếng cô hồn, Hội quán luôn duy trì hình thức phát gạo cho người dân nghèo.

 Tuy nhiên ông Long cho rằng năm nay số lượng gạo chỉ bằng một nữa so với 2 năm về trước, bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến TP.HCM.

Điều đặc biệt tại một Hội quán thuộc khu phố người Việt gốc Hoa trong dịp cúng cô hồn rằm tháng 7  - Ảnh 4.

Cúng cô hồn trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: Quang Sung

"Nhiều năm về trước lượng gạo do Hội quán chuẩn bị nằm trong tầm 6 – 7 tấn, riêng 2 năm trở lại đây, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhiều mạnh thường quân cũng đang gặp khó. Vậy nên bây giờ có bao nhiêu phát bấy nhiêu, phát hết…", ông Long Bày tỏ.

Theo nhiều người dân sống gần khu vực Hội quán Nghĩa Nhuận, nơi đây không chỉ cúng kiếng, cầu siêu cho các vong linh vào dịp rằm tháng 7 âm lịch. Quản lý chính Hội quán ông Long còn tập hợp hơn 20 con mèo, chó bị bỏ rơi mang về nuôi dưỡng.

Hỏi về thời gian đâu ra ông chăm sóc mèo, chó kể cả thêm một người đàn ông già bị tàn tật, mồ côi không nơi nương tựa đang cư ngụ tại đây, ông Long bảo: "Chó mèo ở đây nó hiền, cứ lui tới trong sân đến bữa ăn sẽ có những người phụ nữ hay lui tới lo nhang đèn, quét dọn Hội quán họ kiêm luôn cả chăm sóc chúng.

Về phía một người đàn ông già mồ côi không có ai nương tựa tôi để ông ấy ở lại đây vào ban đêm. Ban ngày người đàn ông này đi bán vé số, tối về ngủ. Thi thoảng tôi hay những mạnh thường quân, chính quyền phường đã hỗ trợ thêm các khoản phụ phí giúp người đàn ông này mưu sinh…".

Tọa lạc tại 27 đường Phan Văn Khỏe, phường 13, quận 5,TP HCM, hội quán Nghĩa Nhuận (còn gọi là đình Nghĩa Nhuận) là một di tích lịch sử đáng chú ý của vùng đất Chợ Lớn xưa. Theo ông Nguyễn Thành Long - Quản lý chính của Hội quán Nghĩa Nhuận năm 1993 nơi đây được Bộ Văn hóa Thông tin chứng nhận di tích lịch sử Quốc Gia.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem