Thời "đỉnh nợ" trái phiếu doanh nghiệp: Loạt doanh nghiệp bất động sản xin "khất nợ", Thủ tướng chỉ đạo "nóng"

H.Anh Thứ năm, ngày 09/02/2023 16:55 PM (GMT+7)
Bước vào năm 2023 - thời kỳ "đỉnh nợ" trái phiếu doanh nghiệp, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản không thể trả nợ các lô trái phiếu đến kỳ đáo hạn, phải "khất nợ" với nhà đầu tư, lùi thời điểm thanh toán.
Bình luận 0

Theo dữ liệu do Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày 31/01/2023, chưa có đợt phát hành trái phiếu nào được thực hiện trong năm 2023.

Trong khi đó, trong tháng 1, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 8.068 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2022.

Thống kê cũng cho thấy, trong năm 2023 sẽ có khoảng 285.178 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Trong đó, số lượng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đáo hạn rơi vào hơn 119.000 tỷ đồng.

Thời "đỉnh nợ" trái phiếu doanh nghiệp: Loạt doanh nghiệp bất động sản xin "khất nợ", Thủ tướng chỉ đạo "nóng" - Ảnh 1.

Năm 2023 - 2024, là thời kỳ "đỉnh nợ" trái phiếu doanh nghiệp, dẫn đầu là trái phiếu bất động sản.

Loạt doanh nghiệp "khất" nợ trái phiếu doanh nghiệp, "xin" trợ giúp từ Ngân hàng Nhà nước

Theo nhiều phân tích, lượng lớn trái phiếu đáo hạn trong năm 2023 có thể sẽ gây áp lực trả nợ không nhỏ lên các doanh nghiệp phát hành, khi trái phiếu phát hành mới vẫn đóng băng (không có lô trái phiếu doanh nghiệp nào được phát hành trong 3 tuần đầu tháng 1/2023).

Thêm vào đó, thị trường bất động sản các kênh huy động vốn (chứng khoán, tín dụng, huy động vốn từ người mua nhà…) đều khó khăn.

Các chuyên gia của FiinRatings nhìn nhận, khó khăn thanh khoản sẽ tiếp diễn trong năm nay. Thị trường có thể chứng kiến thêm nhà phát hành mất khả năng thanh toán, đặc biệt là doanh nghiệp liên tục tăng cường đòn bẩy trong ít nhất 3 năm và có dòng tiền yếu.

Khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra, bởi theo thống kê, 80% trái phiếu bất động sản phát hành trên thị trường là của doanh nghiệp chưa niêm yết với năng lực tài chính yếu, đòn bẩy tài chính cao.

Báo cáo tài chính quý IV/2022 của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết cũng cho thấy dòng tiền yếu đi rõ rệt, tồn kho tăng, vay nợ tăng.

Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, hàng loạt doanh nghiệp thông báo chậm thanh toán trái phiếu đến hạn, gặp gỡ trái chủ đàm phán phương án bán tài sản trả nợ.

Công ty cổ phần Angimex là một điển hình. Vừa qua, công ty này đã tổ chức Hội nghị chủ sở hữu trái phiếu để thông báo với trái chủ kế hoạch bán tài sản, trả nợ trái phiếu.

Trước đó, Công ty cho biết, đã mất khả năng thanh toán với 2 lô trái phiếu có giá trị lần lượt là 350 tỷ đồng, 300 tỷ đồng và dự kiến xử lý một số tài sản bảo đảm, tài sản không dùng, các kho đang dừng hoạt động… để trả nợ.

Trước đó, trong tháng 1/2023, Công ty cổ phần Hưng Thịnh INCONS thông bố về việc chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu HTNBH2122002 đáo hạn vào ngày 31/12/2022. Lô trái phiếu này có giá trị phát hành 300 tỷ đồng, Công ty mới thanh toán được tiền lãi và 90 tỷ đồng tiền gốc, hiện vẫn còn nợ nhà đầu tư 210 tỷ đồng nợ gốc.

Thay vì thanh toán đúng hạn vào ngày 3/1/2023, Hưng Thịnh INCONS đã "khất" nhà đầu tư trả một nửa tiền gốc đầu tháng 3/2023 và nửa còn lại cuối tháng 3. Nguyên nhân được Công ty đưa ra là tín dụng bị thắt chặt, các thị trường vốn khác (chứng khoán, trái phiếu) không tích cực, các chủ đầu tư không thu xếp kịp nguồn để thanh toán cho Công ty khiến nguồn tiền bị ảnh hưởng.

Không chỉ "nhọc nhằn" xin giãn nợ trái phiếu, các doanh nghiệp bất động sản "cực chẳng đã" phải "xin" hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, tại hội nghị tín dụng bất động sản, ông Lê Trọng Khương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land cho biết, trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn tốt của doanh nghiệp trong thời gian qua, thế nhưng hiện việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp bị ảnh hưởng do mất niềm tin của người dân, trái chủ.

Ông đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các Bộ ngành xem xét có phương án để hỗ trợ các doanh nghiệp tồn tại và phát triển tốt. Có như vậy, các trái chủ mới cảm thấy yên tâm đầu tư.

Đại diện Novaland cũng thừa nhận, hiện các doanh nghiệp bất động sản rất khó khăn để trả nợ trái phiếu đến hạn. "Chúng tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước với vai trò lãnh đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại với tư cách là những nhà đầu tư chuyên nghiệp xem xét các giải pháp có thể giúp đỡ doanh nghiệp hoàn thiện nghĩa vụ với các trái chủ" - bà Vũ Thị Phương Nam kiến nghị.

Thời "đỉnh nợ" trái phiếu doanh nghiệp: Loạt doanh nghiệp bất động sản xin "khất nợ", Thủ tướng chỉ đạo "nóng" - Ảnh 3.

Hiện các doanh nghiệp bất động sản rất khó khăn để trả nợ trái phiếu đến hạn.

Chỉ đạo "nóng" của Thủ tướng Chính phủ

Theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, hiện nhiều doanh nghiệp phát hành kẹt vốn trong các dự án bất động sản dang dở, không có vốn để tiếp tục triển khai, sản phẩm chưa có để bán thu hồi vốn trả nợ. Chính vì vậy, sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP sẽ giúp doanh nghiệp phát hành có thêm thời gian xoay xở dòng tiền.

Mặc dù vậy, Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi cũng chỉ được coi là giải pháp gỡ khó tạm thời cho doanh nghiệp trong việc gia hạn nợ, đảo nợ. Về lâu dài, thị trường cần thêm thời gian để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, cũng như để doanh nghiệp phát hành và các tổ chức trung gian chuyên nghiệp hơn.

Tại Nghị quyết số 10/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2023 trực tuyến với địa phương mới được ban hành, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương sớm hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế trước ngày 10/2/2023.

Bên cạnh đó, khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2023, chủ động có biện pháp theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền các biện pháp phù hợp trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" theo đúng quy định pháp luật để bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư.

Tuy Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi sẽ phần nào làm giảm áp lực đáo hạn trái phiếu cho doanh nghiệp, song giới phân tích cho rằng việc tháo nghẽn thanh khoản dòng tiền của doanh nghiệp bất động sản còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác, đặc biệt dòng chảy tín dụng.

Hiện Chính phủ đang giao Bộ Xây dựng chuẩn bị hội nghị thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, dự kiến sẽ diễn ra ngay trong tháng 2 này, với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem