Doanh nghiệp đau đầu, rối với tự xét nghiệm shipper

Hồng Phúc Thứ năm, ngày 23/09/2021 09:43 AM (GMT+7)
Nhiều doanh nghiệp, ứng dụng gọi xe đang rối với quy định tự xét nghiệm shipper từ ngày 24/9. Theo lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM, đây là xu hướng bắt buộc phải thực hiện khi tới đây TP từng bước mở cửa lại nền kinh tế.
Bình luận 0

Quy định mới nhất của UBND TP.HCM về việc xét nghiệm shipper là giao các doanh nghiệp quản lý shipper có trách nhiệm tự xét nghiệm tài xế theo nguyên tắc mẫu gộp 3 người, 3 ngày/lần và cập nhật kết quả vào kho dữ liệu dùng chung của TP kể từ ngày 24 - 30/9.

Trước đó, TP.HCM cho biết để giải quyết vấn đề quá tải tại các trạm y tế lưu động, do có đến 92.000 shipper đang được hoạt động, tài xế có thể đến tất cả trạm y tế trên địa bàn từ 6 - 21h. Sự thay đổi này khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu và đang tìm hướng giải quyết.

Lo lắng khi tự xét nghiệm shipper

Theo tìm hiểu, ngay sau khi có quy định để doanh nghiệp tự xét nghiệm shipper, Sở Công Thương TP.HCM và các cơ quan liên quan đã họp với 34 doanh nghiệp giao hàng có ứng dụng công nghệ để bàn về cách thức tổ chức.

Có hai phương án gợi ý được đưa ra để doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ lựa chọn. Thứ nhất, doanh nghiệp nhận kit test miễn phí từ Sở Y tế, tự bố trí nhân sự đi tập huấn, tổ chức điểm xét nghiệm cho tài xế. Thứ hai, doanh nghiệp kết hợp với cơ sở y tế, bệnh viện để shipper tự đến xét nghiệm và có trả phí.

Doanh nghiệp đau đầu, rối với tự xét nghiệm shipper - Ảnh 1.

Doanh nghiệp lo lắng khi phải tự xét nghiệm shipper từ ngày 24/9. Ảnh: V.C.

Một số doanh nghiệp cho hay vẫn đang gấp rút lên phương án triển khai và gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là với phương án nào cũng có một số nhược điểm nhất định. Chẳng hạn, chọn phương án hai thì gánh nặng chi phí xét nghiệm lớn, còn phương án một thì loay hoay với việc tự xét nghiệm cho shipper.

Đại diện Gojek cho hay các doanh nghiệp gọi xe công nghệ hoàn toàn không có chuyên môn về y tế cũng như nguồn lực cần thiết để thực hiện việc test nhanh Covid-19. Việc thực hiện không đúng kỹ thuật test mẫu gộp ở quy mô lớn, dễ dẫn đến lãng phí dụng cụ và kết quả không chính xác. 

"Đó là chưa kể đến việc mỗi doanh nghiệp không có đủ nguồn lực để tổ chức nhiều điểm xét nghiệm. Với chúng tôi, là xét nghiệm cho hàng chục nghìn đối tác tài xế. Tài xế sẽ phải di chuyển xa hơn, chờ đợi lâu hơn", vị này nói với Dân Việt.

Đại diện một doanh nghiệp khác nói rằng với số lượng shipper quản lý quá lớn, trong 1 - 2 ngày, không thể tổ chức kịp lực lượng lấy mẫu cũng như thuần thục các quy trình. Điều này ảnh hưởng số lượng tài xế được lấy mẫu mỗi ngày, dẫn đến doanh nghiệp có thể tự cắt giảm shipper được phép lưu thông.

Vị này phân tích, trong lúc cầu vẫn nhiều hơn cung, khả năng giá dịch vụ giao nhận cũng như giá một số mặt hàng, nhất là khi nhiều hoạt động, dịch vụ đã được mở lại sẽ bị đẩy lên khi thiếu shipper, vì xét nghiệm Covid-19.

Doanh nghiệp đau đầu, rối với tự xét nghiệm shipper - Ảnh 3.

Theo doanh nghiệp, việc tự tổ chức nhận kit và xét nghiệm cho cả nghìn, chục nghìn shipper rất khó khả thi. Ảnh: Hồng Phúc.

Các doanh nghiệp cũng cho rằng cần thiết xem giãn tần suất xét nghiệm shipper, dù đã được nới từ phải xét nghiệm 2 ngày/lần lên 3 ngày/lần.

"Tất cả các tài xế được phép hoạt động đều đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa Covid-19, một số tài xế đã tiêm đủ 2 mũi, vì vậy quy định cần xét nghiệm đại trà tất cả các tài xế theo tần suất 2 - 3 ngày/lần có thể không còn phù hợp", đại diện Gojek cho biết.

Phải chấp nhận 

Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Linh - Giám đốc Truyền thông Be Group (đơn vị quản lý và vận hành ứng dụng Be), cho biết doanh nghiệp đã có phương án tự xét nghiệm shipper kể từ ngày 24/9 theo quy định mới nhất.

Theo ông, doanh nghiệp đã làm việc với các bệnh viện, cơ sở y tế để hỗ trợ xét nghiệm, đảm bảo chi phí hợp lý nhất cho tài xế. 

Chia sẻ rõ hơn về chi phí xét nghiệm hãng áp dụng cho tài xế, ông cho biết trước mắt là 75.000 đồng/lần, giấy xét nghiệm có hiệu lực trong 3 ngày, tức mỗi ngày chỉ 25.000 đồng. 

"Chúng tôi phối hợp cùng chính quyền địa phương, đối tác tổ chức địa điểm và đội ngũ chuyên viên xét nghiệm riêng cho tài xế của ứng dụng. Tài xế được xét nghiệm linh hoạt trong ngày và có kết quả ngay sau 30 phút, nhận kết quả trực tuyến", ông Linh nói và cho biết thông tin được cập nhật trên ứng dụng "Y TẾ HCM" của Sở Y tế TP để tiện tra cứu.

Doanh nghiệp đau đầu, rối với tự xét nghiệm shipper - Ảnh 4.

Ứng dụng Be kết hợp với cơ sở y tế, bệnh viện để xét nghiệm cho shipper từ ngày 24/9. Ảnh: V.L.

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - ông Nguyễn Nguyên Phương, nhận định vài ngày gần đây, số lượng shipper đăng ký hoạt động trở lại tăng dẫn tới nhiều điểm xét nghiệm bị quá tải, do cách thức phân bổ lượng xét nghiệm theo địa bàn. Sở đã đề xuất TP để doanh nghiệp tự xét nghiệm shipper và tự chịu trách nhiệm.

Theo ông, không chỉ các Sở ngành tham mưu về vấn đề giao trách nhiệm tự xét nghiệm cho doanh nghiệp mà bản thân các doanh nghiệp cũng đề xuất và liên hệ một số bệnh viện để xét nghiệm riêng cho doanh nghiệp. Trên tinh thần đó, Sở đề xuất cho doanh nghiệp tự xét nghiệm, TP hỗ trợ kit test.

"Việc để doanh nghiệp tự tổ chức xét nghiệm, tự chịu trách nhiệm là xu hướng bắt buộc phải thực hiện khi tới đây TP từng bước mở cửa lại nền kinh tế. Việc này vừa nhanh chóng, vừa thuận lợi, vừa đảm bảo an toàn", ông Phương nói và cho rằng cách làm này cũng phát huy được tính chủ động của doanh nghiệp, phù hợp với các điều kiện thực tế của từng doanh nghiệp hiện nay.

Lãnh đạo Sở Công Thương lưu ý các doanh nghiệp, trong quá trình triển khai  tự xét nghiệm shipper nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc thì báo cáo để được hỗ trợ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem