Doanh nghiệp đề xuất siêu thị giảm chiết khấu

Hồng Phúc Thứ tư, ngày 06/04/2022 15:00 PM (GMT+7)
Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM đề xuất thành lập Câu lạc bộ bình ổn thị trường để doanh nghiệp hỗ trợ nhau. Hệ thống bán lẻ có thể giảm chiết khấu cho doanh nghiệp sản xuất khoảng 1% để giá ra thị trường giảm đi, bớt áp lực chi phí cho doanh nghiệp.
Bình luận 0

TP.HCM vừa công bố Chương trình bình ổn thị trường năm 2022 và Tết Quý Mão 2023 trên địa bàn thành phố. Năm nay, có 69 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tham gia chương trình bình ổn thị trường tại TP.HCM. Ở nhiều ngành hàng, số lượng doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường đều tăng so với năm trước.

Theo các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, khó khăn nhất thời gian qua và sắp tới là giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, ảnh hưởng giá thành sản phẩm.

Doanh nghiệp đề xuất siêu thị giảm chiết khấu - Ảnh 1.

Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM đề xuất thành lập Câu lạc bộ bình ổn thị trường. Ảnh: Hồng Phúc

Ông Trương Tiến Dũng - Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA) cho biết có khá nhiều doanh nghiệp sản xuất trong hội tham gia vào chương trình bình ổn thị trường, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn.

Năm 2021, được xem là giai đoạn khó khăn nhất của doanh nghiệp trong ngành lương thực thực phẩm, khi đối diện tình hình dịch bệnh Covid-19. Theo ông Dũng, khi đó, các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm cam kết gần như không điều chỉnh tăng giá, dịp Tết 2022 cũng giữ giá hỗ trợ người tiêu dùng.

Trong khi đó, sang năm 2022, các chi phí đầu vào tăng 20-30%, nguyên liệu một số ngành tăng 1,5-2 lần nên gần đây, doanh nghiệp trứng gia cầm và thịt gia cầm mới đề xuất điều chỉnh tăng giá bán trong chương trình bình ổn thị trường.

"Sản xuất hàng tiêu dùng giai đoạn này cực kỳ khó khăn. Chúng tôi thường xuyên trao đổi với hội viên, giữ và điều chỉnh giá thế nào để khách hàng chấp nhận được. Các mặt hàng ngoài các mặt hàng tham gia chương trình bình ổn thì cố gắng kiềm giá. Chúng tôi chấp nhận giai đoạn này đồng hành cùng người tiêu dùng, hạ mức lợi nhuận tối đa, hòa vốn để vượt qua giai đoạn khó khăn", ông Dũng nói.

Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM kiến nghị thành lập Câu lạc bộ doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường để các doanh nghiệp hỗ trợ nhau. Chẳng hạn, khi tham gia câu lạc bộ, hệ thống bán lẻ có thể giảm chiết khấu cho doanh nghiệp sản xuất khoảng 1% để giá ra thị trường cũng sẽ giảm đi, bớt áp lực chi phí cho doanh nghiệp. 

Doanh nghiệp đề xuất siêu thị giảm chiết khấu - Ảnh 3.

Chương trình bình ổn thị trường năm 2022 và Tết Quý Mão 2023 tại TP.HCM, có 69 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tham gia. Ảnh: Hồng Phúc

Đại diện Saigon Co.op cho biết, là doanh nghiệp phân phối, doanh nghiệp cũng mong muốn làm sao đưa hàng đến tay người tiêu dùng có mức giá cạnh tranh nhất, giúp hiệu quả kinh doanh và giúp nhà sản xuất tái sản xuất. 

Theo vị này, sau mùa Tết, doanh nghiệp đang xây dựng mức chiết khấu làm sao thỏa đáng nhất cho nhà sản xuất, không tăng so với hiện tại và theo xu hướng tối ưu hơn, thực chất hơn về hiệu quả kinh doanh.

Đại diện Sở Công Thương cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục đôn đốc doanh nghiệp bình ổn thị trường xây dựng phương án tạo nguồn hàng, thu mua, dự trữ… đúng tiến độ, kế hoạch của UBND TP; đảm bảo sản lượng cung ứng ra thị trường đầy đủ, giá bán ổn định.

Sở cũng sẽ phối hợp chặt chẽ hệ thống phân phối trên địa bàn, vận động chiết khấu ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và các chi phí khác trong giai đoạn hiện nay để giảm áp lực tăng giá bán đến tay người dùng; đặc biệt đẩy mạnh đối với sản phẩm bình ổn thị trường và các mặt hàng thiết yếu khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem