Doanh nghiệp dệt may nỗ lực tìm đơn hàng

Quốc Hải Thứ hai, ngày 20/02/2023 12:05 PM (GMT+7)
Trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động tiêu cực, nhu cầu tiêu dùng giảm, chi phí nguyên - nhiên liệu tăng, nhiều doanh nghiệp (DN) may mặc ở TP.HCM bị giảm đơn hàng. Vì vậy, các DN buộc phải xoay chuyển tình thế bằng cách cơ cấu lại sản phẩm, tìm kiếm khách hàng mới.
Bình luận 0
Doanh nghiệp dệt may nỗ lực tìm đơn hàng - Ảnh 1.

Ngành dệt may gặp khó khăn từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023 do thiếu đơn hàng. Ảnh: Quốc Hải

Nỗ lực tìm đơn hàng

Cuối tháng 8 năm ngoái, Công ty CP Quốc tế Dony đón nhận một cú shock lớn khi lượng đơn hàng sụt giảm đột ngột. Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, cùng với tình hình thắt chặt chi tiêu do lạm phát ở Mỹ và châu Âu đã làm cho nhu cầu giảm và cả ngành dệt may Việt gặp khó khăn. 

Thời điểm này, ông Phạm Quang Anh - Tổng Giám đốc Dony đã một mình xách ba lô đi đến Trung Đông và châu Âu để… tìm hiểu nguyên nhân.

"Tôi đã có một hành trình dài hơn 10 ngày đến Jordan, Cyprus gặp gỡ từng đối tác để tìm hiểu nguyên nhân, từ đó có cách khắc phục để phù hợp với tình hình", ông Quang Anh nói. Ông Anh lý giải, bên cạnh uy tín, chất lượng thì theo ông, sự thân quen là điều rất quan trọng để đối tác có thể tiếp tục đặt bút ký hợp đồng.

Vậy là, chỉ trong tuần làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán, Dony đã ký kết được 3 đơn hàng, tăng 100% so với cuối năm ngoái. Nhờ vậy, dây chuyền sản xuất của DN này có thể hoạt động đến quý II/2023.

Doanh nghiệp dệt may nỗ lực tìm đơn hàng - Ảnh 2.

Các ngành hàng thời trang thường bị tác động giảm cầu sớm và phục hồi chậm hơn. Ảnh: Quốc Hải

"Bật mí" thêm về các tiếp cận khách hàng, ông chủ của Dony cho hay, mình ưu tiên marketing B2B (doanh nghiệp đến doanh nghiệp) và hướng đến các khách hàng quốc tế. 

"Việc chủ động tiếp cận khách hàng thay vì chờ đối tác tìm đến nhà máy giúp tôi tạo dựng được mối quan hệ với nhiều đối tác Trung Đông, Mỹ, Australia", ông Quang Anh nói.

Có thể nói, chính tư tưởng mới này đã giúp Dony vẫn có đơn hàng làm trong khi nhiều DN dệt may khác, nhất là các DN dệt may quy mô nhỏ rơi vào tình trạng khát đơn hàng.

Theo ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP.HCM, tình trạng sụt giảm đơn hàng xuất khẩu của ngành vẫn chưa có chuyển biến trong những tháng đầu năm 2023 và dự báo còn kéo dài. Một số DN triển khai giảm ca làm, giờ làm để duy trì dây chuyền sản xuất và giữ việc làm cho người lao động.

"So với những ngành hàng thiết yếu, các ngành hàng thời trang thường bị tác động giảm cầu sớm và phục hồi chậm hơn", ông Hồng nói.

Ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean (TP Thủ Đức) cũng cho hay: Hiện có khoảng 22% DN có đơn hàng vẫn duy trì được sản xuất đều đặn, 31% doanh nghiệp giữ được ổn định, hơn 46% DN thiếu đơn hàng.

Để duy trì sản xuất trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, cùng với sự hỗ trợ của các cấp, phần lớn DN dệt may tại TP.HCM đã thay đổi nhiều phương án, điều chỉnh kế hoạch, chiến lược sản xuất kinh doanh để thích ứng.

Cụ thể, các DN phải vừa làm vừa cập nhật thông tin thị trường, những biến động, xu hướng mới để giảm thiểu rủi ro. Mặt khác, các DN cũng chủ động tìm kiếm đối tác, khách hàng trong và ngoài nước để nhận thêm những đơn hàng tiêu dùng theo phương châm "lấy ngắn nuôi dài" để tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.

Ngoài ra, các DN cũng đang tích cực dự trữ nguyên phụ liệu để khi thị trường phục hồi trở lại, có thể tập trung tăng công suất ngay, đón đầu và đáp ứng các đơn hàng lớn hơn.

Ngành dệt may vẫn nhiều khó khăn trong năm 2023

Năm 2023 được dự báo còn nhiều khó khăn cho ngành dệt may khi nhu cầu thế giới chưa có tín hiệu phục hồi mạnh. Các thị trường xuất khẩu chính đều giảm hoặc tăng không đáng kể. Bên cạnh đó là những đòi hỏi khắt khe đến từ các nhãn hàng như giảm giá sản xuất, thời gian giao hàng nhanh, chất lượng đòi hỏi cao hơn…

Ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean (TP Thủ Đức) nhận định, những khó khăn về đơn hàng xuất khẩu dệt may có thể sẽ kéo dài ít nhất là hết quý I hoặc quý II/2023. Điều đó đòi hỏi các DN phải nỗ lực xoay sở để thích ứng nhằm duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động.

Để kịp thời thích ứng trong giai đoạn hiện tại, ông Việt cho hay, các DN đã chủ động triển khai nhiều giải pháp như tăng thị trường nội địa, đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu sang Úc, Canada... để tìm kiếm những đơn hàng mới; Giảm chi phí, cấu trúc lại bộ máy, tiếp tục tìm nguồn vốn để tái đầu tư về công nghệ, giảm bớt lao động, thành đầu vào, tăng khả năng cạnh tranh.

Doanh nghiệp dệt may nỗ lực tìm đơn hàng - Ảnh 4.

Môi trường lãi suất cao cũng gây ảnh hưởng lớn đến các DN ngành dệt may. Ảnh: Quốc Hải

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực từ phía DN, ông Việt cũng đề xuất, Chính phủ tiếp tục giảm, hoãn thuế thu nhập đến hết năm 2023 để giúp DN cải thiện dòng tiền. Đồng thời, đề nghị Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên lãi suất không tăng ít nhất trong 6 tháng,

"Hiện nay, lãi suất ngân hàng chúng ta 13-15% là quá cao, không có DN nào dám phát triển, mở rộng hoặc dám vay để tái đầu tư", ông Việt nói.

Theo ông Việt, không chỉ lãi suất cho vay quá cao, ngân hàng kiểm soát chặt vốn tín dụng mà một số ngân hàng còn định giá lại tài sản thế chấp chỉ bằng 50% năm ngoái rồi giảm hạn mức tín dụng, càng khiến DN khó khăn hơn.

Trong khi đó, theo báo cáo về ngành Dệt may của Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho hay, VITAS dự báo giá trị xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sẽ đạt 45~47 tỷ USD (tăng 7~11% so với cùng kỳ) trong năm 2023, nhưng mục tiêu này sẽ khá thách thức. Bởi, SSI Research nhấn mạnh, việc chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu và tiêu dùng nói chung được dự báo cũng sẽ giảm đi, và doanh thu bán lẻ sẽ được thúc đẩy bởi các chương trình khuyến mãi và giảm giá.

"Theo đó, chúng tôi cho rằng tỷ suất lợi nhuận gộp của toàn bộ chuỗi giá trị sẽ chịu áp lực, trong đó các nhà sản xuất sợi và hàng may mặc trong nước dễ bị tổn thương nhất do giá bán trung bình thấp hơn", chuyên gia của SSI Research nhận định.

Theo đơn vị này, dù áp lực từ chi phí nguyên vật liệu đối với các nhà sản xuất đã giảm bớt do giá bông và giá dầu đã giảm đáng kể từ quý 2 năm 2022. Chi phí vải giảm sẽ bù đắp một phần giá bán trung bình thấp hơn. Tuy nhiên, dự báo tỷ suất lợi nhuận gộp tổng thể sẽ giảm do (i) năng lực đàm phán của các nhà sản xuất trong nước thấp hơn so với các nhà bán lẻ (đặc biệt là trong giai đoạn nhu cầu yếu) và (ii) lương cơ bản dự kiến sẽ tăng 20% so với cùng kỳ.

"Với lãi suất dự kiến sẽ duy trì ở mức cao trong suốt cả năm, chi phí tài chính tăng cao có thể sẽ ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận ròng, đặc biệt đối với những công ty có tỷ lệ đòn bẩy cao", chuyên gia SSI Research nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem