Doanh nghiệp tất bật với các đơn hàng xuất khẩu những ngày đầu năm

Quốc Hải Thứ tư, ngày 05/01/2022 18:30 PM (GMT+7)
Những ngày đầu năm 2022, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu tại TP.HCM đã tất bật xuất khẩu hàng chục tấn hàng hóa sang các thị trường mới, dự báo một năm mới đầy thuận lợi.
Bình luận 0
Doanh nghiệp tất bật với các đơn hàng xuất khẩu những ngày đầu năm - Ảnh 1.

Sản phẩm cà phê nông sản thương hiệu Meet More xuất hiện trên các kệ siêu thị tại TP.HCM... - Ảnh: Meet More

Tín hiệu xuất khẩu khả quan ngay đầu năm mới

Ngay ngày Tết Dương lịch (1/1), Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu (quận Gò Vấp, TP.HCM) đã xuất khẩu 2 container cà phê nông sản thương hiệu Meet More đi thị trường châu Âu.

Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc điều hành Meet More Coffee, 2 container xuất khẩu này là cà phê chế biến hòa tan pha trộn với các loại nông sản khác như cà phê trái nhàu, cà phê bạc hà, cà phê khoai môn, cà phê xoài, cà phê dừa, cà phê đậu xanh. Tổng sản lượng lô hàng đợt này là 24 tấn, được một hệ thống siêu thị có trụ sở tại Cộng hòa Séc đặt hàng, dự kiến sẽ phân phối ở các thị trường Séc, Pháp, Đức.

Đây là sản phẩm start-up hoàn toàn mới từng tham dự chương trình game show "Thương vụ bạc tỷ" (Shark Tank Việt Nam), được ông Nguyễn Ngọc Luận nghiên cứu chế biến trong vòng 2 năm trở lại đây. Theo ông Luận, công ty mất 6 tháng để đàm phán, gửi mẫu 2 lần để đối tác kiểm tra theo yêu cầu… Khi thành phố vừa hết giãn cách (tháng 10/2021), đối tác ngoại đã đến nhà máy Meet More khảo sát và đánh giá sản phẩm, sau đó mới ký kết hợp đồng.

"Để hoàn thành đơn hàng đầu tiên trong năm mới này, chúng tôi đã phải chạy hết công suất, làm việc cả ngày đêm để hoàn thành đơn hàng đúng tiến độ cho đối tác", ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập Meet More, chia sẻ.

Cũng theo ông Luận, đây là lần đầu tiên DN của ông xuất khẩu cà phê sang châu Âu. Trước đó, cà phê đã xuất khẩu đi Hàn Quốc, Úc, Trung Đông.

"Lúc đầu tôi cũng nghĩ họ sẽ yêu cầu gắt gao nhưng nhờ nông sản chế biến ngay từ đầu vào đã đạt chất lượng rất tốt nên mọi chuyện đều thuận lợi. Hiện nay, cà phê trái cây của chúng tôi chuẩn bị để xuất đi Mỹ và Nga vào cuối tháng 1/2022", ông Luận nói.

Doanh nghiệp tất bật với các đơn hàng xuất khẩu những ngày đầu năm - Ảnh 2.

Công nhân Công ty CP may mặc Dony (huyện Bình Chánh) đang tất bật cho các đơn hàng xuất khẩu đầu năm mới. Ảnh: Quốc Hải

Ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh cũng cho biết, trong tuần đầu tiên của năm mới đã xuất 20 container hạt tiêu, cà phê đi Hà Lan, Đức với giá trị lên tới 6 triệu USD. Ngoài ra, các đơn hàng đi Nga, Pháp, Mỹ… cũng đã chốt lịch.

"Gần như chúng tôi sẽ phải làm việc xuyên Tết để đáp ứng đơn hàng cho đối tác, bởi xuất khẩu phải liên tục, không để đứt đoạn, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào", ông Thông nói.

Bắt đầu trở lại làm việc từ ngày 3/1, công nhân Công ty CP may mặc Dony (huyện Bình Chánh), đang khẩn trương hoàn thành đơn hàng gia công xuất đi Mỹ trong tuần này.

Giá nguyên vật liệu, chi phí logistics tăng cao…

Dù các DN đã nhộn nhịp với các đơn hàng xuất khẩu ngày đầu năm, song do giá nguyên liệu và phí dịch vụ logistics tăng cao khiến các DN tỏ ra khá thận trọng trong việc nhận đơn hàng mới.

Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc điều hành Meet More Coffee, nêu thực tế: Từ năm 2020, cước vận chuyển hàng hóa đường biển đã tăng gấp 2-3 lần so với trước khi dịch Covid-19 xuất hiện và tiếp tục tăng trong năm 2021, đến nay đã gấp 5-6 lần thậm chí tới 10 lần so với trước.

Đơn cử giá cước phí một container loại 40 feet từ Việt Nam đi Mỹ trước đây có giá từ 1.500 - 2.000 USD và thời gian vận chuyển hết 28 ngày thì nay tăng từ 13.000 - 15.000 USD và thời gian vận chuyển kéo dài gần 3 tháng.

"Dù nỗ lực duy trì sản xuất nhưng các DN, nhất là DN vừa và nhỏ đang phải đối mặt với nhiều áp lực, khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn sản xuất. Sau các đợt dịch Covid-19 vừa qua, hầu hết DN đều hụt nguồn vốn tái sản xuất, đặc biệt là DN ngành lương thực, thực phẩm.

Thời gian qua, nhiều chính sách hỗ trợ DN đã được ban hành. Tuy nhiên, thực tế tỷ lệ DN tiếp cận gói hỗ trợ về vốn, tín dụng còn thấp.

Rào cản lớn nhất để DN tiếp cận vốn vay là không đủ điều kiện về tài sản thế chấp theo tiêu chuẩn của ngân hàng để vay vốn trong thời điểm thị trường, sản xuất khó khăn hiện nay…"- bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, nhận định.

Tương tự, cước phí một container đi Nga đã tăng từ 3.000 USD lên 8.000 - 10.000 USD, thời gian vận chuyển mất hơn 3 tháng thay vì chỉ 25 ngày như trước đây. Ngay cả với tuyến vận tải đi Australia cũng tăng từ 1.200 USD lên 9.000 USD/container.

Không chỉ tăng cước, phí mà việc đặt container rỗng và chỗ trên tàu cũng rất khó khăn. Có thời điểm, muốn đưa hàng lên tàu DN phải đặt chỗ trước tới vài tháng.

"Giá thành sản xuất cao, thời gian vận chuyển kéo dài khiến cả DN xuất khẩu lẫn đối tác phân phối ở nước ngoài rơi vào thế bị động do thời hạn sử dụng sản phẩm (với thực phẩm) bị rút ngắn và giá sản phẩm bị đội lên cao", ông Luận nói.

Theo ông Luận, bên cạnh vấn đề vận tải thì giá nguyên liệu sản xuất kể cả trong nước và nhập khẩu đều tăng. Giá hạt cà phê đến nay đã tăng 50% so với thời điểm trước dịch bùng phát. Trong khi đó các nguyên liệu nhập khẩu khác để chế biến hay bao bì đóng gói cũng tăng hơn 30% so với trước.

Tuy nhiên DN rất khó để điều chỉnh giá bán tăng tương ứng do hầu hết đơn hàng đã ký trước và DN phải duy trì tính cạnh tranh để giữ khách.

Ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh, cũng lo lắng giá container tăng gấp 12 lần, mà muốn lấy được container rỗng thì phải đi tranh cước như thời… bao cấp. Vì thế, DN buộc phải chia sẻ phí này với khách hàng, nên có khách hàng thậm chí còn đe dọa không lấy hàng.

"Bây giờ rất khó, dứt chuỗi cung ứng khiến chi phí tất cả hàng nguyên liệu tăng 20-30%. Rồi chúng ta không xuất hàng vào được Trung Quốc, và Trung Quốc cũng không xuất vào được Việt Nam. Hàng hóa ứ tại các cảng lớn; trong khi các nhà máy thì không có nguyên liệu. Nói chung là khó cả toàn cầu, vì vậy khó khăn đến đâu thì tìm cách gỡ đến đó thôi….", ông Thông chia sẻ.

Nhiều DN xuất khẩu khác cũng cho biết, trước đây nguyên phụ liệu nhập từ Trung Quốc thường được mua theo giá CIF (giao hàng tại cảng người mua) thì từ khi cước vận tải biển tăng cao, các nhà cung ứng chuyển sang bán theo FOB (giao tại cảng người bán) và DN nhập khẩu phải chịu chi phí vận chuyển.

"Chi phí logistics tăng cao, cộng với giá nguyên phụ liệu cũng tăng thêm 20-30% do ảnh hưởng của việc đứt gãy chuỗi cung ứng khiến tổng chi phí đầu vào tăng cao", ông Phạm Quang Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP may mặc Dony, chia sẻ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem