"Độc chiêu" cai điện thoại cho trẻ

Châu Mỹ Thứ năm, ngày 02/06/2022 10:56 AM (GMT+7)
Lạc vào thế giới ảo với vô vàn trò chơi, video của thần tượng, trẻ bị mê hoặc tới mức bứt rứt, khó chịu nếu không có điện thoại mỗi ngày. Làm sao để "cai nghiện điện thoại" cho con trở thành đề tài sôi nổi trên diễn đàn của phụ huynh.
Bình luận 0
"Cai" điện thoại cho con sao cho hiệu quả? - Ảnh 1.

Nghiên cứu từ Facebook cho biết 93% trong số trẻ từ 6-12 tuổi có quyền truy cập vào điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng và 66% trong số đó có thiết bị riêng. Ảnh: Châu Mỹ

Thay vì dành thời  gian chơi với con sau giờ làm như ngày trước, phần lớn các ông bố bà mẹ ngày nay để điện thoại chơi cùng con. 

Dấu hiệu cho thấy trẻ nghiện điện thoại

Một khảo sát được tiến hành tháng 10/2014 tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ với 1.051 người là cha mẹ của 1.802 trẻ em từ 3-12 tuổi, cho thấy: 19% trẻ dưới 3 tuổi tiếp cận thiết bị số, 59% trẻ từ 3-5 tuổi sử dụng thiết bị thông minh, trẻ 6-9 tuổi chiếm 20% và trẻ từ 10-12 tuổi chiếm 2%.

Nghiên cứu cũng chỉ ra những dấu hiệu ở những trẻ mắc chứng "nghiện điện thoại". Trẻ trở nên tức giận, cáu kỉnh, lo lắng, thậm chí là gây hấn khi điện thoại bị người thân lấy đi hoặc không thể sử dụng.

Trẻ từ chối hoặc né tránh các sự kiện xã hội hoặc các hoạt động ngoại khóa chỉ để tranh thủ sử dụng điện thoại.

Trẻ mê điện thoại đến nỗi quên cả việc vệ sinh cá nhân, không quan tâm tới việc kết bạn, không quan tâm tới các thành viên trong gia đình, không quan tâm tới học tập... và nhiều chuyện khác.

Trẻ thường xuyên bỏ qua giấc ngủ, ngủ trễ, bỏ ăn, biếng ăn... vì bị cuốn hút vào các nội dung trên điện thoại.

Nghiện điện thoại khiến trẻ dễ có khả năng mắc các bệnh về mắt, tim mạch, thần kinh, cột sống, não, dạ dày và nhiều bệnh liên quan tới nhiễm khuẩn, liệt các cơ... Đó là lý do nhiều ông bố bà mẹ nỗ lực tìm giải pháp cai nghiện điện thoại cho con.

Các "tiểu nhân kế" phổ biến được phụ huynh chia sẻ trên mạng

Bà mẹ Jennifer Alsip ở Robinson, Texas (Mỹ) đã cắt mạng điện thoại khi con hết thời gian sử dụng. Trong khi đó, Melissa Barrios, một bà mẹ hai con ở Ventura, California (Mỹ) đã trả 5 USD/ tháng nếu cô con gái 13 tuổi không dùng ipad, điện thoại từ 9 giờ tối đến 7 giờ sáng, theo Tạp chí Parents (Mỹ).

Trên các diễn đàn của phụ huynh Việt Nam, phần lớn các ông bố bà mẹ đều chia sẻ, họ đều lén cắt mạng wifi nếu thấy con dùng điện thoại quá thời gian qui định. Tuy nhiên, cách này không thể áp dụng với trẻ từ 11 tuổi trở lên.

"Lũ trẻ khôn lắm, biết hack pass wifi nhà hàng xóm hoặc hack luôn wifi mạng 3G của bố mẹ để dùng tiếp. Cho nên, tắt wifi không hề khả quan với các anh chị này", một phụ huynh chia sẻ.

"Cai" điện thoại cho con sao cho hiệu quả? - Ảnh 2.

Tần suất sử dụng điện thoại quá nhiều dễ khiến trẻ mắc các triệu chứng cận thị, béo phì, dễ cáu giận... và sao nhãn việc học tập. Ảnh: IT

Trong hai năm đại dịch Covid-19, việc sử dụng máy tính, điện thoại hàng ngày để học online, vô hình chung biến nhiều đứa trẻ thành "con nghiện" mạng xã hội. Ngoài việc học, trẻ còn tán gẫu, tham gia nhiều hội, nhóm trên mạng... tới mức quên luôn thế giới thực.

"Với mọi người thì không biết thế nào, chứ nhà tôi thì việc học online không chỉ thất bại mà còn nguy hại toàn tập", đây là "tổng kết" buồn của anh Dương, phụ huynh có con học lớp 3 và lớp 10 ở Hà Nội. 

Trước khi đưa ra quyết định cho con nghỉ học, anh Dương đã cho "1 chiếc iPhone 11 bay vào tường tan tành", đồng thời cảnh báo cô con gái: "chiếc laptop Apple có thể cũng tiễn nốt ra bãi rác bất cứ lúc nào, nếu con cứ cắm mặt suốt vào đó!".

Theo anh Dương, việc con ôm máy tính, điện thoại nhiều đến mức nói con giống như ngớ ngẩn thì hơi quá đáng, nhưng thực tế là con đã có những hành xử bất thường. Khi bố mẹ bảo làm việc gì, thậm chí bảo ra ăn uống con cũng phản kháng.

"Ngày nào con cũng kè kè bên máy tính ở trong phòng suốt từ 8h sáng đến 12h đêm. Con cãi là không chơi game nhưng rõ ràng là ngoài học bài, làm bài tập, con còn buôn chuyện với các bạn trong nhóm chat, xem phim... hết ngày này qua ngày khác. Điều này dễ tạo ra thói quen sống ở trên mạng và đắm chìm vào thế giới ảo".

Vì vậy, vợ chồng anh Dương buộc lòng phải đưa ra quyết định: Cho con gái lớp 10 nghỉ học online.

Tham khảo "thiết quân luật" từ một mẹ đơn thân

Là mẹ đơn thân của một con gái đang tuổi ẩm ương, chị Hiền cũng hết sức chật vật mới lôi con ra khỏi thế giới của điện thoại và laptop. 

Lấy lý do học online, phải làm bài thuyết trình, phải thảo luận nhóm, phải nộp bài tập qua đường link..., cô con gái 11 tuổi của chị gần như ôm laptop và điện thoại cả ngày với chiếc tai nghe thường trực. Cho tới kết thúc học online, con chị kịp tăng độ cho mắt kính cận và kiếm cớ cả ngày dùng laptop, phản kháng rất dữ dội khi bị chất vấn. 

Đáng lo ngại hơn là chị Hiền đi làm từ 8h sáng tới 6h tối, nên ngoài thời gian học ở trường, con chị hoàn toàn tự do ở nhà với chiếc laptop.

"Cai" điện thoại cho con sao cho hiệu quả? - Ảnh 3.

Cam kết "dùng laptop có kiểm soát"và "tự nguyện làm việc nhà" để có tiền tiêu vặt của một cô bé. Ảnh: Châu Mỹ

Hoàn toàn yên tâm là con gái không truy cập vào những nội dung gây hại trên internet nhưng việc bị cuốn vào thế giới ảo khiến con lười làm việc nhà, hay phản kháng, quên vệ sinh cá nhân, quên ăn uống, thường xuyên ngủ trễ... khiến chị Hiền lo ngại. 

Tham khảo, áp dụng đủ cách, cuối cùng, chị áp dụng "thiết quân luật" kèm động viên, khích lệ con gái để cháu dần từ bỏ thói quen cứ rảnh là ôm laptop.

Trước hết, chị cương quyết đưa bằng chứng về việc đã hết học online, con không còn lý do gì để dùng điện thoại. Thay vào đó, chị theo đề nghị của con, mua một đồng hồ đeo tay vừa có tính năng gọi, vừa gắn định vị cho cháu đeo khi đi học hoặc lúc không có chị bên cạnh. 

Chiếc đồng hồ thiết kế cool, ngầu... khiến cô bé thích thú vì "hợp mốt", còn chị thì vừa có thể liên lạc, vừa kiểm soát được vị trí cũng như hành trình của con mỗi ngày.

Biết con có đam mê vẽ, chị Hồng đề nghị con tham gia một lớp vẽ với lịch học mỗi ngày, sau giờ học chính ở trường, khiến bé không còn nhiều thời gian trống. 

Chị cũng yêu cầu con viết cam kết mỗi khi dùng laptop phải xin phép, giải trình mục đích, thời gian dùng máy. Nếu con thực hiện đúng cam kết, chị sẽ thưởng một số tiền nhất định theo tuần để cháu có thể tự mua họa cụ phục vụ cho đam mê vẽ tranh. 

Cuối tuần, chị dành thời gian đưa con đi dạo các nhà sách. Cháu được mua truyện tranh và dụng cụ học tập trong một giới hạn chi phí cho phép... Dần dần, bé chỉ còn muốn coi phim trên laptop vào một khung giờ nhất định trong hai ngày cuối tuần.

"Tôi phải nghĩ cách lấp đầy thời gian trống của con bằng việc khuyến khích cháu phát triển những đam mê, sở thích của mình. Những sở thích này nếu mình hướng cho con từ nhỏ, thì lớn lên, sẽ phát triển dễ dàng hơn", chị Hiền nói. 

"Tôi luyện cho con đam mê đọc sách nên cố tình không sắm TV. Không được chơi điện thoại, thời gian rảnh cháu chỉ có thể đọc sách, vẽ... Những lúc rảnh, tôi thường rủ con cùng làm đồ thủ công, cùng vẽ, hoặc cùng con đi bơi... Không cần phải làm gì to tát cả, mỗi phụ huynh nên dành một giờ mỗi ngày chơi cùng con thay vì để chúng chơi cùng điện thoại", chị Hiền chia sẻ thêm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem