Đối tác chậm thanh toán, hàng tồn kho lớn... nhiều doanh nghiệp địa ốc "ngộp thở"

Quốc Hải Thứ ba, ngày 29/03/2022 07:00 AM (GMT+7)
Đối tác chậm thanh toán dẫn tới khoản phải thu tăng, hàng tồn kho lớn… là những yếu tố khiến việc xoay vốn của một số doanh nghiệp bất động sản (DN BĐS) gặp khó, thậm chí dẫn tới dòng tiền kinh doanh âm ngay từ đầu năm…
Bình luận 0

Theo báo cáo tài chính (BCTC) được công bố, Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (HoSE: CII) đã ôm khoản lỗ hơn 246 tỷ đồng trong năm 2021. Đặc biệt, riêng quý IV/2021, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ trên BCTC hợp nhất lỗ 375 tỷ đồng.

Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2021 của CII chỉ đạt 2.916 tỷ đồng, giảm 46% so với năm trước, do doanh thu bất động sản giảm sâu xuống còn 1.229 tỷ đồng, chỉ bằng 32,7% so với năm trước.

Nhiều "ông lớn" BĐS âm dòng tiền

Theo giải trình của CII, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến tiến độ thu tiền, trả nợ gặp khó khăn, khiến chi phí lãi vay tăng cao so với cùng kỳ năm trước. 

Mặt khác, dù doanh nghiệp đã chuyển nhượng một phần khoản đầu tư vào công ty con, cải thiện dòng tiền và có lợi nhuận kế toán 595 tỷ đồng trên báo cáo riêng của công ty mẹ, lợi nhuận thực hợp nhất là 488 tỷ đồng, nhưng theo quy định của chế độ kế toán hiện hành, khoản này chưa được ghi nhận vào kết quả kinh doanh trên BCTC hợp nhất.

Doanh nghiệp địa ốc đối mặt nhiều khó khăn ngay từ quý 1/2022 - Ảnh 1.

Các dự án BĐS mở bán mới được nhà đầu tư quan tâm. Ảnh: Quang Duy

Kết thúc năm 2021, lợi nhuận sau thuế của CII đảo chiều từ 472 tỷ đồng năm 2020, sang lỗ 246,5 tỷ đồng. Riêng công ty mẹ lỗ 341 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế năm trước là 253 tỷ đồng.

Tính tới 31/12/2021, tồn kho tại CII 4.516,6 tỷ đồng, chiếm 14,6% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 4.482,4 tỷ đồng, chiếm 14,5% tổng tài sản.

Không chỉ "ông lớn" CII, nhiều DN BĐS khác cũng gặp nhiều khó khăn trong xoay trở dòng tiền kinh doanh ngay từ đầu năm.

Chẳng hạn, tại Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (HoSE: KDH) luỹ kế cả năm 2021, DN này đạt 1.204 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng nhẹ so với năm ngoái. Tuy nhiên, tính tới 31/12/2021, tồn kho của Khang Điền lại hơn 7.700 tỷ đồng, chiếm 54% tổng tài sản và các khoản phải thu ngắn hạn cũng hơn 4.100 tỷ đồng.

Đặc biệt, vấn đề lớn mà Khang Điền đang đối diện là trong năm 2021 công ty này ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm mức kỷ lục, hơn 2.000 tỷ đồng.

Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp; HoSE: DIG) cũng là cái tên được nhắc đến nhiều nhất khi trong năm 2021 công ty này tiếp tục chuỗi 3 năm liên tiếp âm dòng tiền kinh doanh.

Cụ thể, tính đến cuối năm 2021, dòng tiền kinh doanh của DIG tiếp tục âm 798 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là tiền chi trả cho người cung cấp hàng hóa, dịch vụ chiếm gần hết tiền thu từ bán hàng; ngoài ra đơn vị gánh hàng loạt khoản chi trả khác như lãi vay, nộp thuế…

Doanh nghiệp địa ốc đối mặt nhiều khó khăn ngay từ quý 1/2022 - Ảnh 2.

Trong bối cảnh khó khăn về dòng tiền, hiện tại, pháp lý của nhiều dự án vẫn gặp nhiều vướng mắc, lãi suất ngân hàng tăng… khiến nhiều DN càng thêm khó khăn hơn. Ảnh: Quốc Hải

Một doanh nghiệp khác có dòng tiền kinh doanh âm 2 năm liên tiếp là Công ty CP Bất động sản Thế kỷ (Cen Land). Theo đó, trong năm 2021 mặc dù ghi nhận doanh thu tăng hơn 450 tỷ đồng, nhưng dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp này vẫn ở mức âm 355 tỷ đồng.

Lý do chính đến từ tồn kho tăng hơn 470 tỷ đồng. Ngoài ra, tiền lãi vay đã trả cũng tăng mạnh từ 7,7 tỷ lên hơn 111 tỷ đồng.

Tập đoàn C.E.O cũng ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm hơn 155 tỷ đồng dù lãi cải thiện từ mức lỗ 103 tỷ lên dương hơn 82 tỷ đồng. Lý do âm tiền đến từ khoản lỗ hơn 346 tỷ hoạt động đầu tư, tăng khoản phải thu 290 tỷ đồng...

Chuyển hướng tìm "bầu sữa" mới

Theo khảo sát xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước thực hiện mới đây, trong nửa đầu năm 2022, các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục "siết" chặt dòng vốn vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản.

Cụ thể, các ngân hàng dự kiến sẽ giảm tỷ trọng tín dụng bất động sản xuống còn khoảng 23,8% trong 6 tháng đầu năm 2022 từ mức 29,7% cùng kỳ năm ngoái, do lĩnh vực này được dự báo gia tăng rủi ro.

Cùng với lộ trình siết tín dụng, từ ngày 15/1/2022, các ngân hàng thương mại cũng bị "cấm cửa" mua trái phiếu của các doanh nghiệp địa ốc.

Điều này được cho là sẽ khiến việc huy động vốn của nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó, nhất là khi dòng vốn của các doanh nghiệp này lâu nay có phần phụ thuộc vào kênh trái phiếu.

Trước những khó khăn này, các doanh nghiệp địa ốc đã linh hoạt tìm "bầu sữa" mới ngay từ quý 1/2022 bằng phương án phát hành cổ phiếu, trái phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Chẳng hạn, mới đây HĐQT Công ty CP Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền (mã KDH) đã thông qua kế hoạch chào bán tối đa 20 triệu trái phiếu, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu nhằm huy động 2.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý II tới.

Tương tự, hồi cuối tháng 2 vừa qua, Công ty CP DRH Holdings (mã DRH) cũng chào bán 60,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1, với giá 12.000 đồng/CP. Nếu đợt phát hành thành công, DRH Holdings sẽ thu về hơn 720 tỷ đồng vốn mới.

Một loạt các DN BĐS khác cũng có các phương án huy động khác như phát hành riêng lẻ cổ phần (như Nam Long, Kinh Bắc, DIG Corp), bán cổ phiếu quỹ (như Nam Long, Khang Điền), phát hành cổ đông hiện hữu (Khải Hoàn Land, Cenland)…

Cấp cứu để doanh nghiệp không "chết" trên đống tài sản!

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho hay, hiện nhiều doanh nghiệp địa ốc đang gặp khó. Cái khó đầu tiên là các thủ tục pháp lý, quy định pháp luật ách tắc việc phát triển dự án. Thứ hai là việc thiếu dòng tiền có thể làm cho doanh nghiệp bị "ngộp thở" ngay lập tức.

Theo khảo sát của HoREA, phần lớn doanh nghiệp không còn tiền để trả lãi vay, trả nợ, duy trì bộ máy và hỗ trợ, giữ chân người lao động. Nhiều dự án không thể triển khai đúng tiến độ, giao dịch bị sụt giảm mạnh.

"Kẹt tiền, kẹt vốn, bị mất thanh khoản là rủi ro và là nguy cơ lớn nhất của mọi doanh nghiệp phải đương đầu. Mặc dù doanh nghiệp vẫn còn tài sản nhưng do chưa bán được dẫn đến thiếu dòng tiền và có thể bị "chết trên đống tài sản" của chính mình", ông Châu nói.

Do đó, HoREA kiến nghị Nhà nước cần có cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản vượt qua đại dịch lần này.

Cụ thể, HoREA đề xuất cho các doanh nghiệp được giảm lãi vay, gia hạn thời gian trả nợ, khoanh nợ đáo hạn, không chuyển sang nợ xấu và tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận khoản vay tín dụng mới để thực hiện dự án.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem