Đội tình nguyện hỗ trợ TP.HCM chống dịch: "Gìn giữ ký ức về những ngày tháng bi hùng"

Bạch Dương Thứ sáu, ngày 08/10/2021 18:30 PM (GMT+7)
Bỏ lại công việc, gia đình sau lưng, hơn 20.000 nhân viên y tế từ khắp mọi miền đất nước đã không ngại gian khó, hy sinh để sát cánh cùng TP.HCM chống dịch ròng rã gần 4 tháng trời. Trước ngày chia tay, đọng lại trong tâm trí mỗi người là ký ức về những ngày tháng bi hùng.
Bình luận 0
"Gìn giữ những ký ức về những ngày tháng bi hùng này" - Ảnh 1.

Chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 TP.Thủ Đức. Ảnh: BVCC

Tâm sự trước ngày rời thành phố, ThS.BS Bùi Quang Huy, trường đoàn Bệnh viện E đang công tác tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.Thủ Đức chia sẻ, cuộc chiến quy mô lớn nhất với đại dịch Covid-19 mà chiến trường trọng tâm là TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam đã bước sang tháng thứ 4. Có thể nói đây là một cuộc chiến đặc biệt chưa hề có tiền lệ, không có tiếng súng, chỉ có tiếng monitor, máy thở nhưng mức độ khốc liệt, bi hùng của nó không hề kém những cuộc chiến tranh. Covid-19 là một loại bệnh, nhưng cuộc chiến với đại dịch Covid-19 lại không chỉ của riêng ngành y.

"Trong mấy tháng qua, chúng tôi, những nhân viên y tế cùng với lãnh đạo và nhân dân thành phố, các lực lượng vũ trang và các lực lượng tình nguyện khác, chúng ta đã sát cánh bên nhau chiến đấu. Theo một nghĩa rộng về cuộc chiến của con người với virus, chúng ta đã trở thành những người đồng đội thân thiết của nhau. 

Chúng ta đã cùng nhau trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ lo lắng, động viên nhau kiên cường bám trụ khi con số nhiễm và thương vong tăng lên; cũng như chia sẻ nhau niềm lạc quan, hy vọng, khi các con số chậm lại, giảm dần rồi sau cùng là niềm hân hoan trong ngày thành phố bắt đầu kế hoạch bình thường mới trở lại và dịch bệnh đã ở phía bên kia sườn dốc", BS Huy xúc động chia sẻ.

BS Huy cho biết, khi quyết định xung phong lên đường, đội ngũ chi viện đều xác định, không phải chỉ là hỗ trợ, mà đây thực sự là cuộc chiến của mình, phải chiến đấu bằng 200% sức lực để san sẻ với các đồng nghiệp thành phố. Động lực của chúng tôi đến từ những điều giản dị. Trước hết, đó là trách nhiệm của một người làm nghề y trước bệnh tật, sau nữa là tình đồng loại trước nỗi đau của đồng bào.

"Nơi đoàn chúng tôi làm việc, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 tại TP.Thủ Đức là một trong những mặt trận khốc liệt, có những hy sinh, mất mát, đã là một cuộc chiến, thương vong là điều không thể tránh. Dù có lúc, áp lực từ hơn 10.000 ca nhiễm; hơn 400 ca tử vong mỗi ngày khiến cho chúng tôi phải gồng mình gấp nhiều lần. Nhưng ca trực với đầy đủ anh em đồng nghiệp Bắc, Trung, Nam vẫn đoàn kết nắm chặt tay nhau, kiên gan lì lợm giữ chặt đội hình, không có ai bi quan, nản chí", BS Huy tâm sự.

Cùng trong đội ngũ của Bệnh viện E được cử tăng cường tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.Thủ Đức, điều dưỡng Phạm Văn Phương đã trải qua gần 2 tháng chưa "biết mặt Sài Gòn". Ngày nào cũng vậy, theo lịch ba ca - bốn kíp, đúng giờ Phương ra khỏi khách sạn ở quận 1, lên xe và được chở thẳng đến bệnh viện, mặc đồ bảo hộ, bước vào khu ICU. Hết ca trực 8 tiếng đồng hồ, Phương bước ra, cởi bỏ đồ bảo hộ, tẩy trùng, lên xe về khách sạn.

Nghỉ ngơi - gọi điện về cho vợ, cho cha mẹ - học hỏi, ghi lại những kinh nghiệm nghề nghiệp vừa học được, chuẩn bị cho ca trực tiếp theo. Một tháng rưỡi, Phương chưa một lần nhìn thấy Sài Gòn lộng lẫy, xa hoa, náo nhiệt "như trong truyền thuyết". Được phân vào khoa nhận những bệnh nhân nặng nhất của bệnh viện tuyến cuối, Phương chỉ thấy Sài Gòn đang quặn đau qua hình hài những bệnh nhân khát thở.

Đêm cuối tại Bệnh viện dã chiến số 12, BS Nguyễn Ngọc Thành và đồng nghiệp trong đoàn thầy thuốc Quảng Ninh nói sẽ không bao giờ quên quãng thời gian đã kề vai sát cánh ở nơi này. "Ba tháng ở TP.HCM dù chứng kiến những đau thương, mất mát nhưng đều là những trải nghiệm quý giá của chúng tôi", BS Thành nói.

"Gìn giữ những ký ức về những ngày tháng bi hùng này" - Ảnh 3.

Các bác sĩ ôm bình oxy cấp cứu bệnh nhân Covid-19. Ảnh: BVCC

Thời gian đầu, công việc của mọi người gặp nhiều khó khăn do thiếu thốn trang thiết bị. Căng thẳng tiếp tục đẩy lên khi lượng bệnh nhân nhập viện tăng vọt, những ngày cao điểm tiếp nhận cả trăm bệnh nhân và cấp cứu khoảng 30 trường hợp nặng. "Áp lực công việc lớn mà cái gì cũng mới mẻ. Tôi vốn không phải bác sĩ chuyên ngành hồi sức cấp cứu nên đành vừa làm vừa rút kinh nghiệm, khó chỗ nào tháo chỗ đó", anh Thành kể.

Chứng kiến bệnh nhân Covid-19 nặng tử vong là điều BS Thành không thể quên. Họ qua đời mà giây phút cuối cũng không được nhìn mặt người thân. Toàn đoàn sau đó đã ngồi lại, dặn nhau không được suy sụp. Mọi người bảo ban, lấy đó làm bài học để điều trị người bệnh trước cuộc chiến biết chắc sẽ kéo dài. 

"Chúng tôi thấy mình may mắn hơn những đồng nghiệp ở các nơi khác vì được chứng kiến nhiều bệnh nhân xuất viện - niềm an ủi lớn nhất của bất kỳ nhân viên y tế nào trong khoảng thời gian này", bác sĩ Thành chia sẻ.

"Gìn giữ những ký ức về những ngày tháng bi hùng này" - Ảnh 4.

Các bác sĩ Quảng Ninh chụp hình lưu niệm với lãnh đạo Bệnh viện dã chiến số 12. Ảnh: BVCC

Trước giờ chia tay, BS Huy tâm sự: "Dù lưu luyến nhưng cũng sẽ đến lúc chúng tôi phải nói lời chia tay, để trở về với nhiệm vụ thường nhật của mình. Chúng tôi sẽ gìn giữ những ký ức về những ngày tháng bi hùng này trong tâm trí, và sẽ luôn mang theo trong lòng tình cảm nồng ấm mà Sài Gòn đã dành cho chúng tôi.

Nhất định một ngày không xa, chúng tôi sẽ trở lại, nhưng không phải là để chiến đấu "một cung đường, hai điểm đến" nữa, mà là để đi dạo giữa đường hoa Nguyễn Huệ, ngắm nhìn một Sài Gòn trẻ trung năng động, để cảm nhận thứ đặc sản đặc trưng nhất của Sài Gòn là tình người. Và chúng tôi sẽ mỉm cười nhẹ nhõm, với một niềm tự hào là mình cũng đã góp một phần nhỏ bé cho tương lai đó".

Từ giữa tháng 9, ngành y tế TP.HCM nhận được sự hỗ trợ từ 132 đơn vị của bộ, ngành, Trung ương và các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tính đến 30/9, lực lượng tham gia phòng, chống dịch của TP.HCM là 187.275 người. Trong đó, lực lượng chi viện là 28.989 người (8.900 nhân viên y tế; 16.637 chiến sĩ, quân y). Khi dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, Bộ Y tế đề nghị thành phố sắp xếp để rút các đoàn chi viện về địa phương, chậm nhất là ngày 15/10, để đảm bảo sức khỏe cho nhân viên y tế và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại địa phương.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem