Ngay cạnh sông La Ngà, nhiều vườn cây đang "chết khát", nông dân phải hái bỏ trái non, nghịch cảnh ở Đồng Nai

Trần Khánh Thứ bảy, ngày 19/03/2022 06:30 AM (GMT+7)
Dù nằm cạnh dòng sông La Ngà, nhiều vườn cây ăn trái ở xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc) đang thiếu nước tưới trầm trọng. Nông dân phải hái bỏ trái xanh để cứu lấy cây trồng.
Bình luận 0

Hái bỏ trái xanh vì thiếu nước tưới dù nằm cạnh sông La Ngà

Những ngày vừa qua, nắng hạn gay gắt xảy ra trên địa bàn xã Xuân Bắc. Tình trạng này khiến vườn cây ăn trái hơn 1,5ha của ông Võ Văn Chiều đang queo quắt từng ngày vì thiếu nước tưới.

Trước đó, ông Chiều đã khoan 2 giếng nước sâu cả trăm mét. Đến nay, cả 2 giếng đều trơ đáy. Để cứu vườn cây khỏi chết khô, ông Chiều phải hái bỏ quả xanh, cắt tỉa cành cây già.

Ông Chiều cho biết, vườn cây ăn trái của mình ở cách xa dòng sông La Ngà. Đến mùa nắng nóng, đất trong vườn trở nên khô cằn. Ông buộc phải chọn cách hái bỏ trái non để dưỡng sức cho cây, đợi vụ thu hoạch năm sau.

"Chúng tôi mong chính quyền sớm mở kênh mương thủy lợi tới các vùng xa để nông dân ở có nước tưới cho cây trồng", ông Chiều nói.

img
img

Thiếu nước tưới, nông dân xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc) phải hái bỏ trái non cứu vườn cây. Ảnh: Trần Khánh

Trong khi đó, vườn mít Thái 17ha của ông Phùng Minh Phú, ngụ cùng xã, cũng đang phải gồng mình trong nắng hạn.

Để cứu vườn mít, ông Phú mua máy bơm và ống nhựa để dẫn nước từ sông La Ngà về.

Đường ống đưa nước về vườn dài 6km. Mỗi ngày, ông Phú bơm nước khoảng 10 tiếng đồng hồ mới đủ nước tưới cho vườn mít Thái.

Hiện, giá xăng dầu tăng rất cao nhưng ông Phú vẫn phải tìm mọi cánh để cứu vườn cây. Tính ra, chi phí hàng ngày tốn từ 1-1,5 triệu đồng.

Theo ông Phú, từ tháng 2 đến tháng 5 là mùa khô hạn. Nguồn nước trữ trong vườn không đủ tưới. Các giếng khoan thì đã cạn kiệt. "Tốn kém hàng trăm triệu đồng nhưng đầu tư máy bơm là giải pháp duy nhất trong tình cảnh hiện nay", ông Phú rầu rĩ nói.

img
img

Chưa có nguồn nước thủy lợi, nông dân xã Xuân Bắc phải bơm nước từ sông La Ngà vào tưới vườn trái cây và hoa màu. Ảnh: Trần Khánh

Xã Xuân Bắc hiện có gần 5.000ha đất canh tác nông nghiệp. Các loại cây trồng chủ yếu là cây công nghiệp, cây ăn trái và rau màu.

Mặc dù nằm kế bên sông La Ngà, nhưng xã Xuân Bắc vẫn chưa có nguồn nước thủy lợi. Nhiều năm nay, nông dân nơi đây vẫn khai thác nguồn nước ngầm để tưới cây.

Đến mùa hạn lại thiếu nước tưới

Theo UBND huyện Xuân Lộc, địa bàn huyện có mật độ sông suối tương đối dày. Tuy nhiên, phần lớn sông suối ngắn và dốc nên khả năng giữ nước kém.

Sông La Ngà có chiều dài khoảng 290km. Đoạn chảy qua huyện Xuân Lộc dài 18 km, với diện tích lưu vực khoảng 262km2.

Các nhánh suối của sông La Ngà trên địa bàn huyện gồm có: suối Gia Huynh, Suối Cao, Suối Rết, Suối Gia Ray. Tuy nhiên, chỉ có suối Gia Huynh, suối Rết là có nước quanh năm.

Sông La Ngà, đoạn qua địa bàn huyện Xuân Lộc. Ảnh: GoogleMap

Sông La Ngà, đoạn qua địa bàn xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc. Ảnh: GoogleMap

Ngoài ra, các nhánh sông suối thuộc hệ thống sông Dinh có lưu vực hẹp. Mùa khô kéo dài khiến các suối này thường bị kiệt.

Địa bàn huyện Xuân Lộc nằm trong khu vực nghèo mạch nước ngầm. Trên vùng đất đỏ vàng, nước ngầm thường xuất hiện ở độ sâu từ 25-30m. Còn ở các khu vực khác, nước ngầm thường xuất hiện ở độ sâu từ 80-102m.

Vì thế, việc xây dựng các hồ chứa, kết hợp với chuyển tải nước từ ngoài vùng vào là rất cần thiết. Đây là điều kiện thúc đẩy cho phát triển kinh tế, nhất là cho sản xuất nông nghiệp.

Được biết, từ năm 2014, Bộ NNPTNT đã có chủ trương giải quyết nước tưới cho huyện Xuân Lộc.

Theo đó, một trạm bơm sẽ được đầu tư, đưa nước từ sông La Ngà về cung cấp cho 3 xã Xuân Bắc, Xuân Thọ và Xuân Cao.

Tuy nhiên, nhiều năm đã trôi qua, song dự án vẫn chưa được triển khai. Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị. Nông dân thì canh cánh nỗi lo khi mùa khô đến.

img
img

Một vườn bưởi của nông dân xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc) khô héo trong mùa khô hạn. Ảnh: Xuân Lượng

Năm 2022, xã Xuân Bắc đặt mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Giai đoạn 2024-2025, xã Xuân Bắc sẽ đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Thế nhưng hiện nay, giải pháp nguồn nước thủy lợi cho sản xuất nông nghiệp vẫn chưa được giải quyết. Nông dân chưa thể mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thâm canh tăng vụ.

Ông Phạm Văn Hòa, cán bộ nông nghiệp xã Xuân Bắc cho biết, vào mùa khô, mực nước ngầm thiếu hụt. Nông dân phải cắt tỉa cành cây, cắt bỏ trái để dưỡng sức cho vườn cây. Thậm chí, một số vườn cây chết khô do thiếu nước.

Một số nông dân có điều kiện, đã đầu tư ống bơm lấy nước từ sông La Ngà. Tuy nhiên, giải pháp này tốn kém chi phí. Thu nhập của bà con vì thế giảm thấp.

"Địa phương đang rất mong muốn các cấp chính quyền sớm đầu tư hệ thống cấp nước, tạo điều kiện cho nông dân yên tâm sản xuất", ông Hòa nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem