Có cần phải cho con đi du học từ Trung học cơ sở/Trung học phổ thông hay chuẩn bị cho trẻ thật cứng cáp rồi mới du học ở bậc đại học hoặc thậm chí bậc sau đại học? Đây chắc hẳn là trăn trở của không ít ông bố bà mẹ có định hướng cho con "xuất ngoại".
Đa số các phụ huynh cho con đi học ở nước ngoài sớm vì nghĩ rằng con có thể tiếp thu kiến thức tốt, trau dồi kỹ năng tiếng Anh, hòa nhập với môi trường sống mới, phát triển tính tự lập, tránh được những bỡ ngỡ và cú sốc văn hóa sau này. Học sinh du học sớm còn được cho là sẽ có định hướng tốt và xây dựng được bộ hồ sơ nổi bật, giúp tăng cơ hội được nhận vào các trường đại học lớn.
Nhưng, theo Tiến sĩ (TS) Nguyễn Yến Khanh, Giảng viên Đại học Erasmus University Rotterdam (Hà Lan), đồng thời là quản trị viên của Pathfinders - nhóm cung cấp thông tin về học bổng, du học, việc làm thì việc đẩy con ra nước ngoài ở độ tuổi quá nhỏ không phải là con đường rải toàn hoa hồng như bố mẹ nghĩ.
Đi qua những háo hức mới mẻ ban đầu, có rất nhiều vấn đề nảy sinh khi đưa một "cây non ra đón bão". Áp lực và lạc lõng, những khác biệt về lối sống, văn hoá, chưa kể đến những trục trặc trong cuộc sống thường ngày mà nếu chưa đủ sự chín chắn, chưa có sự chuẩn bị kỹ càng, con sẽ rất dễ cảm thấy lúng túng.
Theo TS Yến Khanh, nếu gia đình sắp xếp để ít nhất bố hoặc mẹ, hay lý tưởng nhất là cả gia đình sang nước ngoài được thì hãy cho con đi. Nếu không, con phải xa bố mẹ để du học cấp 3 cũng còn là quá sớm.
Cách đây 18 năm, chị Khanh học xong chương trình thạc sĩ ở Anh về thì vào Sài Gòn làm quản lý tiếp thị cho Singapore Education, là cơ quan chính phủ thuộc Singapore Tourism Board, quảng bá tất cả các trường công lập và tư thục, từ phổ thông lên đại học ở Singapore.
"Thời đó, dù tôi chưa có con, nhưng thấy các bố mẹ ở Việt Nam nhăm nhe cho con đi du học Singapore từ cuối cấp 1, đầu cấp 2, tôi đã nói du học không phải cây đũa thần, đâu bổ béo đến mức phải đẩy con đi từ khi con chưa kịp dậy thì, chưa kịp ở với bố mẹ để định hình nhân cách. Đi học chứ có đắp vàng bạc châu báu gì vào người đâu mà phải hi sinh đến thế", chị Khanh chia sẻ.
TS Khanh cho rằng, khi du học sớm, trẻ không có người thân bên cạnh trong giai đoạn quan trọng của phát triển tâm sinh lý. Với trẻ vị thành niên, kể cả khi có gia đình bên cạnh đôi khi còn cảm thấy khó khăn, sẽ ra sao nếu môi trường sống chung quanh hoàn toàn xa lạ lại không có cha mẹ?
"Con cần phải sống với bố mẹ để có sợi dây tình cảm, bố mẹ cũng cần phải có trách nhiệm bên cạnh để nuôi dạy con. Việc cho con học chỉ là một phần, còn việc dạy dỗ con thành người mới là thứ quan trọng nhất. Cho con đi du học xa nhà tất nhiên sẽ tiếp thu được những điều hay ho, nhưng trẻ lúc nào cũng sẽ cảm thấy thiếu thốn và trống vắng.
Một đứa trẻ phải lớn lên bươn chải, độc lập từ nhỏ, sợi dây kết nối với gia đình lỏng lẻo rất dễ dẫn tới một số vấn đề về tinh thần. Tôi từng chứng kiến những em thậm chí bị trầm cảm".
Với quan điểm cho rằng, du học sớm giúp các em nâng cao khả năng tự lập như tự biết cách chăm sóc bản thân, chị Khanh nhận định, kỹ năng tự lập là một quá trình rèn luyện đường dài trong 5 năm, 10 năm. Trẻ sống bên cạnh cha mẹ, được ôm ấp, chăm lo... vẫn có thể tự lập được, thậm chí còn có thể tự lập hơn cả khi một mình ở nơi đất khách quê người.
Một "truyền thuyết" khác được truyền tai đó là đi du học sớm trẻ sẽ hòa nhập nhanh. Theo TS, khi quá bỡ ngỡ, ngược lại, trẻ còn có thể dễ bị sốc văn hóa. "Mình chỉ có thể hòa nhập nhanh khi hiểu tốt bản thân mình, có một nền tảng vững chắc... Còn khi chính các em còn chưa biết mình là ai, trẻ sẽ rất hỗn loạn khi tiếp nhận giá trị mới, nền văn hóa, cách sống mới", chị nói.
Chúng ta đang sống ở thế giới phẳng, ngồi ở đâu cũng có thể tiếp nhận được tri thức toàn thế giới. Vì thế, các bậc cha mẹ không nhất thiết phải cho con du học sớm để rèn luyện tiếng Anh. Nhiều học sinh ở Việt Nam được đầu tư học ngoại ngữ đúng cách vẫn có thể nói và sử dụng tiếng Anh không thua kém học sinh bản xứ.
Theo TS Yến Khanh, thông thường, 18 tuổi sẽ là mốc thời điểm phù hợp để cho con bắt đầu một cuộc sống mới xa gia đình. Tuy nhiên, con số này cũng không mang tính tuyệt đối, bởi không phải đứa trẻ nào khi được 18 tuổi cũng hội tụ đủ những yếu tố để trở thành du học sinh.
Quan trọng hơn độ tuổi, theo chị, bạn trẻ đó cần phải được chuẩn bị, rèn luyện để có được tâm sinh lý vững vàng, sự độc lập, chủ động được trong cuộc sống, có thể tự lo được cho bản thân từ những sinh hoạt đời thường cho tới chủ động trong việc kết nối, giao lưu với bạn bè, thầy cô…
Vì vậy, khi quyết định cho con đi du học, cha mẹ cần lưu ý đảm bảo con có những kỹ năng quan trọng, trong đó có 3 kỹ năng sau:
Thứ nhất, kỹ năng tự lập: Tự lập là biết chăm lo cho bản thân mình, xử lý những vấn đề trong cuộc sống. Chẳng hạn, tìm được nhà để thuê; mua sắm nội thất (nếu nhà trống); mua dụng cụ đồ dùng cá nhân; xe đạp và phương tiện di chuyển cá nhân; các thể loại vé, thẻ, giấy tờ... Đây đều là những vấn đề khó khăn nếu bản thân đứa trẻ không có khả năng tự xử lý.
"Bản thân tôi đi du học Thạc sĩ từ năm 26 tuổi; Du học TS từ năm 39 tuổi và 45 tuổi chuyển sang sống ở Hà Lan, nhưng những việc nho nhỏ ở trên cũng khiến tôi khá căng thẳng. Đến tận 6 tháng mới thấy tạm ổn. Vì vậy, việc rèn kỹ năng tự lập là vô cùng quan trọng", chị Khanh nói.
Thứ hai, kỹ năng học tập: Nhiều phụ huynh cũng chú trọng xây hồ sơ để xin học bổng, hoạt động ngoại khóa để "làm màu", nhưng thứ quan trọng nhất để tồn tại ở môi trường học đường nước ngoài chính là kỹ năng học tập thì nhiều cha mẹ chưa nhận thức đủ để trang bị cho con.
Chị Khanh nói: "Tôi từng dạy ĐH ở Việt Nam và hiện tại thì dạy ở Hà Lan, tôi nhận thấy một điều, các bạn sinh viên Việt Nam rất thiếu kỹ năng học tập. Với một bài luận, các em không biết phải đọc, tổng hợp tài liệu như thế nào; trích dẫn, sử dụng nguồn nghiên cứu như thế nào. Kỹ năng viết, trình bày kiến thức, thông tin như thế nào cũng vô cùng hạn chế. Rồi kỹ năng sắp xếp thời gian, kỹ năng cuộc sống để phân chia vui chơi, học hành... cũng tương tự. Đấy là những thứ cha mẹ cần chú trọng hơn".
Thứ ba, kỹ năng hòa nhập: Đó chính là nhận biết cá nhân mình có những tính cách, giá trị sống gì. Và mình phải hiểu những nền văn hóa mà mình chuẩn bị bước chân vào. Họ có những đặc điểm gì, mình khác với họ ra sao; cần giữ những giá trị gì của mình, cần tôn trọng, tiếp nhận những giá trị mới nào để có thể hòa nhập được trong cuộc sống...
TS Khanh cho rằng, nếu chưa sẵn sàng cho con đi du học sớm nhưng vẫn muốn con làm quen với môi trường quốc tế, có cơ hội cọ xát để chuẩn bị cho việc du học sau này, cha mẹ có thể cho con đi trại hè đôi ba tuần, hoặc du học ngắn hạn vài tháng.
Theo chị, hiện nay, nhiều bạn nhỏ ở các thành phố lớn đã được học tiếng Anh, hay học song ngữ, quốc tế từ mẫu giáo, lên cấp 2 tiếng Anh đã rất khá, nên nhiều phụ huynh bây giờ không còn hứng thú bỏ ra hàng trăm triệu cho con đi trại hè mấy tuần chỉ để học tiếng Anh. Họ muốn con có những trải nghiệm khác.
"Hồi còn làm nghiên cứu sinh ở New Zealand, tôi thấy có hình thức du học ngắn hạn thú vị mà nhiều bố mẹ ở Việt Nam chưa biết đến. Đó là các bạn nhỏ sang New Zealand học 1 học kỳ 2-3 tháng tại trường phổ thông ở New Zealand và ở homestay tại gia đình địa phương. Với hình thức du học ngắn hạn này, các bạn được thực sự được trải nghiệm hòa mình vào môi trường một lớp học bình thường, học cùng với các bạn học sinh địa phương.
Du học trao đổi văn hóa ở Mỹ cũng theo hình thức này, nhưng các bạn dứt khỏi gia đình hẳn 1 năm, tôi thấy vẫn hơi dài và có thể ảnh hưởng đến kế hoạch du học sau phổ thông. Cá nhân tôi thích những trại hè mà các bạn được đi điền dã, rèn luyện, khám phá, hướng nghiệp theo chủ đề, sở thích", chị Khanh chia sẻ.
TS này cho rằng, trong các chiến lược làm cha mẹ, chị rất tâm đắc với chiến lược scaffolding (tạm dịch là chiến lược giàn giáo/bệ đỡ). Khi cha mẹ tạo ra những hệ thống hỗ trợ, và tạo ra những thử thách từ cấp độ dễ, rồi khó dần lên, để con được bước ra khỏi comfort zone (vùng an toàn) và tự lập từng bước, rồi cha mẹ rút dần những giàn giáo hay hệ thống hỗ trợ đi để con độc lập hoàn toàn.
Và, những chuyến Summer camp (trại hè), con đi xa cha mẹ, sống tự lập ngắn ngày, trải nghiệm những vất vả, thử thách sẽ giúp con cứng cáp, tự tin hơn khi phải một mình đối mặt với cuộc sống, học tập du học ở xứ người.
"Du học tất nhiên cực kỳ có lợi, tuy nhiên nếu phải trả những cái giá quá đắt thì thực sự không đáng. Gia đình và các bạn trẻ cần phải hiểu bản thân mình, căn cứ vào năng lực học tập, tài chính và tâm lý để quyết định", chị cho biết.
Theo dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước sẽ không được rót vốn vào bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, các quỹ đầu tư mạo hiểm, công ty quản lý chứng khoán... trừ đơn vị có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, kinh doanh trong các lĩnh vực này.
Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil, đã dùng tiền để mua chuộc cán bộ. Sau khi nhận 250.000 USD từ Hạnh, 2 cựu Vụ phó và Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã đồng ý tạo điều kiện giúp Xuyên Việt Oil đáp ứng các điều kiện để được cấp lại giấy phép.
Trong Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đề xuất đánh thuế tuyệt đối ở mức rất cao đối với xì gà.
Thời gian qua, lượng khách đặt mua vé máy bay Tết đang có xu hướng tăng cao. Vì thế, các hãng đã có kể hoạch điều chỉnh, bổ sung tăng tải để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Chỉ còn một thời gian ngắn nữa là Việt Nam sẽ có điện từ khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), đánh dấu cột mốc quan trọng trong ngành năng lượng và năng lượng sạch, giảm phát thải carbon và chuyển đổi kinh tế xanh.
Cột mốc 100.000 USD/1 Bitcoin đã đến rất gần vì giá loại tiền điện tử này tăng vô cùng chóng mặt thời gian gần đây trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump muốn Mỹ trở thành trung tâm tiền số của thế giới.