Du lịch Tây Ninh: “Kết nối hai Bà” khắc phục nhược điểm văn hóa tâm linh và lợi ích kinh tế

Nguyên Vỹ Thứ năm, ngày 28/04/2022 14:58 PM (GMT+7)
“Kết nối hai Bà” là đề xuất hết sức táo bạo và mới mẻ của GS. TS. Trần Ngọc Thêm tại hội thảo khoa học Nhận diện bản sắc văn hóa và truyền thống gia đình tỉnh Tây Ninh tổ chức ngày 28/4, tại TP.Tây Ninh.
Bình luận 0

"Kết nối hai Bà" để phát triển du lịch Tây Ninh

Khu du lịch núi Bà Đen luôn là tâm điểm của du lịch Tây Ninh. Theo số liệu của UBND tỉnh Tây Ninh, lượng khách hàng năm đến núi Bà Đen luôn đạt gần 91% tổng du khách.

GS. TS. Trần Ngọc Thêm đề xuất thực hiện Chiến lược tăng tốc phát triển du lịch Tây Ninh giai đoạn 2022-2030 dưới dạng một hệ thống giải pháp. Trong đó có giải pháp hoàn thiện Khu du lịch núi Bà Đen.

Gần đây, với việc đưa hệ thống cáp treo đi vào hoạt động, Khu du lịch Núi Bà Đen đang là một điểm đến rất thành công về mặt du lịch. 

Hệ thống cáp treo lên khu du lịch Núi Bà Đen. Ảnh: T.L

Hệ thống cáp treo lên khu du lịch Núi Bà Đen. Ảnh: T.L

Tuy nhiên, theo GS. Thêm, về mặt văn hóa thì tâm đểm du lịch Tây Ninh đang đứng trước một nghịch lý lớn.

Đó là nghịch lý giữa một bên là hình tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn tạo mới, còn khá xa lạ. Với bên kia là bản sắc đa dạng phong phú của văn hóa bản địa Tây Ninh thể hiện qua hình tượng Bà Đen.

Hình tượng Bà Đen là tín ngưỡng được khắc sâu trong lòng người dân Tây Ninh nói riêng, và Nam Bộ nói chung về một Linh Sơn Thánh Mẫu thiêng liêng.

GS. Thêm phân tích, trên đỉnh Khu du lịch Núi Bà Đen hiện có 2 tuyến cáp treo.

Một tuyến cáp treo lên đỉnh núi chiêm ngưỡng tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn. Một tuyến cáp treo lên lưng chừng núi chiêm bái Linh Sơn Thánh Mẫu.

"Việc tách riêng 2 tuyến cáp treo này càng tạo nên sự đối lập và xa cách giữa một bên là bản sắc văn hóa truyền thống với bên kia là giá trị tân tạo", GS. Thêm nhận định.

Để khắc phục nghịch lý và thiếu sót này, GS. Thêm đề xuất giải pháp mà ông cho là tốt nhất: Xây dựng thêm một tuyến cáp treo thứ 3.

Chùa Bà ở lưng chừng núi. Ảnh: T.L

Chùa Bà ở lưng chừng núi. Ảnh: T.L

Theo đó, tuyến cáp treo thứ 3 sẽ nối Ga Chùa Hang (nơi thờ Bà Đen ở lưng chừng núi) với ga Vân Sơn (nơi dựng tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn trên đỉnh núi).

"Bằng cách này, chúng ta tiến hành một công việc rất quan trọng về văn hóa và tâm linh là kết nối hai Bà lại với nhau", GS. Thêm cho biết.

Theo GS. Thêm chia sẻ, quá trình du nhập tín ngưỡng thờ nữ thần Mariamman của người Ấn Độ, hòa nhập với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt và người Khmer là một quá trình gồm 2 bước: Bản địa hóa và Phật giáo hóa.

Quá trình Phật giáo hóa đến nay gồm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 diễn ra khi Bà Đen trở thành Linh Sơn Thánh Mẫu.

Giai đoạn 2 đang diễn ra khi Linh Sơn Thánh Mẫu, với tính thiết thực và bao dung đã tiếp nhận Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn, và nhường cho Phật Bà vị trí "chiếu trên".

Việc xây dựng tuyến cáp treo thứ 3 nối Ga Chùa Hang với ga Vân Sơn sẽ thực hiện nhiệm vụ Đạo thiêng liêng là "kết nối hai Bà" lại với nhau.

Đồng thời, việc này còn thực hiện nhiệm vụ Đời thiết thực là giúp làm tăng lượng du khách đến cả 2 địa điểm.

Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn trên đỉnh núi. Ảnh: T.L

Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn trên đỉnh núi. Ảnh: T.L

Trên tổng thể, GS. Thêm nhận định, dự án Hoàn thiện Khu du lịch núi Bà Đen như đề xuất là phương án vẹn toàn.

Thứ nhất, cho phép giải tỏa được tâm lý bức xúc của dân chúng Tây Ninh nói riêng và Nam Bộ nói chung.

Thứ hai, giúp mang lại lợi ích kinh tế gấp đôi cho địa phương và chủ đầu tư.

Thứ ba, giúp khắc phục được sai sót về văn hóa và tâm linh một cách êm đẹp.

Về mặt thi công, GS. Thêm tin rằng chủ đầu tư sẽ giải quyết công việc này một cách dễ dàng và nhanh chóng.

Khai thác giá trị Tòa Thánh và ẩm thực phục vụ du lịch Tây Ninh

Nhắc đến du lịch Tây Ninh, nhiều du khách mong muốn tham quan tìm hiểu, khám phá kiến trúc Tòa Thánh, cũng như giáo lý căn bản của đạo Cao Đài.

Có thể nói, công trình kiến trúc Đền Thánh trong nội ô Tòa thánh Tây Ninh là công trình kiến trúc tâm linh độc đáo với các ý nghĩa mang triết lý phương Đông.

Tín đồ Cao Đài tham gia lễ cúng rằm tháng 8 trước Đền thánh Toà thánh Cao Đài Tây Ninh. Ảnh: Thiện Nhân

Tín đồ Cao Đài tham gia lễ cúng rằm tháng 8 trước Đền thánh Toà thánh Cao Đài Tây Ninh. Ảnh: Thiện Nhân

Hằng năm, đạo Cao Đài có 2 ngày lễ lớn đó là ngày vía Đức Chí Tôn (vào mùng 8 tháng Giêng âm lịch) và ngày lễ Hội Yến Diêu Trì Thánh Mẫu (vào đêm rằm tháng 8 âm lịch).

Mặc dù là lễ hội của tôn giáo, những ngày này đã trở thành những ngày hội của người dân vùng Tây Ninh và các tỉnh Nam Bộ. Thậm chí là tất cả khách du lịch ở mọi miền đất nước đều tìm đến tham dự.

TS. Nguyễn Minh Mẫn, Đại học Sư phạm TP.HCM cho rằng, khai thác giá trị văn hóa tín ngưỡng – tôn giáo của Tòa thánh Tây Ninh để thu hút khách tham quan cần được ngành du lịch Tây Ninh quan tâm hơn nữa.

"Thực tế cho thấy, việc kết hợp với lễ hội Núi Bà Đen hằng năm, các lễ hội của Tòa thánh Tây Ninh thu hút được rất đông đảo du khách tham quan", TS. Mẫn nói.

ThS. Phan Mạnh Dương, Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam thì cho rằng, ẩm thực của tỉnh Tây Ninh rất đa dạng, phong phú, hấp dẫn du khách. Đây là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển du lịch Tây Ninh.

Những năm qua, du lịch Tây Ninh được quan tâm khai thác và đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, du lịch nói chung và du lịch ẩm thực Tây Ninh nói riêng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Việc khai thác các giá trị văn hóa ẩm thực để phát triển sản phẩm du lịch Tây Ninh vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn.

Bánh tráng phơi sương, một trong những đặc sản ẩm thực của Tây Ninh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Bánh tráng phơi sương, một trong những đặc sản ẩm thực của Tây Ninh. Ảnh: Nguyên Vỹ

ThS. Dương đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh cần đưa du lịch ẩm thực trở thành một loại hình du lịch.

"Mặc dù ẩm thực thuộc phạm trù văn hóa, song do tính đặc thù và hữu ích của nó nên cần tách thành loại hình riêng, không nằm trong du lịch văn hóa", ThS. Dương nói.

Ông Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy tỉnh Tây Ninh cho biết, Tây Ninh là một trong những địa phương đầu tiên ở phía Nam tổ chức hội thảo khoa học Nhận diện bản sắc văn hóa và truyền thống gia đình.

Một trong những nhiệm vụ của hội thảo là nhận nhằm nhận diện bản sắc văn hóa Tây Ninh. Từ đó, tích hợp nguồn lực đa dạng để tăng tốc phát triển du lịch Tây Ninh.

Tây Ninh ghi nhận đội ngũ các nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu cho địa phương.

"Thành công của hội thảo hôm này là thành công bước đầu cho cả 1 hình trình dài tiếp theo vì việc nhận diện bản sắc không phải ngày một ngày hai", ông Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy tỉnh Tây Ninh chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem