Đưa công nghệ vào sản xuất, làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông hướng đến xuất khẩu

Hoàng Giang Chủ nhật, ngày 21/08/2022 19:27 PM (GMT+7)
Bằng việc đưa trang thiết bị công nghệ vào sản xuất theo dây chuyền khép kín, làng bánh tráng Phú Hòa Đông từng bước đổi mới đáp ứng xu hướng thị trường.
Bình luận 0

Tăng năng suất, giảm chi phí

Tại xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi có một làng nghề đã tồn tại hàng trăm năm, đó là làng nghề bánh tráng. Qua nhiều thế hệ, tráng bánh là cái nghề của hầu hết người dân khu vực này. 

Họ phải thức khuya dậy sớm tráng bánh rồi chờ trời nắng đem bánh ra phơi. Công việc cực nhọc đôi khi bị đình trệ vì thời tiết. Điều đó ảnh hưởng nhiều đến công tác sản xuất và thu nhập người dân.

Đưa công nghệ vào sản xuất, bánh tráng Phú Hoà Đông hướng đến xuất khẩu - Ảnh 1.

Các công nhân thực hiện dỡ bánh tráng khỏi khuôn.

Theo ông Lâm Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND Xã Phú Hòa Đông, nhiều hộ chuyển từ bánh tráng bằng tay sang làm bánh tráng bằng máy móc hiện đại. Nhờ đó mà năng suất được tăng lên đáng kể mà vẫn đảm bảo chất lượng VSAT.

Với việc trang bị thêm máy móc vào sản xuẩt bánh tráng, quy trình kỹ thuật sản xuất bánh tráng khá đơn giản. Đầu tiên người ta sẽ ngâm nguyên liệu, sau đó nghiền thành dạng bột, tùy vào từng loại sản phẩm mà quá trình nghiền và chế biến khác nhau, sau đó bột được tạo hình và được hấp trên những tấm kim loại nóng hoặc hấp trong thiết bị gia nhiệt hơi nước. 

Hầu hết các quy trình sản xuất bánh tráng đều tương đối giống nhau, chỉ khác nhau ở một số giai đoạn nhất định, quyết định cấu trúc và hình dạng sản phẩm.

Đưa công nghệ vào sản xuất, bánh tráng Phú Hoà Đông hướng đến xuất khẩu - Ảnh 2.

Dây chuyền sản xuất khép kín đảm bảo an toàn vệ sinh, nâng cao năng xuất và chất lượng sản phẩm.

Máy tráng bánh hiện nay đang được đưa vào sản xuất rất rộng rãi vì không chỉ tạo năng suất cao, bánh ngon hơn, dẻo, dai hơn mà còn đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm. Tránh được ẩm mốc, tạo độ khô vừa phải, giúp làm gỏi cuốn thơm ngon hơn. Năng suất trung bình mỗi máy sản xuất bánh tráng từ 2.000 – 3000 bánh/giờ.

Hướng tới xuất khẩu

Chị Nguyễn Thị Huyền, chủ một cơ sở sản xuất bánh tráng ở xã Phú Hòa Đông cho biết trước đây, các công đoạn để làm ra bánh tráng thành phẩm tốn khá nhiều thời gian. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng yếu tố thời tiết, các sản phẩm không đạt chất lượng theo yêu cầu. Nay sử dụng các máy móc dây chuyền sản xuất giúp năng suất tăng đáng kể, chất lượng sản phẩm được nâng cao.

Cùng với đó, chi phí sản xuất cũng giảm đáng kể só với việc thuê nhân công tráng bánh bằng tay. Không chỉ vậy, các sản phẩm sản xuất dây chuyền khép kín này đảm bảo chất lượng để xuất khẩu, đưa bánh tráng Phú Hoà Đông ra quốc tế.

Dây chuyền sản xuất bánh tráng tại xã Phú Hoà Đông.

Theo tiết lộ của chủ cơ sở sản xuất bánh tráng, để đầu tư dây chuyền sản xuất này các lò bánh tráng phải đầu tư vài trăm triệu đồng. Đồng thời nhà xưởng phải đủ rộng để bố trí máy móc và dây chuyền sản xuất. Vì thế, hiện nay vẫn còn nhiều cơ sở tráng bánh thủ công tại gia khi không có đủ nguồn vốn để đầu tư trang thiết bị và thuê mặt bằng mở xưởng.

Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, bánh tráng nơi đây đã có một hướng đi mới, đó làm làm bánh tráng xuất khẩu, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống kinh tế cho người dân nơi đây.

Làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi, TP.HCM) có 7 doanh nghiệp sản xuất bánh tráng xuất khẩu, 59 cơ sở sản xuất bánh tráng máy, 1 HTX làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông, 15 hộ sản xuất thủ công, 06 cơ sở thu mua bánh tráng. Tổng số lao động tham gia sản xuất thường xuyên trên 3.000 lao động, thu nhập bình quân đạt 6 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông có 2 hình thức sản xuất là tráng bánh thủ công (tráng tay) và tráng máy. Tuy nhiên, loại hình tráng tay chỉ còn để phục vụ mục đích du lịch trải nghiệm, đa số các hộ đã chuyển sang hình thức tráng máy.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem