F0 tăng mạnh, trường học linh hoạt xây dựng tổ Covid-19 tại từng lớp

Mỹ Quỳnh Thứ sáu, ngày 04/03/2022 06:39 AM (GMT+7)
Gần 36.000 học sinh trở thành F0 sau khi TP.HCM cho phép toàn bộ các cấp quay trở lại học tập trực tiếp. Để ứng phó,có trường đã thành lập mô hình tổ phòng chống Covid-19 do chính học sinh thực hiện.
Bình luận 0

Sau khoảng 3 tuần cho phép học sinh từ khối mầm non đến lớp 6 được đi học trực tiếp cùng các khối lớp khác, TP.HCM ghi nhận hơn 35.000 trường học sinh nghi mắc Covid-19. Dù hầu hết ca nghi mắc đều phát hiện tại nhà, nhưng đây vẫn là con số rất cao. Điều này cũng chứng tỏ rằng, mức độ phát sinh, lây lan dịch bệnh trong môi trường học tập tập trực tiếp là không thể xem thường.

Để phòng, chống dịch Covid-19 cũng như hạn chế sự lây lan tại trường lớp, mỗi trường có một phương án thực hiện khác nhau. Nhìn chung, các trường đều dựa trên nguồn nhân lực để thường xuyên nhắc nhở học sinh giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, khử khuẩn... cũng như trang bị thiết bị cần thiết, sẵn sàng ứng phó đại dịch.

Thành lập tổ Covid-19

Với trường THCS Nguyễn Du (quận 1), nhận thấy các ca F0 xuất hiện nhiều trong 2 tuần đầu kể từ khi học sinh lớp 6 được đến trường trở lại, nhà trường đã đưa ra ý tưởng thành lập tổ Covid-19 trong từng lớp học.

Cụ thể, mỗi lớp sẽ phân chia thành nhiều tổ, mỗi tổ chỉ từ 3-4 em ngồi gần nhau. Ngoài việc học, các em sẽ cùng quan sát, theo dõi sức khỏe lẫn nhau để kịp thời phát hiện những trường hợp có biểu hiện nghi mắc Covid-19.

F0 tăng mạnh, trường học linh hoạt xây dựng tổ Covid-19 tại từng lớp - Ảnh 1.

Tổ Covid-19 tại trường giúp học sinh quan sát, nắm bắt tình hình sức khỏe của nhau và báo giáo viên chủ nhiệm khi có trường hợp nghi mắc Covid-19. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Nhiệm vụ quan trọng của các bạn học sinh trong tổ Covid-19 là nhắc nhở khi thấy bạn mình ngồi quá gần nhau quên giữ khoảng cách, khi không đeo khẩu trang... Đồng thời, các bạn sẽ nhắc nhở nhau rửa tay (bằng máy hoặc tự rửa) trước khi ăn trưa bán trú. Sau khi ăn xong, các bạn trong tổ Covid-19 nhắc nhau súc miệng bằng nước muối, thay khẩu trang rồi đi ngủ. Sau giờ ngủ, các bạn cùng nhau súc miệng nước muối, uống nước ấm, thay khẩu trang rồi mới vào giờ học buổi chiều.

Trong quá trình này, nếu phát hiện bạn nào bị mệt, có các triệu chứng nghi mắc Covid-19, thành viên tổ Covid-19 sẽ lập tức báo cho giáo viên chủ nhiệm của lớp để tiến hành các bước tiếp theo.

F0 tăng mạnh, trường học linh hoạt xây dựng tổ Covid-19 tại từng lớp - Ảnh 2.

Giáo viên liên tục nhắc nhở học sinh thực hiện 5K để phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Vì học sinh cận kề nhau, dễ quan sát hơn nên thông qua hoạt động này, giáo viên chủ nhiệm và nhà trường dễ dàng nắm bắt tình hình sức khỏe của các em. Chưa kể, hoạt động này cũng giúp giáo viên giảm bớt áp lực khi vừa chống dịch, vừa dạy học.

Nhân viên y tế trường học chủ động xử lý dịch Covid-19

Sở Y tế TP.HCM vừa có kiến nghị trong báo cáo về hoạt động phòng chống dịch Covid-19 trong trường học gửi Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc Hội và HĐND TP.HCM. Trong đó, đề xuất nhân viên y tế trường học được chủ động tham gia phòng chống dịch, lấy mẫu xét nghiệm, hỗ trợ trạm y tế xử lý dịch tại trường học khi mà cơ sở y tế của TP đang quá tải.

F0 tăng mạnh, trường học linh hoạt xây dựng tổ Covid-19 tại từng lớp - Ảnh 3.

Bữa trưa bán trú tại trường THCS Nguyễn Du (quận 1). Ảnh: Nhà trường cung cấp

Theo Sở Y tế TP.HCM, thời gian qua, công tác phòng, chống Covid-19 của các cơ sở giáo dục khi tổ chức dạy học trực tiếp được thực hiện tốt. Các cơ sở giáo dục cũng chủ động giám sát và theo dõi sức khỏe học sinh khi vắng học, kịp thời ghi nhận và phát hiện các trường hợp nghi mắc Covid-19.

Với số ca nghi nhiễm Covid-19 tại trường học gia tăng hiện nay, số lượng cơ sở giáo dục trên địa bàn xã, phường nhiều đã tạo áp lực công việc cho trạm y tế địa phương trong việc theo dõi F0, F1 và hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại cơ sở giáo dục.


Ngoài ra, một số trường có sĩ số học sinh quá đông trong một lớp làm cho công tác phòng ngừa dịch bệnh tại trường học khó đảm bảo. Mặt khác, tình trạng phụ huynh học sinh thực hiện xét nghiệm tầm soát khi con chưa có triệu chứng, dẫn đến lãng phí nguồn lực để xử lý những trường hợp dương tính giả.

Sở Y tế đề nghị Sở GD-ĐT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế trong việc giám sát chủ động và thực hiện các quy trình xử lý các trường hợp nghi nhiễm trong trường học.

Ngoài ra, phải tăng cường các biện pháp truyền thông cho phụ huynh học sinh và đảm bảo công tác báo cáo kịp thời cho Sở Y tế về những trường hợp cần hỗ trợ đặc biệt. Ví dụ chùm ca bệnh hoặc những trường hợp bệnh nhi cần nhập viện chăm sóc y tế… để Sở Y tế có cơ sở và thông tin, chủ động thực hiện các biện pháp xử lý dịch và điều trị kịp thời, thực hiện mục tiêu đảm bảo hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em.


Theo báo cáo Sở Y tế TP.HCM, trong hai tuần từ 15/2 đến 2/3, tổng số ca nghi nhiễm Covid-19 ở học sinh các khối từ mầm non, Tiểu học, THCS, THPT là 35.769 ca. Trong đó, nhiều nhất là ở khối tiểu học với 17.275 ca (2,6%), sau đó là THCS với 9.701 ca (2,4%), THPT là 7.051 ca (3,1%).

Số trường hợp nghi nhiễm chung toàn thành phố ở học sinh là 2,3% (khối mầm non dưới 1%, tiểu học: 2,6%, THCS: 2,4% và THPT: 3,1%). Trong đó các địa phương có số lượng phát hiện ca nghi nhiễm cao nhất bao gồm các quận 1, 12, Bình Thạnh, Tân Phú và TP.Thủ Đức.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem