Giải pháp đột phá phát triển nhà ở xã hội: Cần đơn giản hóa nhiều thủ tục và tính toán giảm giá thành

Mỹ Quỳnh Thứ ba, ngày 28/03/2023 12:20 PM (GMT+7)
Tại Hội thảo "Đột phá nhà ở xã hội" do báo Người lao động tổ chức, nhiều ý kiến đưa ra về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để có thể phát triển nhà ở cho công nhân, lao động có thu nhập thấp.
Bình luận 0

Nhiều điểm nghẽn trong xây dựng nhà ở xã hội

Chia sẻ tại hội thảo, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, hiện có nhiều điểm nghẽn trong câu chuyện về nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp. Trong đó, điểm nghẽn về xác định đối tượng nhà ở xã hội là điều rất cần tháo gỡ.

undefined - Ảnh 1.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NLĐ

Theo ông Châu, đối tượng mua được nhà ở xã hội là người không đóng thuế thu nhập cá nhân. Như vậy, chỉ cần người lao động đóng thuế thu nhập cá nhân thì sẽ không thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội.

Trong khi đó, trên thực tế, có rất nhiều người đóng thuế thu nhập cá nhân nhưng không đồng nghĩa với việc họ có thu nhập cao, có khả năng mua nhà ở thương mại.

Ông Châu cho biết thêm, trong dự thảo Luật Nhà ở hiện nay bổ sung nhà ở, nhà lưu trú công nhân trong các khu công nghiệp, nhưng thiếu nhà lưu trú nằm ngoài khu công nghiệp. Ví dụ, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP.HCM) là công ty có hàng chục ngàn công nhân, nằm ngoài khu công nghiệp nhưng không có nhà lưu trú cho công nhân.

Ông Châu nhận định, để giải quyết câu chuyện về nhà ở xã hội, cần phải có sự đột phá về quỹ đất và chính sách tín dụng, đối tượng. Đặc biệt, sẽ phải đơn giản hóa nhiều thủ tục đầu tư nhà ở xã hội.

Trong khi đó, ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, hiện có nhiều vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM. Lĩnh vực này cũng chịu tác động của 6 đạo luật nhưng các thông tư, hướng dẫn chi tiết lại không có nên ảnh hưởng đến quá trình phát triển dự án nhà ở xã hội.

undefined - Ảnh 1.

Ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng TP.HCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NLĐ

"Một thực tế hiện nay là dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng phải làm thủ tục tính toán này xong mới được miễn. Ngoài ra, còn phải kiểm tra đối tượng được mua nhà ở xã hội, thẩm định giá bán. Những việc này kéo dài thời gian làm thủ tục, không hấp dẫn nhà đầu tư", ông Hồ nói.

Ngoài ra, ông Hồ cho rằng, nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội cũng hạn chế, gói tín dụng thời gian qua không đủ để nhà đầu tư kéo giá thành xuống. 

Hiện thành phố đã hệ thống lại và ban hành quy trình thủ tục làm dự án nhà ở xã hội, làm rõ ràng các bước ở các cơ quan để thành phố kiểm soát tiến độ, nhà đầu tư biết lộ trình, quy chế phối hợp giữa các sở, ban ngành. TP.HCM cũng công bố chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, góp phần vào việc thực hiện đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp mà Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ.

Giải pháp đột phá phát triển nhà ở xã hội: Cần đơn giản hóa nhiều thủ tục và tính toán giảm giá thành - Ảnh 4.

Công nhân lập nghiệp tại TP.HCM hàng chục năm nhưng không thể mua nổi nhà ở xã hội. Ảnh: Mỹ Quỳnh

"Trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tính toán thiết kế nhà ở xã hội để giảm giá thành. Ngoài ra, sở sẽ tham mưu đề án hình thành quỹ tiết kiệm nhà ở, trong đó có cơ chế trích tiền lương đưa vào từ 2-3 năm để có quỹ nhà ở xã hội trong tương lai", ông Hồ chia sẻ.

Đơn giản hóa nhiều thủ tục đầu tư nhà ở xã hội

Chia sẻ tại hội thảo, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đồng ý với ý kiến của các chuyên gia đã trao đổi về khó khăn, vướng mắc khi phát triển nhà ở xã hội. Ông cho rằng, các nguyên nhân chính ảnh hưởng phát triển nhà ở xã hội hiện nay là: cơ chế chính sách; quỹ đất; nguồn vốn; trình tự thủ tục đầu tư; nguyên tắc xác định giá bán, xác định đối tượng mua, thuê mua và vấn đề thanh tra, kiểm tra...


undefined - Ảnh 1.

Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng chia sẻ một số nhóm nguyên nhân chính ảnh hưởng phát triển nhà ở xã hội. Ảnh chụp màn hình

Được biết, những nội dung này đã được Bộ Xây dựng tổng kết đánh giá và điều chỉnh trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10.

Đối với mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội, ông Hưng cho rằng, việc đầu tiên là cần phải hoàn thiện thể chế chính sách. Hiện tại, Bộ Xây dựng đang sửa đổi Luật Nhà ở 2014.

Trong đó, về quỹ đất chưa đảm bảo nhu cầu, sắp tới các doanh nghiệp có quỹ đất thuộc sở hữu hợp pháp thì được chỉ định làm chủ đầu tư khi phù hợp quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở. 

Về trình tự thủ tục đầu tư nhà ở xã hội (hiện các thủ tục bị vướng mắc, khó khăn, thậm chí là nhiều thủ tục hơn dự án thương mại), những dự án nhà ở xã hội được Nhà nước ưu đãi như miễn tiền sử dụng đất, theo dự thảo sắp tới không thực hiện thủ tục miễn tiền sử dụng đất. Thủ tục này doanh nghiệp phản ánh mất 1-2 năm.

Đối với việc lựa chọn chủ đầu tư theo pháp luật đấu thầu sẽ được cắt giảm nhiều thủ tục.

Ngoài ra, ông Hưng cho biết, dự kiến đối với đối tượng được thuê nhà ở xã hội không phải đảm bảo nhiều điều kiện như hiện nay, chỉ tính thu nhập từ tiền lương, tiền công chứ không phải tổng thu nhập. Đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội thì quy định chưa có nhà ở hoặc diện tích trung bình dưới 10m2/người. Như vậy, dự thảo cắt giảm nhiều thủ tục về khâu xác định đối tượng thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

Giải pháp đột phá phát triển nhà ở xã hội: Cần đơn giản hóa nhiều thủ tục và tính toán giảm giá thành - Ảnh 7.

Những khu trọ công nhân, lao động thu nhập thấp đang ở. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Đối với nguồn vốn, ông Hưng thừa nhận, trong thời gian qua có hành lang pháp lý để đảm bảo nguồn vốn, người dân, doanh nghiệp được tiếp cận nhưng trong quá trình thực hiện thì không cân đối đủ để cho chủ đầu tư, người dân vay. Sau khi kết thúc gói 30.000 tỉ đồng, nguồn vốn cũng có hạn chế, chỉ có ngân hàng chính sách xã hội được bố trí nhưng cũng thấp hơn so với nhu cầu.

Theo đó, nguồn vốn, các gói hỗ trợ kết thúc mà chưa có gói khác thì đứt gãy nguồn cho chủ đầu tư, người dân, việc này cũng vượt thẩm quyền của bộ và bộ cũng đề xuất lên cấp cao hơn.

"Về cơ chế chính sách, nguồn vốn thủ tục đầu tư, nếu Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua vào kỳ họp tháng 10 thì sẽ trình nghị quyết thí điểm về phát triển nhà cho công nhân, có hiệu lực sớm hơn luật nhà ở. Đối với đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã giải trình Chính phủ và dự kiến ban hành ngay trong tháng 3 để có có sở thực hiện. Ngoài ra, gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ sớm triển khai để tăng nguồn lực phát triển nhà ở xã hội", ông Hưng cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem