Gỡ "điểm nghẽn" pháp lý, khơi thông thị trường bất động sản TP.HCM

Hồng Trâm Thứ tư, ngày 21/12/2022 10:02 AM (GMT+7)
Khó khăn về pháp lý chính là nỗi ám ảnh lớn nhất của nhiều doanh nghiệp. Không gỡ được điểm nghẽn này, doanh nghiệp không thể ra mắt dự án mới, nguồn cung sản phẩm trên thị trường bị sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là sản phẩm nhà giá rẻ.
Bình luận 0

Điểm nghẽn pháp lý làm "tê liệt" nguồn cung bất động sản

Thời gian qua, thị trường bất động sản TP.HCM ảm đạm, tê liệt vì đối mặt nhiều khó khăn như sức mua và thanh khoản giảm mạnh. Bên cạnh đó, khó khăn về pháp lý khiến doanh nghiệp không thể ra mắt dự án mới, nguồn cung sản phẩm trên thị trường bị sụt giảm... 

CBRE Việt Nam cho biết, quý 3/2022 thị trường nhà ở (trong đó gồm cả chung cư và nhà phố, biệt thự), nguồn cung sụt giảm mạnh khi chỉ vài trăm căn được tung ra. Những khó khăn tiếp tục diễn ra là nguồn cung hạn chế, đặc biệt là phân khúc trung cấp và bình dân không có nhiều lựa chọn. Chính sách thắt chặt tín dụng đang dần được nới lỏng nhưng việc tiếp cận nguồn vốn vẫn đang rất khó khăn.

Gỡ "điểm nghẽn" pháp lý, khơi thông thị trường bất động sản TP.HCM - Ảnh 1.

Vướng pháp lý, nhiều doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM không thể ra dự án mới. Ảnh: H.T

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), năm 2017 là thời điểm thị trường bất động sản tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua. Từ năm 2018 đến nay, thị trường đã xuất hiện rõ rệt tình trạng lệch pha "cung cầu", sụt giảm nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là nhà ở vừa túi tiền.

Dẫn chứng tại TP.HCM, HoREA cho biết năm 2017 có 42.991 căn nhà mới, thì đến năm 2018, số nhà ở mới chỉ có 28.316 căn; năm 2019 tiếp tục giảm, chỉ có 23.046 căn; năm 2020 là 16.895 căn; và năm 2021 chỉ có 14.443 căn. Trong 9 tháng năm 2022, thị trường bất động sản TP.HCM có tổng nguồn cung là 11.600 căn nhà, chỉ bằng khoảng 36% so với cùng kỳ năm 2017.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA nhận định vướng mắc pháp lý của thị trường bất động sản là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở. Nếu không có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả thì thị trường bất động sản có thể trượt vào suy thoái, khủng hoảng kinh tế, tác động bất lợi đến mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.

Gỡ "điểm nghẽn" pháp lý, khơi thông thị trường bất động sản TP.HCM - Ảnh 3.

Nguồn cung thị trường sụt giảm. Ảnh: H.T

Ông Châu cho rằng, nhìn tổng quát, thị trường bất động sản đang rất khó khăn, sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu dòng tiền; thiếu nguồn cung nhà ở đi liền với cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý, thiếu nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, thừa nhà ở cao cấp. Đồng thời, giá nhà tăng liên tục vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân nên khó tạo lập được nhà ở.

Phân loại dự án bất động sản để gỡ vướng pháp lý

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá việc xây dựng nghiên cứu đưa ra các nhóm giải pháp, đặc biệt lập ra các nghị định, sửa nhiều nghị định thể hiện tính quyết liệt của Chính phủ. Cộng đồng các doanh nghiệp bất động sản đều mong muốn sẽ có những thay đổi để đẩy nhanh thủ tục pháp lý cho các dự án. Riêng với từng doanh nghiệp, họ cũng phải vạch ra các giải pháp riêng để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Nhằm tháo gỡ, kích hoạt thị trường bất động sản trong nước và các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nội địa, theo ông Đính, cần phải thúc đẩy hoạt động phát triển cho những dự án bất động sản phù hợp với nhu cầu của người dân. Cần có thêm cơ chế cho những dự án thương mại cao cấp khi chuyển đổi thành sản phẩm phù hợp với đa số người dân. Bổ sung ưu tiên dòng tiền và điều chỉnh chính sách phù hợp nhằm khơi thông nguồn vốn cho các dự án mang những tính chất trên.

Đồng thời, phải đẩy nhanh tiến độ chỉnh sửa luật, nội dung cần bám sát thực tế, tháo gỡ được các điểm nghẽn hiện hữu. Nếu có sự vướng mắc thì nhanh chóng cập nhật, sửa đổi, công khai để người dân nắm rõ, củng cố lại niềm tin cho thị trường…

Gỡ "điểm nghẽn" pháp lý, khơi thông thị trường bất động sản TP.HCM - Ảnh 4.

Cần phân loại các dự án vướng mắc để tháo gỡ. Ảnh: H.T

Trước vấn đề trên, ông Trần Hoàng Quân - Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, qua rà soát, các dự án vướng mắc trên địa bàn thành phố hiện nay có thể chia thành 3 nhóm tháo gỡ. Thứ nhất là nhóm không thể tháo gỡ được. Thứ hai là nhóm có thể giải quyết được và cuối cùng là nhóm phải tập hợp hồ sơ để báo cáo lên cấp trên xem xét. Trên cơ sở đó, thành phố xác định các giải pháp cụ thể, tập trung tháo gỡ khó khăn pháp lý của từng dự án.

Ông Quân đề nghị HoREA khi thực hiện các báo cáo, kiến nghị trong thời gian tới cần xác định thẩm quyền giải quyết trách nhiệm của các sở, ngành, đơn vị liên quan trong các kiến nghị của mình. Đồng thời đề xuất cụ thể phương hướng giải quyết phù hợp quy định pháp luật đối với từng trường hợp.

Được biết, ngày 14/12 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải có giải pháp và đẩy nhanh xử lý vướng mắc, còn doanh nghiệp cơ cấu lại dòng tiền, sản phẩm... để thị trường bất động sản sớm vượt khó.

Trước đó, giữa tháng 11, Thủ tướng đã lập Tổ công tác đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho thị trường này. Tại công điện hôm đó, lãnh đạo Chính phủ kêu gọi các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp chung sức, hợp lực để vượt qua khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển đúng quy luật, an toàn, lành mạnh.

Thông tin mới nhất từ Hiệp hội ngân hàng cho biết, có 19 ngân hàng đã cam kết giảm lãi suất cho vay. Để thực hiện được điều này, các ngân hàng đồng thuận áp dụng mức lãi suất huy động tối đa là 9,5%/năm, ở tất cả các kỳ hạn. Thêm nữa, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng thêm 1,5 - 2%, một số dự án bất động sản đang triển khai và những người mua nhà đang có hợp đồng giải ngân dở dang đã nhanh chóng liên hệ với các ngân hàng thương mại, để có thể thực hiện nốt khoản vay.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem