Gói bánh chưng gấc đón Tết cơm mới bằng một thứ lá tên nghe lạ mà hình dáng lại quen ở Thái Nguyên

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ bảy, ngày 19/11/2022 09:02 AM (GMT+7)
Tết cơm mới là một trong những phong tục quan trọng trong năm của người dân ở xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Vào ngày này, bà con thường làm cơm, gói bánh chưng, giã bánh giầy để dâng lên gia tiên.
Bình luận 0

huyện

Bà Nguyễn Thị Nguyệt, xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ về ý nghĩa của ngày Tết cơm mới và việc gói bánh chưng gấc bằng lá chít. (Clip: Hà Thanh).

Vào ngày 10/10 âm lịch hằng năm, bà con nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên lại tổ chức Tết cơm mới với mục đích cảm tạ trời đất, thần linh đã ban cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Trong ngày này, bà con trong vùng sẽ làm cơm, gói bánh chưng, bánh giầy để dâng lên thắp hương bày tỏ lòng thành kính.

Theo thông lệ, cứ vào ngày mùng 10/10, gia đình bà Nguyễn Thị Nguyệt (xóm Xuân Lai, xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) lại chuẩn bị một mâm cơm cúng trời đất, gia tiên nhân Tết cơm mới truyền thống. Mâm cơm cúng của gia đình thường có xôi, bánh chưng, bánh giầy, cơm tẻ, rượu, thịt là những sản phẩm được làm từ gạo mới thu hoạch trong vụ mùa của gia đình.

Đưa tay khéo léo xếp từng chiếc lá chít đan xen vào nhau, rồi từ từ đổ gạo nếp Thầu Dầu lên trên lá xếp sẵn, bà Nguyệt chia sẻ: "Những năm trước, gia đình tôi thường gói bánh chưng, giã bánh giầy từ ngày mùng 9 cho đỡ cập rập. Tuy nhiên năm nay do công việc bận rộn nên đến hôm nay mới có thể làm được."

Về Thái Nguyên xem bà con đón tết cơm mới - Ảnh 2.

Bà Nguyệt nhanh tay gói những chiếc bánh chưng để chuẩn bị cho mâm cơm cúng ngày Tết cơm mới mùng 10/10 của gia đình (Ảnh: Hà Thanh)

Theo bà Nguyệt, muốn bánh chưng ngon, cần phải lựa chọn gạo thật kỹ, gạo không bị lẫn, không sạn, thơm vào dẻo.

"Tôi lựa chọn gạo nếp Thầu Dầu vì đây là loại gạo ngon, dẻo, thơm và đậm vị do chính gia đình trồng cấy nên hoàn toàn yên tâm. Thịt để gói bánh cũng cần lựa chọn loại thịt ba chỉ ngon có cả mỡ cả nạc thì khi ăn bánh mới ngậy và ngon. Đỗ xanh phải được đãi sạch trước khi gói để tránh có sạn" - bà Nguyệt chia sẻ.

Về Thái Nguyên xem bà con đón tết cơm mới - Ảnh 3.

Gạo nếp Thầu dầu, loại gạo đặc sản của địa phương được trộn với gấc để gói bánh chưng (Ảnh: Hà Thanh)

Về Thái Nguyên xem bà con đón tết cơm mới - Ảnh 4.

Thịt lợn gói bánh chưng nên chọn loại thịt ba chỉ ngon rồi thái thành từng miếng to và dài con chì (Ảnh: Hà Thanh)

Về Thái Nguyên xem bà con đón tết cơm mới - Ảnh 5.

Đỗ xanh sau phải được đãi sạch vỏ trước khi gói bánh chưng (Ảnh: Hà Thanh)

Sau khi công đoạn gói bánh đã hoàn tất, những chiếc bánh xanh mướt màu lá chít được cho vào nồi luộc. Sau khi luộc 8 – 10 tiếng, bánh được vớt ra để nguội, tiếp đó mới đưa lên mâm cơm cúng cùng những sản vật khác đã được chuẩn bị tươm tất.

Về Thái Nguyên xem bà con đón tết cơm mới - Ảnh 6.

Lá để gói bánh chưng được người dân nơi đây chọn những chiếc lá chít to và đẹp rồi mang rửa sạch (Ảnh: Hà Thanh)

Theo bà Nguyệt, nghi lễ cúng cơm mới ngày 10/10 âm lịch mang ý nghĩa cảm ơn trời đất, tổ tiên đã ban cho mưa thuận, gió hòa và mùa màng bội thu. Đây là nghi lễ được gia đình bà tổ chức hằng năm và là một trong những ngày tết quan trọng trong năm của gia đình cũng như bà con nơi đây.

Theo bà con xã Tân Kim, Tết cơm mới không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn mang ý nghĩa giáo dục đạo đức, lối sống cho các thế hệ, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem