Hiểm họa từ thuốc lá điện tử đến các bệnh không lây nhiễm

Mỹ Quỳnh Thứ ba, ngày 20/12/2022 11:58 AM (GMT+7)
Thuốc lá điện tử đang bủa vây các trường học, tỷ lệ học sinh, sinh viên sử dụng ngày càng tăng. Đây là nguy cơ chính dẫn đến các bệnh không lây nhiễm trong trường học như tim mạch, ung thư, đái tháo đường, hô hấp mạn tính...
Bình luận 0

Đau đầu với thuốc lá điện tử

Thuốc lá điện tử không còn xa lạ trong cuộc sống ngày nay, bởi có thể bắt gặp ở mọi nơi nhiều người sử dụng. Đặc biệt, ở môi trường giáo dục hiện nay cũng xuất hiện rất nhiều, trong đó có cả học sinh THCS lẫn THPT. Tưởng rằng sử dụng thuốc lá điện tử là không nguy hại như thuốc lá thông thường, nhưng thực tế không phải vậy. Thuốc lá điện tử cũng là mầm mống, là nguy cơ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe vì những hóa chất bên trong nó.

Vào khoảng giữa tháng 11, 3 nam sinh lớp 12 tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) được đưa đến phòng y tế vì có biểu hiện khó thở, ngất xỉu. Trong đó, có một nam sinh được phát hiện ngất xỉu trong nhà vệ sinh trường. Hiệu trưởng trường này cho biết, cả 3 nam sinh này đều đã sử dụng thuốc lá điện tử.

Nam sinh nghi sử dụng thuốc lá điện tử và rơi vào tình trạng mất kiểm soát. Nguồn: HSCC

Khoảng cuối tháng 11, một nam sinh nội trú tại trường THPT ở quận Tân Phú (TP.HCM) cũng rơi vào tình trạng sốc, mất kiểm soát. Đại diện nhà trường cho biết, nam sinh này có bệnh về thần kinh và cũng sử dụng thuốc lá điện tử.

Đầu tháng 12, vụ việc 7 học sinh tại trường Tiểu học Hoàng Liệt (Hà Nội) nhập viện do hút phải thuốc lá điện tử cũng gây chấn động trong xã hội, đặc biệt là phụ huynh. Theo đó, một học sinh lớp 3 của trường này nhặt được 1 điếu thuốc lá điện tử, sau đó rửa sạch và mang đến lớp. Trong giờ ngủ trưa bán trú, học sinh này đã mang ra để nghịch và rủ bạn hút thử. Hậu quả là 7 em có biểu hiện buồn nôn, khó chịu và phải nhập viện kiểm tra.

Trao đổi với Dân Việt, chị Thùy Linh (ngụ quận 12, TP.HCM cho biết), chị có con đang tuổi vị thành niên, thích khám phá mọi thứ kể cả những việc người lớn cấm. Có lần, chị phát hiện con sử dụng thuốc lá điện tử, gặng hỏi thì biết nguyên nhân là muốn thử xem cảm giác thế nào, vì thấy người khác hút thuốc rất "ngầu". Sau nhiều lần chia sẻ, giảng giải, đưa ra các hệ lụy mà thuốc lá mang lại, con chị hứa không sử dụng nữa. Dù vậy, chị Linh vẫn rất lo lắng vì không thể theo sát con 24/24 để đảm bảo sẽ tránh xa mối nguy hại này.

Hiểm họa từ thuốc lá điện tử đến các bệnh không lây nhiễm - Ảnh 3.

Học sinh, sinh viên, giới trẻ sử dụng thuốc lá điện tử ngày càng tăng. Ảnh: A.X

"Hiện nay học sinh đến trường cả ngày, các con có nhiều thời gian để tụ tập với nhau, tập tành những thứ không tốt. Tôi chỉ mong nhà trường sẽ đồng hành cùng phụ huynh, có biện pháp giáo dục giúp các con hiểu được sự nguy hiểm của thuốc lá cũng như các tệ nạn khác", chị Linh thở dài.

Học sinh, sinh viên sử dụng thuốc lá điện tử ngày càng tăng

Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế vừa tổ chức Chương trình tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực cho nhân viên y tế trường học TP.HCM. Tại đây, TS. BS. Nguyễn Thị Hồng Diễm - Phó Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm cho biết, Việt Nam là 1 trong 15 quốc gia sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới.

Tỷ lệ hút thuốc lá có giảm, nhưng rất chậm. Trong năm 2020, tỷ lệ sử dụng hút thuốc lá chung giảm 0,8% so với năm 2015; tỷ lệ nam giới hút thuốc là 42,3%, giảm 2% so với năm 2015 (45,3%) và tỷ lệ nữ giới hút thuốc là 1,7%, tăng so với năm 2015 (1,1%). Đặc biệt, tỷ lệ nam giới trưởng thành hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử là 5,6%, ở nữ là 1%.

Hiểm họa từ thuốc lá điện tử đến các bệnh không lây nhiễm - Ảnh 4.

TS. BS. Nguyễn Thị Hồng Diễm - Phó Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm chia sẻ tại Chương trình tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực cho nhân viên y tế trường học. Ảnh: Y.H

Đặc biệt, TS.BS. Nguyễn Thị Hồng Diễm nhận định, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở các thành phố có xu hướng tăng, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên, giới trẻ. Năm 2020, tỷ lệ thanh thiếu niên từ 15-24 tuổi ở Hà Nội, TP.HCM sử dụng thuốc lá điện tử khá cao, tỷ lệ chung là 7,3%. Tỷ lệ này ở nam giới là 9,1%, nữ là 4,6%. 

Theo kết quả điều tra sức khỏe học sinh Việt Nam năm 2019, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong học sinh từ 13-17 tuổi phạm vi cả nước là 2,6%. Riêng học sinh khu vực thành thị con số này là 3,4%.

BS.BS. Nguyễn Thị Hồng Diễm cảnh báo, việc hút thuốc và chế độ dinh dưỡng không hợp lý, đồng thời thiếu vận động thể lực... là những yếu tố nguy cơ chính dẫn đến các bệnh không lây nhiễm trong trường học như tim mạch, ung thư, đái tháo đường, hô hấp mạn tính. Ngoài ra, còn có các vấn đề về sức khỏe tâm thần. 

Do đó, để nâng cao sức khỏe, phòng chống yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm trong trường học, cần xây dựng môi trường vì sức khỏe trong trường học. Trong đó, cần cung cấp chế độ ăn dinh dưỡng hợp lý, cân đối cho học sinh ăn bán trú; khuyến cáo căng tin không bán, không cung cấp thực phẩm không có lợi cho sức khỏe như nước ngọt, đồ ăn nhanh.

Đồng thời, các cơ sở giáo dục cũng cần xây dựng chính sách nâng cao sức khỏe, ban hành quy định phòng chống tác hại thuốc lá, rượu bia, hạn chế quảng cáo thực phẩm không lành mạnh; bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất trường học như điều kiện về vệ sinh phòng học, cơ sở vật chất, không gian cho vận động thể lực, thể dục thể thao, dinh dưỡng hợp lý trong trường học.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem