Những phụ nữ ung thư vú nương tựa nhau giữa Sài Gòn (bài 2): Dìu nhau vượt qua cơn đau

Mỹ Quỳnh - Chinh Hoàng Thứ bảy, ngày 07/05/2022 07:31 AM (GMT+7)
Liên tục bị cơn đau hành hạ, những người phụ nữ mang trong mình căn bệnh ung thư vú còn sống trong nỗi sợ hãi, khi mà nhiều người bên cạnh lần lượt ra đi
Bình luận 0

Sống chung với những cơn đau

May mắn được chỉ dẫn tới ngôi nhà tình thương tại Xa lộ Hà Nội (gần bệnh viện Ung bướu cơ sở 2) để tá túc, chị Mai Thị Nhị (36 tuổi, quê Phú Yên) nói, suốt 3 năm qua, chị ròng rã lui tới bệnh viện để điều trị ung thư vú ở giai đoạn 3.

Hơn 20 phụ nữ ung thư vú nương tựa nhau giữa Sài Gòn (bài 2): Động viên nhau vượt qua cơn đau - Ảnh 1.

Chị Mai Thị Nhị (áo vàng, 36 tuổi, quê Phú Yên) ròng rã suốt lui tới bệnh viện Ung bướu để điều trị ung thư vú ở giai đoạn 3. Ảnh: Chinh Hoàng

Chị kể, vừa sinh con được khoảng 5 tháng thì phát hiện ung thư. Lúc ấy, chị suy sụp vô cùng. Từ một con người khỏe mạnh, vừa vui mừng đón đứa con chào đời thì nhận ngay một "án tử" trên đầu, chị rơi vào tuyệt vọng. 

Thế nhưng, vì con còn quá nhỏ, thời gian đầu chị vẫn ở nhà chăm con và mua thuốc nam về uống chứ không đi bệnh viện để mổ. Sau đó, bệnh càng ngày càng nặng hơn, ngực bị hoại tử nên phải nhập viện cắt bỏ một bên. Hiện tế bào ung thư đã di căn vào phổi của chị Nhị.

Hơn 20 phụ nữ ung thư vú nương tựa nhau giữa Sài Gòn (bài 2): Động viên nhau vượt qua cơn đau - Ảnh 2.

Chị Nguyễn Thị Như Lệ ( bên phải, sinh năm 1989, ngụ huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) cũng bị ung thư giai đoạn 3. Ảnh: Chinh Hoàng

Những cơn đau mà căn bệnh này mang đến cho chị Nhị rất khủng khiếp. Với bản thân chị, khi bị hoại tử và phải cắt bỏ là hai lần đau "thấu trời xanh". Sau đó, Mỗi lần vào thuốc, xạ trị là lại mất 7-10 ngày vật vã, khi thì đau buốt xương tủy, lúc lại đau đầu, đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi… Thời điểm này, miệng chị Nhị đắng ngắt, không muốn ăn uống bất cứ thứ gì…

"Những lúc đau đớn tôi cứ tự nhủ phải cố gắng lên để còn về với chồng, với đứa con còn nhỏ xíu. Nhưng đau quá lại nghĩ quẩn, đôi lúc muốn chết đi cho rồi. Cũng may, ở nơi này có các chị em bên cạnh, xoa bóp, động viên để tôi lấy lại tinh thần chiến đấu. Nếu không có họ, chắc tôi không có nghị lực để đi đến ngày hôm nay", chị Nhị trải lòng.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Như Lệ (sinh năm 1989, ngụ huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) cũng bị ung thư giai đoạn 3. Chị tiết lộ, bản thân mới điều trị ở cơ sở 2 bệnh viện Ung bướu vài tháng. 

Trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, chị đi khám ở cơ sở 1 nhưng bác sĩ nói không sao, qua dịch đi tái khám thì mới biết đã bị ung thư giai đoạn 3. Chị Lệ đã mổ xong và đang chuyển qua giai đoạn hóa trị.

"Thấy tôi nghèo khổ qua, người ta cho số điện thoại để xin vào ngôi nhà tình thương này ở. Hơn 20 người phụ nữ đồng cảnh ngộ, bảo bọc, động viên nhau. Ban ngày thì cười nói vui vẻ, đêm đêm mỗi người một góc nằm trằn trọc. Nhờ sống cùng nhau, mỗi lần ai đó lên cơn đau, thế là cả nhóm ngồi dậy nói chuyện, xoa bóp cho nhau, cứ thế ngày qua ngày…", chị Lệ cười buồn.

Quen dần với chuyện sinh – tử 

Theo những người phụ nữ sống ở căn nhà tình thương này, ban đầu khi phát hiện bị ung thư, ai cũng sợ hãi vô cùng. Sợ đến mất ăn, mất ngủ, trong đầu lúc nào cũng nghĩ tới những tình huống xấu. 

Vậy nhưng, trải qua quá trình điều trị và khoản thời gian đùm bọc chia sẻ trong căn nhà trọ chung này ai nấy đều trở nên mạnh mẽ. Đối với họ bây giờ lằn ranh sinh tử không còn quan trọng…

Hơn 20 phụ nữ ung thư vú nương tựa nhau giữa Sài Gòn (bài 2): Động viên nhau vượt qua cơn đau - Ảnh 4.

Chị Võ Thị Mỹ Duyên (sinh năm 1972, ngụ Tiền Giang) hiện đang là đầu bếp chính cho hơn 20 người phụ nữ ung thư vú trong căn trọ chung. Ảnh: Chinh Hoàng

Ngồi nhìn xa xăm ra phía đường quốc lộ, chị Võ Thị Mỹ Duyên (sinh năm 1972, ngụ Tiền Giang) kể, vợ chồng chị có hai người con. Gia cảnh khó khăn, chồng chị chạy xe ôm ở quận Bình Tân (TP.HCM), con trai lớn đi phụ lái xe tải với người ta để kiếm sống. Chị và cô con gái nhỏ bị câm điếc bẩm sinh lầm lũi sống với nhau ở quê.

Năm 2018, chị phát hiện bị ung thư vú và lên TP.HCM mổ, hóa trị. Vì nhà quá nghèo, không có tiền thuê mướn phòng trọ, chị ngủ vật vờ ở hành lang bệnh viện mỗi ngày. Qua đợt dịch Covid-19 vừa rồi, bệnh viện chuyển qua cơ sở 2 và "bén duyên" với các chị em ở đây. 

Sau 5 năm điều trị, hiện chị Duyên đã khỏe hơn, không còn phải hóa trị nữa mà chỉ uống thuốc. Dù vậy, chị vẫn ở lại để lo cơm nước, giúp đỡ các chị em mới điều trị khi sức khỏe còn yếu.

"Chúng tôi tuy không thân quen nhưng sống chung thì thương nhau như ruột thịt. Chiều chiều, khi mọi người trở về thì cùng trò chuyện, hát hò, vui đùa với nhau cho quên đi phiền muộn bởi những cơn đau. Nhưng thú thật, cũng buồn nhiều lắm. Buồn là bởi vì có những chị em đang sống cùng mình, ăn uống, vui đùa với mình nhưng đột ngột ra đi, để lại bao nhiêu trăn trở…", chị Duyên bày tỏ.

Cũng theo chị, chỉ trong năm 2021, căn nhà tình thương này đã phải chia tay 4 chị em, có những người đang điều trị, đang có dấu hiệu tiến triển tốt.

"Khi chứng kiến những chị em bên cạnh mình ra đi, chúng tôi xót xa lắm. Mỗi lần như thế là ai cũng bị tụt tinh thần, ai cũng nghĩ rằng không biết ngày nào thì đến lượt mình… Đêm xuống, mỗi người một góc lại trăn trở đủ điều, nào là nếu mình chết đi thì con cái sẽ ra sao, các chị em ở đây như thế nào… Nhưng rồi mọi người lại động viên nhau, vực tinh thần và dần chấp nhập cái án tử trên đầu có thể ập xuống bất cứ lúc nào", chị Duyên chia sẻ.

Ung thư vú là bệnh ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Ung thư vú hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. Theo các chuyên gia, việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nếu phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả điều trị càng cao, chi phí điều trị ít. Tại nước ta, do yếu tố tâm lý nên nhiều phụ nữ còn e ngại, không đi khám sàng lọc để được phát hiện sớm nên trường hợp khi tới bệnh viện khám thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn và tốn kém.

Khi phát hiện các dấu hiệu như: Sờ thấy khối u ở vú; Thay đổi hình dạng và kích thước vú; Lõm da, co kéo da hoặc dầy da tuyến vú; Tụt núm vú; Tấy đỏ đầu núm vú; Chảy dịch bất thường đầu núm vú; Đau hoặc cảm thấy khó chịu dai dẳng ở tuyến vú; Sưng hoặc có khối vùng nách… thì chị em phụ nữ nên đến bệnh viện thăm khám ngay để tầm soát ung thư vú.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem