Huyện nông thôn mới Bình Chánh giải bài toán áp lực chỗ học tại 3 xã "nóng" về dân nhập cư

Mỹ Quỳnh Thứ hai, ngày 29/08/2022 08:37 AM (GMT+7)
Với số lượng dân nhập cư đông bậc nhất huyện, ba xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B và Phạm Văn Hai chịu áp lực lớn trong việc giải quyết chỗ học cho học sinh trước thềm năm học mới.
Bình luận 0

Theo số liệu thống kê của Phòng GDĐT huyện Bình Chánh, toàn huyện có trên 800.000 dân, trong đó, có khoảng 100.000 học sinh độ tuổi đi học cấp mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở (THCS). Đối với học sinh đầu cấp, có 5.365 trẻ độ tuổi vào mẫu giáo (giảm 1.282 trẻ so với năm ngoái); 8.530 trẻ độ tuổi vào lớp 1 (giảm 2.119 trẻ) và 8.561 học sinh hoàn thành chương trình bậc Tiểu học (tăng 1.776 học sinh).

Như vậy, số học sinh đầu các cấp mầm non, tiểu học và THCS của huyện Bình Chánh vào khoảng 22.500 học sinh. Trong khi đó, toàn huyện chỉ có 30 trường mầm non công lập, 36 trường tiểu học và 18 trường THCS.

Thiếu trường cục bộ

Trao đổi với Dân Việt, bà Nguyễn Thị Mỹ Châu - Trưởng Phòng GDĐT huyện Bình Chánh cho biết, năm học 2022 - 2023, huyện đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh và đảm bảo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, việc dạy 2 buổi/ngày thì huyện chưa đạt được 100%. Bậc tiểu học chỉ đạt khoảng 48%, bậc THCS đạt khoảng 52%.

Một số trường tiểu học như Phạm Văn Hai, Vĩnh Lộc 1, Vĩnh Lộc 2, Vĩnh Lộc A, Huỳnh Văn Bánh, Lại Hùng Cường, Trần Quốc Toản; trường THCS như Tân Quý Tây, Lê Minh Xuân, Đồng Đen, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B không thể tổ chức học 2 buổi/ngày (đối với lớp 1, 2, 3, 6, 7) do không đủ phòng học. Các trường đã tổ chức dạy học 6 buổi/tuần để đảm bảo thực hiện yêu cầu cần đạt theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Huyện Bình Chánh: Giải bài toán áp lực chỗ học tại 3 xã "nóng" về dân nhập cư - Ảnh 1.

Học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Lộc 2, huyện Bình Chánh. Ảnh: VL2

Về nguyên nhân, theo lý giải của bà Châu, dù huyện thực hiện nhiều phương án để đáp ứng việc dạy học như xây mới, cải tạo, nâng cấp trường lớp... nhưng vì dân nhập cư quá đông mỗi năm, kéo theo số lượng học sinh tăng cao. Đặc biệt nhất là các xã như Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Phạm Văn Hai là "điểm nóng" về tăng dân số cơ học. Các xã này luôn gặp khó khăn vì thiếu trường, thiếu lớp.

Cụ thể, số liệu mới nhất cho thấy, xã Vĩnh Lộc A hiện đang có gần 170.000 dân (tạm trú khoảng 130.000 dân), xã Vĩnh Lộc B có khoảng 146.000 dân (tạm trú khoảng 115.000 dân), xã Phạm Văn Hai có hơn 32.000 dân (tạm trú khoảng 18.000 dân); số học sinh bậc tiểu học và THCS của 3 xã này là khoảng 32.500 em. Trong khi đó, cả 3 xã chỉ có 10 trường tiểu học và 5 trường THCS công lập. Đáng nói, hệ thống ngoài công lập cũng chỉ có 1 trường tiểu học, không có trường THCS nào.

Theo lãnh đạo Phòng GDĐT, năm nay là năm áp lực chỗ học "khủng khiếp" nhất ở bậc THCS đối với 3 xã này, vì số học sinh lớp 9 ra trường thì ít, trong khi đó, số học sinh vào lớp 6 lại quá cao. Điều này đã gây áp lực lớn cho việc phân tuyến, tổ chức lớp học, cán bộ giảng dạy...

Bài toán trường học, chỗ học

Trong năm học 2022 - 2023, huyện Bình Chánh đã huy động 100% trẻ 5 tuổi sinh sống trên địa bàn vào học lớp mẫu giáo. Công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp, nhất là học sinh vào lớp 6 cũng đảm bảo.

Để giải quyết chỗ học cho học sinh, huyện Bình Chánh đưa vào sử dụng 2 trường tiểu học mới và tăng thêm 33 lớp ở bậc THCS, riêng khối lớp 6 tăng 22 lớp.

Huyện Bình Chánh: Giải bài toán áp lực chỗ học tại 3 xã "nóng" về dân nhập cư - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Châu - Trưởng Phòng GDĐT huyện Bình Chánh. Ảnh: M.Q

Với nhu cầu học tập lớn, trong khi số trường học, phòng học thì hạn chế, bà Mỹ Châu cho biết, các trường buộc phải tận dụng tối đa công suất phòng học. Các phòng chức năng cũng được trưng dụng để tổ chức dạy học. Đồng thời, các trường ở 3 xã "nóng" nói trên buộc phải co lớp học lại, để có thêm phòng cho các lớp đầu cấp. Ví dụ, trường sẽ sát nhập một vài lớp thuộc các khối 7, 8, 9 để dôi dư phòng phục vụ cho học sinh lớp 6.

Bên cạnh đó, Phòng GDĐT cũng phân tuyến, đưa học sinh trường quá tải sang các trường lân cận để san sẻ gánh nặng chỗ học. Trong đó, trường THCS Vĩnh Lộc B tiếp nhận gần 500 học sinh vào lớp 6 của xã Vĩnh Lộc A. Học sinh Trường Tiểu học Lại Hùng Cường (xã Vĩnh Lộc B) được phân tuyến sang Trường THCS Võ Văn Vân (xã Vĩnh Lộc B)... Việc phân tuyến này cũng có chút khó khăn khi nhiều học sinh phải đi học xa, nhưng đường đi vẫn thuận lợi.

Về hướng giải quyết lâu dài, bà Mỹ Châu thông tin, huyện đang thực hiện các dự án xây dựng trường học tại 3 xã này. Trong đó, xã Vĩnh Lộc A có 2 dự án xây trường THCS, 3 trường tiểu học và 3 trường mầm non; xã Vĩnh Lộc B có 1 dự án xây trường THCS, 2 trường tiểu học và 1 trường mầm non. Dự kiến cuối tháng 8/2022, huyện Bình Chánh sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Huyện Bình Chánh: Giải bài toán áp lực chỗ học tại 3 xã "nóng" về dân nhập cư - Ảnh 5.

Huyện Bình Chánh đã cải tạo, nâng cấp, xây mới nhiều cơ sở giáo dục kịp đưa vào sử dụng dịp khai giảng năm học 2022 - 2023. Ảnh: VL2

Một khó khăn khác của huyện Bình Chánh hiện nay là, khi học sinh tăng dẫn đến trường, lớp tăng thì yêu cầu về đội ngũ giáo viên cũng phải tăng theo. Trong khi đó, việc tuyển dụng giáo viên đang gặp nhiều khó khăn. Trong năm học này, huyện có nhu cầu tuyển 519 giáo viên, trong đó có 225 giáo viên bậc THCS. Đặc biệt, giáo viên các môn Âm nhạc, Mỹ thuật và tiếng Anh của huyện hiện đang rất thiếu.

Để giải quyết tình trạng này, huyện đang tiến hành công tác xét tuyển, đến đầu tháng 9 sẽ có kết quả. Ngoài ra, các trường thiếu giáo viên bộ môn như trên sẽ được thuê giáo viên hợp đồng, mời giáo viên thỉnh giảng ở các trường bạn, trong khi chờ đợi kết quả xét tuyển đợi giáo viên mới của huyện. Huyện cũng đang xây dựng, đề xuất thêm các chế độ, chính sách dành cho giáo viên những bộ môn có khó tuyển...

Theo thông tin từ Phòng GDĐT huyện Bình Chánh, huyện đã thực hiện rất tốt các tiêu chí nông thôn mới liên quan đến lĩnh vực giáo dục. Trong đó, ở tiêu chí 5.3, huyện có 7/7 trường đạt chuẩn về cơ sở vật chất, 3 trường đạt chuẩn Quốc gia. Về kết quả thực hiện 4 tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu về giáo dục, huyện Bình Chánh có 16/16 xã đạt.

Trong năm 2022, huyện Bình Chánh đã hoàn thành hoặc đang hoàn thiện các công trình cải tạo, nâng cấp, xây dựng nhiều trường mầm non, tiểu học. Huyện đang triển khai thực hiện công tác sửa chữa nhỏ, mua sắm trang thiết bị năm 2022 của các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở công lập. Tính đến năm học 2021 – 2022, trên địa bàn huyện có 31 trường đạt chuẩn Quốc gia, có có 69/88 trường đã đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất: Mầm non 26/30 trường; tiểu học 19/33 trường; trung học cơ sở 17/18 trường; trung học phổ thông 7/7 trường. Đã có 14/14 xã đạt tiêu chí trường học.

Huyện cũng có 16/16 xã đạt tiêu chí 14. Trong đó, huyện đã triển khai công tác thống kê, cập nhật, in phiếu điều tra phổ cập giáo dục và thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ năm 2021, các xã, thị trấn đã tiến hành điều tra, cập nhật phiếu điều tra phổ cập giáo dục; Tiếp tục triển khai phần mềm tuyển sinh trực tuyến đối với lớp 1, lớp 6; 16/16 xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; Phổ cập Tiểu học, THCS đúng độ tuổi đạt mức độ 3…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem