Huyền tích "ngôi mộ tập thể lớn nhất Sài Gòn"

Châu Mỹ Thứ ba, ngày 03/05/2022 12:00 PM (GMT+7)
Người Sài Gòn, từng sống trước năm 1975, không ai không biết những câu chuyện ly kỳ về những tai nạn ngã xe quanh khu vực vòng xoay ngã 6 Dân Chủ (trên địa phận quận 10 và quận 3 hiện nay). Người già lý giải, những oan hồn trong khu mồ chôn tập thể, dù đã chết hơn hai thế kỷ, vẫn thi thoảng hiện về “ghẹo” người trần.
Bình luận 0

Những con đường nhiều người “bỗng dưng té xe” buổi trưa và đêm khuya

Theo nhiều người già còn sống tại Sài Gòn, khu vực từ đầu đường Cách Mạng Tháng 8 giao  với các đường Điện Biên Phủ, Nguyễn Đình Chiểu, 3/2... kéo dài tới đường Nguyễn Thượng Hiền (con đường cắt ngang Điện Biên Phủ và Nguyễn Đình Chiểu, thuộc địa phận quận 3), cách đây hơn hai thế kỷ từng là mồ chôn tập thể lớn nhất Sài Gòn. 

Số người chết lên tới 2.000, sau sự kiện triều đình nhà Nguyễn đàn áp cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi – con trai nuôi Tổng trấn Gia Định - tướng quân Lê Văn Duyệt.

Huyền tích "ngôi mộ tập thể lớn nhất Sài Gòn" - Ảnh 1.

Di tích đồng Mả Ngụy một thời

“Xưa kia, khi Sài Gòn còn vắng người, khu vực này chẳng khác gì rừng rậm, rất ít người qua lại, đi qua lúc nào cũng thấy lạnh lẽo. Sau năm 1975, thậm chí đến đầu những năm 2000, người lưu thông xe máy qua đoạn vòng xoay ngã 6 Dân Chủ còn thường xuyên bị “ma” ghẹo cho té ngã”, ông Văn, bán nước lề đường 3/2 cho biết.

“Khu vực tính bắt đầu từ vòng xoay dân chủ trải dài theo hướng được giới hạn bởi hai con đường là Nguyễn Thượng Hiền - 3/2, kéo dài tới bệnh viện Bình Dân, đúng là khu vực này đi vào ban đêm… tối om, đèn đường như thể bị những tán cây rộng cố tình che khuất, để khi có những cơn gió lùa, âm thanh xào xạc, đi kèm với thứ ánh sáng từ bóng đèn sợi tóc, nhấp nháy, chỗ đen thui, chỗ vàng khè, luân phiên nhau, cứ như để che giấu cho hình dáng nào đó, lầm lũi lả lướt trên đường, trốn vào các xó xỉnh...

Với gần 2.000 con người đã nằm xuống cách đây hơn 2.000 năm, khu vực này còn rải rác tới xuống vòng xoay Lý Thái Tổ (Lê Hồng Phong đâm ra chỗ này cũng hay có hiện tượng “bỗng dưng té xe”), hay tới qua cả nhà thi đấu Phú Thọ” - một thành viên giấu tên trên diễn đàn về Sài Gòn xưa kể.

Huyền tích "ngôi mộ tập thể lớn nhất Sài Gòn" - Ảnh 2.

Một góc Sài Gòn xưa

Thực tế, lịch sử cũng để lại nhiều tài liệu cho thấy cuộc thảm sát và mồ chôn tập thể này là có thật. Hiện tấm bia đá tại khu đền thờ Mạc Cửu ở Hà Tiên (nay là Kiên Giang) còn ghi lại sự kiện này. 

Trong những ghi chép của Sơn Nam, Vương Hồng Sển hay học giả Trần Trọng Kim... đều đề cập đến sự kiện Lê Văn Khôi nổi dậy và bị triều Nguyễn đàn áp, sát hại tập thể vào những năm 1833 - 1835. Các ghi chép này chỉ ra, một học giả người Pháp tên Henry Solomon - chính là người đầu tiên phát hiện ra di tích đồng Mả Ngụy.

Sự tích mồ chôn tập thể lớn nhất Sài Gòn

Mả Ngụy hay Mả Biền Tru vốn nằm trong vùng đất khá rộng gọi là Đồng Tập Trận - nơi tập trận và diễu binh của nhà Nguyễn (về sau người Pháp đặt tên là Đồng Mồ Mả) tại Gia Định thành ngày trước. Đây từng là nơi chôn cất gần 2.000 người già, trẻ, trai, gái bị xử tử vì tội phản nghịch trong cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi vào năm 1833 - 1835 dưới thời vua Minh Mạng.

Huyền tích "ngôi mộ tập thể lớn nhất Sài Gòn" - Ảnh 3.

Dấu tích đồng Mả Ngụy

Năm 1832, khi Lê Văn Duyệt – Tổng trấn Gia Định thành vừa mới mất, tên quan tham ác Bạch Xuân Nguyên vốn có hiềm khích với ông Duyệt, liền lập mưu quấy phá gia đình ông. Bạch Xuân Nguyên lấy cớ phụng mật chỉ của vua liền bắt bớ và tra khảo cả nhà Lê Văn Duyệt. Con trai nuôi của Duyệt là Lê Văn Khôi quá uất ức, liền tính chuyện cướp ngục và mưu phản triều đình Huế.

Lê Văn Khôi nổi dậy cướp ngục thành công, giết chết Bạch Xuân Nguyên cùng tay chân, kêu gọi binh sĩ chiếm thêm 6 tỉnh thành Nam Kỳ, lập triều đình riêng.

Huyền tích "ngôi mộ tập thể lớn nhất Sài Gòn" - Ảnh 4.

Các ghi chép chỉ ra, một học giả người Pháp tên Henry Solomon - chính là người đầu tiên phát hiện ra di tích đồng Mả Ngụy.

Trước âm mưu làm phản của Lê Văn Khôi, triều đình Huế kéo hàng vạn quân theo đường thủy, đường bộ ồ ạt vào Nam. Triều đình chiếm lại hết các tỉnh thành, vây đánh Sài Gòn. Lê Văn Khôi thất thế, cố thủ tại Phiên An. Triều đình phá thành Phiên An ròng rã hai năm vẫn không vào được thành.

Mãi tới năm 1834, Lê Văn Khôi chết vì bệnh phù thũng ở tuổi 37, con trai ông mới 7 tuổi lên thay cha, lúc này lực lượng suy yếu, tới tháng 9 năm 1835, triều đình Huế mới có cơ hội chiếm thành. 

Trong thời gian này, vua Mạc Cửu đã hạ lệnh triệt hạ toàn bộ mầm mống quan quân của Lê Văn Khôi, “tới một đứa trẻ đang bú cũng không tha”. 

“Gần 2.000 xác người bị chém ngang lưng. Máu nhuốm đỏ một vùng rộng lớn, тử khí bốc lên từ hàng ngàn xác người hơn chục ngày sau vẫn chưa tan. Tương truyền, tháng 7 âm lịch xá tội vong nhân khoảng 1835-1836, dân Sài Gòn cúng cô hồn liên tục từ 14 đến 30, vẫn bị người âm hiện về kêu khóc vì đói khát, thiếu ăn…”.

Xác được vứt xuống hố chôn tập thể, lấy đá đổ đống thành gò làm bia, đề: “Nơi bọn nghịch tặc bị giết để tỏ quốc pháp”. Từ đó, Đồng Tập Trận còn mang tên là Mả Ngụy.

Sau sự kiện này, người Sài Gòn vào tháng cô hồn thường làm bánh màu xanh - đỏ để cúng cho đầu lĩnh Lê Văn Câu - con trai Lê Văn Khôi. Các lão niên sống lâu năm ở Sài Gòn thường nhắc về di tích Đồng Tập Trận hay Mả Ngụy như một vùng đất của oan hồn.  

“Chiều giông Mả Ngụy cũng giông

Hồn lên lớp lớp bềnh bồng như mây

Sống thời gươm bén cầm tay

Chết thời một sợi lông mày cũng buông”...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem