Khai thác "mỏ vàng" du lịch tại các huyện nông thôn mới TP.HCM

Hồng Phúc Thứ hai, ngày 15/08/2022 06:30 AM (GMT+7)
TP.HCM sẽ đẩy mạnh khai thác và phát triển "mỏ vàng" du lịch tại 5 huyện nông thôn mới như du lịch đường sông, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái - nông nghiệp gắn với các điểm đến văn hóa lâu đời, độc đáo.
Bình luận 0

Sau dịch Covid-19, TP.HCM không còn là điểm tiếp nhận và trung chuyển hành khách lên Đà Lạt, Tây Ninh hay các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Nhu cầu vui chơi ngay thành phố, nhất là xu hướng về các huyện ngoại thành, tham quan, trải nghiệm du lịch sinh thái trỗi dậy.

Làm mới mình

Cuối tuần, nhiều điểm vui chơi, tham quan, dã ngoại tại các huyện nông thôn mới ở TP.HCM tấp nập khách. Ghi nhận cho thấy, khách du lịch hầu hết là người dân thành phố, du khách từ các tỉnh thành khác đến TP.HCM và khách du lịch nước ngoài đi theo các nhóm nhỏ hoặc có các công ty lữ hành dẫn đoàn.

Khai thác "mỏ vàng" du lịch tại các huyện nông thôn mới TP.HCM - Ảnh 1.

Các gia đình tham quan một điểm du lịch sinh thái tại TP.HCM. Ảnh: H.Phúc

Bà Thanh Trà - đại diện Lữ hành Saigontourist, cho biết cuối tháng 7, công ty có tổ chức tour cho đoàn du khách Australia đến Củ Chi. Từ nay đến cuối năm, công ty này dự kiến sẽ đón nhiều đoàn khách quốc tế đến TP.HCM và các huyện như Cần Giờ, Củ Chi đều nằm trong danh sách những điểm phải đến khi tới TP.HCM.

Khu du lịch Một thoáng Việt Nam tại huyện Củ Chi những ngày cuối tuần rất đông khách, hầu hết là các gia đình, nhóm gia đình đưa con về dã ngoại, trải nghiệm các hoạt động làm nông nghiệp.

Đại diện khu du lịch chia sẻ khách đến tăng nhanh là một tín hiệu vui cho hoạt động du lịch sinh thái tại các huyện nông thôn mới. Để tăng trải nghiệm, xu hướng hiện nay là tạo thêm cảnh quan, mở các khu du lịch sinh thái miệt vườn phục vụ đa dạng đối tượng, trong đó có học sinh, sinh viên, du học sinh đến tham quan, học tập tại TP.HCM.

Khai thác "mỏ vàng" du lịch tại các huyện nông thôn mới TP.HCM - Ảnh 3.

Hoạt động chèo thuyền đứng tại rừng ngập mặn Cần Giờ. Ảnh: H.Phúc

Trong khi đó, tại huyện Cần Giờ, nơi được mệnh danh là "lá phổi xanh" của TP.HCM, huyện này đang khai thác triệt để tiềm năng du lịch sinh thái cũng như các hoạt động du lịch kết hợp giữ gìn và bảo tồn "lá phối xanh". Các sản phẩm du lịch mới nhất tại huyện Cần Giờ hiện nay có trekking (đi bộ) trong rừng ngập mặn, chèo thuyền đứng, khám phá Đảo Khỉ, Vàm Sát với những hoạt động trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn.

Mới đây, UBND huyện Cần Giờ đã ra mắt mô hình phát triển du lịch xã Thạnh An. Mô hình này nhằm từng bước xây dựng phát triển các mô hình du lịch, tạo ra các sản phẩm đa dạng, phong phú phục vụ cho phát triển du lịch. Mô hình gồm khu ẩm thực và khu giải trí với 10 gian hàng đã đăng ký kinh doanh. Xã đảo Thạnh An gần đây nổi lên khi thu hút nhiều khách đến tham quan, trải nghiệm khi được đi đảo ngay TP.HCM.

Khai thác "mỏ vàng" du lịch

Các huyện nông thôn mới tại TP.HCM như Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn và Nhà Bè đang sở hữu nguồn tài nguyên du lịch rất đa dạng và phong phú, từ tài nguyên du lịch thiên nhiên đến tài nguyên du lịch văn hóa lâu đời, độc đáo, thú vị và hấp dẫn.

Cần Giờ là huyện duy nhất tại TP.HCM tiếp giáp biển, có bờ biển dài 23km, hơn 22.000ha diện tích sông ngòi và hệ sinh thái rừng ngập mặn độc đáo, cho khí hậu mát mẻ, trong lành nguyên năm. Các thế mạnh tài nguyên thiên nhiên giúp Cần Giờ có lợi thế phát triển dịch vụ du lịch sinh thái sông, biển và nghỉ dưỡng.

Huyện Cần Giờ có 7 di tích, di sản được xếp hạng: Di tích khảo cổ học Giồng Cá Vồ, di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác, đình Cần Thạnh, Lăng Ông Thủy Tướng Cần Thạnh, đình Dương Văn Hạnh, đình Bình Khánh - Mộ Tiền hiền Trần Quang Đạo, lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ và làng nghề làm muối xã Lý Nhơn.

Khai thác "mỏ vàng" du lịch tại các huyện nông thôn mới TP.HCM - Ảnh 4.

Làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM thu hút nhiều khách du lịch. Ảnh: Nguyên Vỹ

Huyện Củ Chi bên cạnh được xem là "vành đai xanh" của TP.HCM, phù hợp phát triển du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn thì tài nguyên du lịch văn hóa gắn với các làng nghề là thế mạnh rất lớn của huyện này. 

Theo kế hoạch bảo tồn và phát triển các làng nghề tại TP.HCM, huyện Củ Chi có nghề sản xuất bánh tráng tại xã Phú Hòa Đông, nghề đan đát xã Thái Mỹ và sản xuất mành trúc tại xã Tân Thông Hội. Đây là các làng nghề lâu năm, gần đây được đưa vào làm các điểm đến thu hút du khách khi tới Củ Chi.

Trong khi đó, huyện Bình Chánh có thế mạnh phát triển du lịch sinh thái đường sông, gắn với các làng nghề như làm nhang tại xã Lê Minh Xuân, trồng mai vàng tại xã Bình Lợi. Huyện Hóc Môn có 18 thôn vườn trầu, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh. Huyện Nhà Bè đang có một số khu du lịch sinh thái.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, đánh giá ngành du lịch TP.HCM đang có những bước phục hồi và phát triển đáng kể, thể hiện rõ qua sẽ đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch có thế mạnh như đường sông, du lịch cộng đồng du lịch sinh thái - nông nghiệp tại các huyện nông thôn mới ở TP.HCM.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem