Chuyên gia chỉ ra “điểm nghẽn” gây khó phát triển nhà ở xã hội

Thái Nguyễn Thứ ba, ngày 13/09/2022 10:26 AM (GMT+7)
Đến nay cả nước mới hoàn thành hơn 7,6 triệu m2 nhà ở xã hội dành cho công nhân, người lao động, đáp ứng khoảng 42% nhu cầu về chỗ ở. Lợi nhuận đầu tư thấp, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi được cho là những nguyên nhân của việc thiếu hụt nguồn cung của phân khúc nhà ở xã hội.
Bình luận 0

Khó khăn phát triển nhà ở xã hội, người thu nhập thấp khó "an cư"

Chị An, là một công nhân tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long đang tìm kiếm các dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, chị An cho biết tìm kiếm suốt hơn một năm nay vẫn không tìm được dự án nào phù hợp. Một phần vì thu nhập của vợ chị 16 triệu đồng/tháng vẫn là quá thấp và còn chi ra một khoản nuôi con nhỏ. Trong khi các dự án nhà ở xã hội khan hiếm và giá cũng vượt xã với thu nhập..  

"Hiện nay gia đình tôi vẫn đang phải thuê trọ với giá 4 triệu đồng/tháng. Tôi cũng đã tìm hiểu nhiều dự án nhà ở xã hội nhưng vẫn chưa tìm được vị trí cũng như giá cả phù hợp. Nhiều môi giới nhà họ nói rằng nhu cầu ở nhà xã hội đang rất cao so với nguồn cung nên nếu không mua nhanh thì sẽ còn tăng giá cao nữa nên tôi cũng hoang mang", chị An chia sẻ.

Thiếu nguồn cung nhà ở xã hội khiến công nhân, người lao động thu nhập thấp kho có nơi "an cư" (Ảnh: TN)

Thiếu nguồn cung nhà ở xã hội khiến công nhân, người lao động thu nhập thấp khó có nơi "an cư" (Ảnh: TN)

Hiện nay, cả nước đang tiếp tục triển khai 339 dự án nhà ở xã hội, nhưng tốc độ triển khai rất chậm, trong đó nhà ở công nhân là 7,6 triệu m2 với hơn 152 nghìn căn hộ; nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị là 10,96 triệu m2 với 219 nghìn căn hộ. Các dự án này đang triển khai rất chậm và mới chỉ khởi động lại thời gian gần đây sau gói hỗ trợ tín dụng theo Nghị quyết 11 của Chính phủ được công bố.

Các chuyên gia nhận định một số địa phương, đặc biệt người đứng đầu là Chủ tịch UBND cấp tỉnh chưa thực sự quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp; chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm để dành nguồn lực thực hiện kiểm tra, đôn đốc.

Một số doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn trong thời gian vừa qua mới chỉ tập trung vào việc phát triển các khu đô thị, nhà ở, khu nghỉ dưỡng cao cấp mà chưa quan tâm đến việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội dành cho các đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp sử dụng nhiều công nhân, người lao động chưa quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng việc khó phát triển nhà ở xã hội là do chưa giải quyết được vấn đề bố trí quỹ đất 20% tại một số địa phương có quỹ đất ở đô thị hạn hẹp như Hà Nội và TP.HCM hoặc địa phương có cơ sở hạ tầng, vị trí địa lý, điều kiện khí hậu ven biển, miền núi phù hợp với phát triển du lịch hơn là phát triển nhà ở xã hội... dẫn tới việc bố trí quỹ đất 20% tại các địa phương này gặp nhiều khó khăn. Hay như trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua - bán nhà ở xã hội còn phức tạp và kéo dài; các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn;…

Nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Mới đây, Bộ Xây dựng tổng hợp nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp của các địa phương giai đoạn 2021 - 2030 là khoảng 2,6 triệu căn. Mục tiêu đề ra của các địa phương cho giai đoạn này là hoàn thành 1,8 triệu căn hộ.

Bộ Xây dựng cho biết để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cần tháo gỡ 2 vấn đề chính. Thứ nhất, sửa đổi và đồng bộ hệ thống pháp luật, từ luật nhà ở, luật Thuế, luật Kinh doanh bất động sản. Thứ hai, đẩy mạnh quy trình làm việc với chính quyền địa phương, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện 2 gói hỗ trợ theo Nghị quyết 11/NQ-CP, nghiêm túc dành ra 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại. Đồng thời, kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở thương mại hiện tại, để tạo phong trào phát triển nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng đặt mục tiêu hoàn thành 1,8 triệu nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 (Ảnh: TK)

Bộ Xây dựng đặt mục tiêu hoàn thành 1,8 triệu nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 (Ảnh: TK)

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động TP.HCM nhấn mạnh định mức lợi nhuận chỉ 10% của nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân hiện không đủ để giải bài toán tài chính cho doanh nghiệp. Không những vậy, việc duyệt giá bán nhà ở xã hội, các thủ tục pháp lý liên quan đến cấp sổ hồng, vấn đề bồi thường chi phí giải phóng mặt bằng còn chậm triển khai, tất cả ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút doanh nghiệp phát triển phân khúc này.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng khi phát triển nhà ở xã hội, doanh nghiệp không chủ động được về dòng tiền, đối tượng mua nhà ở xã hội, giá bán đều do nhà nước quyết định. Chính vì thế, các thủ tục, quy trình cần được xử lý nhanh gọn hơn giúp doanh nghiệp tiếp cận đất đai một cách dễ dàng.

"Khi có thể tham gia dự án sớm và thời gian thu hồi vốn nhanh, thì việc thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội là điều không khó", ông Hà nhận định.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem