Chủ tịch Phan Văn Mãi: Không chỉ công nhân TP.HCM mà công nhân Đồng Nai, Bình Dương mất việc đều tạo áp lực cho TP

Bạch Dương Thứ bảy, ngày 19/11/2022 19:09 PM (GMT+7)
Ngày 19/11, UBND TP.HCM đã tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước TP năm 2023.
Bình luận 0
Chủ tịch TP.HCM: Công nhân mất việc tại Đồng Nai, Bình Dương cũng là "gánh nặng" của thành phố - Ảnh 1.

Phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 ngày 19/11. Ảnh: Hà Khánh

Cuối năm đối mặt nhiều bất ổn

Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) Nguyễn Hồ Thiện Nhân cho biết ngành dệt may hiện gặp nhiều khó khăn. Số lượng đơn hàng tại các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may như Mỹ, EU giảm rõ rệt. Trong đó, thị trường châu Âu giảm tới 60%, Mỹ giảm 30-40%. Lượng hàng tồn kho tăng, chiếm tới 20-25%.

Thông tin thêm, ông Nhân nói từ quý IV và dự báo quý I/2023 cho thấy khách hàng hạn chế và không tăng. Các doanh nghiệp cạnh tranh đơn hàng khá gay gắt. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, giảm quy mô sản xuất. Phía khách hàng đưa ra mức giá chỉ bằng 40-50% so với bình thường.

Phó Tổng thư ký HUBA kiến nghị, ngành thuế cần nhanh chóng hoàn thuế cho doanh nghiệp. Hiện nay, quy trình hoàn thuế VAT còn phức tạp khiến doanh nghiệp càng khó khăn hơn, đặc biệt là trong bối cảnh cạn kiệt nguồn tiền.

Ông Nhân nêu thực tế, lượng thuế VAT ở các doanh nghiệp sử dụng gỗ trồng rừng chưa được hoàn là hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó, mức thuế chưa được hoàn phổ biến là 200 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp chưa được hoàn 40-50%. Trong bối cảnh khó khăn về dòng tiền, một số doanh nghiệp phải dừng xuất khẩu một số mặt hàng.

Đồng thời, ông Nhân cũng kiến nghị nới room tín dụng, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu và tiếp tục giảm 2% lãi vay ngân hàng. Cạnh đó, xả vốn đầu tư công để hỗ trợ ngành xây dựng, vật liệu xây dựng và dự trữ vốn cho hàng Tết năm 2023 để có kênh tạo vốn cho doanh nghiệp bình ổn.

Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Lê Văn Thinh, so với cùng kỳ năm 2021, số doanh nghiệp giảm lao động là tương đồng, có tăng nhưng không đáng kể. Lý do cắt giảm lao động được các doanh nghiệp đưa ra là cơ cấu lại công nghệ, bố trí lại trang thiết bị máy móc, ảnh hưởng về kinh tế…

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho hay đã phối hợp với các đơn vị liên quan như Liên đoàn Lao động TP, BHXH TP cùng các địa phương làm việc với chủ doanh nghiệp để cùng xây dựng phương án bố trí lao động; thực hiện các chính sách đảm bảo quyền lợi của người lao động; kết nối cung - cầu từ nơi cắt giảm đến nơi có nhu cầu tuyển dụng mới.

Vừa qua, để giải quyết tình trạng 770 công nhân bị Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi) cắt giảm, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP đã phối hợp với Phòng Lao động huyện Củ Chi giới thiệu việc làm cho số lao động này đến sáu công ty khác.

Cùng đó, sở cũng phối hợp với quận Bình Tân và Liên đoàn Lao động TP kết nối cung - cầu cho 1.185 lao động thuộc Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân) bị cắt giảm.

Trong thời gian tới, sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, nhất là các địa phương có nhiều nhà máy xí nghiệp, lao động để thực hiện giám sát cho bằng được số doanh nghiệp có lao động từ 50 người trở lên để nắm chắc tình hình sức khỏe, sản xuất, phương án trả lương của các doanh nghiệp; chủ động các biện pháp, giải pháp ứng phó trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi lưu ý, không chỉ công nhân mất việc tại TP.HCM, mà ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai cũng sẽ là "gánh nặng" của TP vì họ có xu hướng dịch chuyển về TP.HCM tìm việc. Điều này gây áp lực về tình hình an ninh tại địa bàn.

Chủ tịch TP.HCM: Công nhân mất việc tại Đồng Nai, Bình Dương cũng là "gánh nặng" của thành phố - Ảnh 3.

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi tại phiên họp. Ảnh: Hà Khánh

Dự báo năm 2023 kinh tế gặp nhiều khó khăn

Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai, dự kiến 14/19 chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2022 TP.HCM thực hiện đạt kế hoạch. Có hai chỉ tiêu khó đạt, là về nhà ở xã hội và số phòng học trên một vạn dân, còn lại 3 chỉ tiêu chưa xác định được chính xác.

Điểm qua bức tranh chung của năm 2022, Giám đốc Sở KH-ĐT cho hay một số khó khăn nổi bật của năm là tình hình chứng khoán, bất động sản còn khó khăn, khan hiếm xăng dầu ảnh hưởng kinh tế - xã hội, tỷ lệ giải ngân đầu tư công còn thấp. Công tác phối hợp giữa các sở ban ngành trong giải quyết khó khăn vướng mắc vẫn còn chậm, trao đổi chuyên môn giữa các sở ngành cũng chưa đạt yêu cầu. Các đơn vị tự chủ tài chính giảm nguồn thu, các đơn vị y tế cũng gặp khó khăn. Bên cạnh đó là khó khăn về tài chính, ngân sách khi thực hiện chính quyền đô thị.

Năm 2023, dự báo kinh tế trong nước cũng như thành phố sẽ phải tiếp tục đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức, mang tính chất nhanh, mạnh, khó lường, đột ngột, tác động lớn và khá toàn diện, mang tính cộng hưởng… Trong đó, tác động lớn có thể kể đến biến động về giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào, đà phục hồi tiêu dùng trong nước, bên cạnh đó là những yếu kém nội tại của nền kinh tế do chưa hoặc chậm được khắc phục.

Phó Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Nguyễn Trần Phú cho rằng, chỉ tiêu thu ngân sách năm 2023 tăng hơn nhiều so với năm 2022. Tuy nhiên, dự báo tình hình thế giới còn diễn biến phức tạp, khó khăn, một số nền kinh tế lớn đối mặt với suy thoái, giá dầu và nguyên liệu tăng cao nên công tác thu ngân sách năm 2023 sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Đồng thời, khối doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn lớn liên quan đến thanh toán nợ xấu, pháp lý doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu đến thị trường bất động sản.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm sẽ là chủ đề trọng tâm của năm 2023, là trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính.

Để công việc trôi chảy, ông Mãi đề nghị chia thành ba nhóm công việc: Nhóm công việc không thể giải quyết thì các sở, ngành, địa phương phải trả lời để các tổ chức, cá nhân biết. Nhóm giải quyết được thì phải giải quyết đúng thẩm quyền, đúng tiến độ. Nhóm cần báo cáo xin ý kiến thì phải báo cáo kịp thời để UBND thành phố giải quyết hoặc báo cáo Chính phủ, các bộ ngành.

Về giải ngân đầu tư công, từng sở, từng chủ đầu tư, quận huyện và TP.Thủ Đức phải rà lại nhiệm vụ trên địa bàn còn vướng mắc ở điểm nào để tháo gỡ. Bởi trong điều kiện hiện nay, khi các nguồn vốn khác bị tắc thì vốn đầu tư công rất có ý nghĩa. Do đó, cần phải tập trung quyết liệt các giải pháp từ nay đến cuối năm để giải ngân đầu tư công đạt kết quả cao nhất.

Liên quan đến các công trình trọng điểm, trong đó có dự án Vành đai 3, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, trước mắt ngày 31/11, thành phố phải phê duyệt dự án kể cả giải phóng mặt bằng và xây lắp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem