Loạn các sản phẩm "ăn theo" hậu Covid-19 (bài cuối): Lạm dụng khám, lãng phí tiền bạc, thời gian

Bạch Dương Thứ sáu, ngày 22/04/2022 06:45 AM (GMT+7)
Trước thực trạng một số nơi tư vấn theo kiểu hù dọa người bệnh sau khi mắc Covid-19 để lôi kéo khám bệnh trọn gói, các chuyên gia y tế lưu ý người dân cần bình tĩnh để chọn đúng nơi khám bệnh khi có nhu cầu thật sự.
Bình luận 0
Loạn các sản phẩm "ăn theo" hậu Covid-19: Không được lạm dụng việc khám hậu Covid-19 (bài cuối) - Ảnh 1.

Khoa hậu Covid-19 Bệnh viện Thống Nhất. Ảnh: P.V

Không phải cứ ho, mệt mỏi, khó thở đều là hậu Covid-19

Các bác sĩ cho biết, thông thường bệnh nhân Covid-19 xét nghiệm âm tính vẫn còn tồn tại một số vấn đề như ho, khó thở, khạc ho, đờm, yếu cơ, hạn chế vận động... thậm chí tâm lý bất ổn, lo lắng. Tuy nhiên, không phải ai mắc Covid-19 cũng bị ảnh hưởng đến phổi.

Theo thống kê của Bộ Y tế, ước tính hiện nay nước ta có khoảng 2,1 triệu F0 khỏi bệnh. Trong số đó, nhiều người mắc các di chứng hậu Covid-19 như ho, mất ngủ, đau đầu, suy giảm trí nhớ, mất tập trung, rối loạn nhịp tim, đau nhức mỏi, ăn uống kém…

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y dược TP.HCM, đưa ra lời khuyên: Các di chứng hậu Covid-19 có khuynh hướng tự cải thiện theo thời gian, trừ một số trường hợp nặng. Do đó, người dân không nên quá lo lắng.

"Người dân nếu khó thở, đau ngực hay có triệu chứng ảnh hưởng chất lượng cuộc sống thì hãy đi khám. Các trường hợp không có biểu hiện thì không nên đi khám sàng lọc, bởi điều này có thể gây lãng phí thời gian, tiền bạc, thậm chí là gây hại vì khi lo nghĩ nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như vấn đề sức khỏe tinh thần. Những bệnh lý cần được sàng lọc ở người bình thường như tăng huyết áp, đái tháo đường, chức năng gan thận thì cũng cần quan tâm ở người bệnh sau mắc Covid-19", PGS.TS Đỗ Văn Dũng khuyến cáo.

Tương tự, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP.HCM nhận định, với tâm lý lo lắng thái quá, một số người dân đã nhầm lẫn dấu hiệu hậu mắc Covid-19 với các bệnh lý khác. "Không phải cứ có các triệu chứng ho, mệt mỏi, khó thở, đau đầu… sau khi khỏi Covid-19 thì đều là di chứng hậu mắc Covid-19, mà có khi lại là những bệnh lý khác. Do đó, người dân cần tỉnh táo xác định tình trạng bệnh của mình để tránh tốn kém không cần thiết", bác sĩ Trương Hữu Khanh nói.

Qua thực tế thăm khám, bác sĩ Đinh Quang Thanh - Trưởng khoa phục hồi chức năng, vật lý trị liệu Bệnh viện Phục hồi chức năng - điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM - nhận thấy có nhiều bệnh nhân chỉ gặp các di chứng hậu Covid-19 rất nhẹ hoặc thoáng qua cũng gặp bác sĩ. Ở nhóm bệnh nhân này thường hay bị ảnh hưởng về tâm thần kinh là chủ yếu, ít khi có tổn thương thực thể trên hệ hô hấp.

Tuy nhiên khi bệnh nhân nghe quá nhiều về hậu Covid-19, bắt đầu lo lắng, kích thích hệ thần kinh tự động, làm tức ngực, đau tim, tác động lên dạ dày - thực quản gây đau bụng, buồn nôn, cảm giác khó thở. Khi tác động lên não, làm giãn mạch gây nhức đầu hoặc co mạch gây chóng mặt, ngủ không sâu, không tập trung...

Bác sĩ Thanh cho biết thêm các tổn thương thực thể trên hệ hô hấp như tình trạng đông đặc phổi, xơ phổi thường gặp hơn ở các bệnh nhân nhiễm Covid-19 mức độ nặng, mức độ nguy kịch, đặc biệt ở nhóm bệnh nhân phải thở oxy dòng cao (HFNC), thở máy không xâm nhập, thở máy xâm nhập, hoặc được điều trị bằng phương pháp tim phổi nhân tạo (ECMO).

Không nên lạm dụng khám hậu Covid-19

Là địa phương có số lượng người mắc Covid-19 nhiều nhất cả nước, TP.HCM cũng là nơi tiên phong thành lập các đơn vị khám hậu mắc Covid-19 phục vụ nhu cầu của người dân, với các gói khám có mức giá khác nhau. Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đưa ra 3 gói dịch vụ khám gồm: gói cơ bản 2,1 triệu đồng, gói nâng cao 4,9 triệu đồng và gói chuyên sâu 7,4 triệu đồng.

Loạn các sản phẩm "ăn theo" hậu Covid-19: Không được lạm dụng việc khám hậu Covid-19 (bài cuối) - Ảnh 3.

Điều trị hậu Covid-19 tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM. Ảnh: P.V

Tương tự, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đưa ra 3 gói khám gồm: gói cơ bản 770.000 đồng, gói nâng cao 2.076.000 đồng và gói chuyên sâu 3.590.000 đồng. Bệnh viện Tâm Trí Sài Gòn đưa ra 2 gói khám với mức giá 1,6 triệu đồng và 3,6 triệu đồng. Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đưa ra 2 gói khám cơ bản với chi phí 1.069.000 đồng và 1.940.000 đồng. Ngoài ra, đơn vị này có gói khám linh động các dịch vụ theo yêu cầu của người bệnh.

Cùng với các bệnh viện, một số phòng khám cũng nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu, mở dịch vụ khám hậu mắc Covid-19. Đơn cử như Phòng khám Victoria đưa ra gói khám hậu mắc Covid-19 với mức giá 5.999.000 đồng.

Không đưa ra gói khám cụ thể, một số bệnh viện công lập như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Quân y 175… chỉ công khai giá khám ban đầu, còn các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh sẽ tùy vào tình trạng của người bệnh. Nhìn chung, các gói khám của các cơ sở y tế đưa ra bao gồm: khám tổng quát, kiểm tra chức năng gan, thận, chẩn đoán hình ảnh, công thức máu, chụp CT, MRI… Ngoài ra, tùy vào tình trạng sức khỏe và mức độ của bệnh nhân, các bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thêm một số xét nghiệm chuyên sâu khác.

TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM thẳng thắn cho rằng, việc một số cơ sở khám chữa bệnh quảng cáo các gói khám sau mắc Covid-19 cơ bản, nâng cao với các mức giá khác nhau là chưa phù hợp quy định hiện hành.

Ông cho biết, hiện nay Bộ Y tế chưa ban hành hướng dẫn chẩn đoán - điều trị, hay bất cứ gói khám nào đặc thù cho "hậu Covid-19", mà tùy từng trường hợp bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ khám, tư vấn và có chỉ định các dịch vụ kỹ thuật phù hợp, giúp chẩn đoán và điều trị chính xác.

Việc quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh phải được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo. Cụ thể, các cơ sở y tế muốn quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh của cơ sở thì phải nộp hồ sơ đăng ký quảng cáo về Sở Y tế (theo quy định tại TT09/2015 của Bộ Y tế) để được xem xét, xác nhận trước khi thưc hiện quảng cáo.

"Sở Y tế TP.HCM sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, nhắc nhở và chấn chỉnh việc thực hiện khám chữa bệnh và quảng cáo khám chữa bệnh đúng quy định", ông Dũng cho biết.

Theo lãnh đạo Sở Y tế, tình trạng hậu Covid-19 bao gồm các bệnh lý theo bảng mã phân loại bệnh tật quốc tế (ICD-10), là những bệnh lý được thanh toán khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế. Vì thế, người dân có thể đến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế đã đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, hoặc thông tuyến để được thanh toán bảo hiểm theo quy định.

Thời gian qua, nhiều bác sĩ đã liên tục lên tiếng khuyến cáo người bệnh Covid-19 chỉ nên đi khám hậu Covid-19 khi có các triệu chứng được cảnh báo hoặc là đối tượng nguy cơ.

Thông thường, các dấu hiệu trên xuất hiện sau 3 tháng kể từ khi mắc Covid-19, kéo dài ít nhất 2 tháng và không thể giải thích được bằng một chẩn đoán khác. Có thể chia người mắc Covid-19 thành 3 nhóm:

Nhóm 1: Nguy cơ cao phát triển tình trạng hậu Covid-19 (lớn tuổi, bệnh nền, Covid-19 cấp nặng khi nằm viện).

Nhóm 2: Bệnh nhân xuất hiện triệu chứng mới hay còn dai dẳng sau khi khỏi Covid-19.

Đây là 2 nhóm cần khám, theo dõi hậu Covid-19.

Nhóm 3: Người sau khi khỏi Covid-19 không có triệu chứng gì (chiếm đa số), vẫn học tập, lao động, sinh hoạt bình thường, không ảnh hưởng chất lượng cuộc sống và không thuộc nhóm những người nguy cơ thì không cần khám hậu Covid-19.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem