Khu vườn tái chế của người khuyết tật ở Bình Định

Thứ ba, ngày 17/01/2023 06:21 AM (GMT+7)
Từ vật liệu phế thải bỏ đi, những người khuyết tật đã tạo ra nhiều vật dụng có ích, mang lại công việc, thu nhập
Bình luận 0

"Tái sinh" rác thải

Cách TP Quy Nhơn (Bình Định) chừng 20km về hướng Tây Nam, khu "Vườn tái chế - NNC" ở xóm 2, thôn Long Thành, xã Phước Mỹ được biết đến là "mái nhà chung" của người khuyết tật. Bà Nguyễn Thị Thanh Nga - Chi hội trưởng Chi hội khuyết tật Nguyễn Nga làm chủ cơ sở này.

"Vườn tái chế" tiếp nhận các vật liệu phế thải ra như nhựa, túi nilon, giấy, gỗ, vải vụn để tạo thành những vật dụng hữu ích.

Khu vườn tái chế của người khuyết tật ở Bình Định - Ảnh 1.

Khu vườn tái chế của những người khuyết tật ở xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định (Ảnh: Doãn Công).

Theo bà Thanh Nga, nhận thấy số lượng hộp đựng đồ ăn từ xốp, nhựa tăng lên trong mùa dịch Covid-19, bà đã nghĩ đến việc tạo nên "cuộc đời thứ 2" cho số vật vô tri.

"Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, người người, nhà nhà làm từ thiện, những bếp ăn, suất cơm thiện nguyện hoạt động tích cực, vô tình thải ra khối lượng lớn hộp xốp, bì nilon, muỗng nhựa thải ra môi trường. Lúc đó, tôi tự hỏi liệu có cách nào tận dụng số phế thải đó. Thế rồi tôi cùng các hội viên suy nghĩ xây dựng "Vườn tái chế - NNC" - nơi phế thải được "tái sinh" để mang lại giá trị sử dụng mới trong cuộc sống", bà Nga chia sẻ.

Khu vườn tái chế của người khuyết tật ở Bình Định - Ảnh 2.

Nhiều vỏ chai nhựa được thu gom để tái chế thành vật hữu dụng. Ảnh: Doãn Công

Khu vườn tái chế của người khuyết tật ở Bình Định - Ảnh 3.

Những món đồ chơi ô tô, xe lửa được làm từ giấy, nhựa. Ảnh: Doãn Công

Để thực hiện ý tưởng, ban đầu, cơ sở thu gom rác thải về rồi phân loại. Sau đó, tất cả các thành viên cùng đưa ra ý tưởng, sáng kiến thực hiện để tái chế đồ dùng từ chai, lọ nhựa đến bìa giấy carton, báo cũ.

Vườn tái chế cũng được trang trí hoàn toàn bằng vật liệu tái chế, như dãy chuông gió tự chế từ hơn 500 vỏ chai nhựa, những bình hoa, bồn cây làm từ vỏ thùng nhựa hay lốp xe cũ.

Mới đây, các trẻ khuyết tật ở đây còn sử dụng 3.000 vỏ gói mì tôm để làm cây thông Noel đón giáng sinh.

Tỉ mỉ dán những miếng bìa carton đã cắt để ghép thành chiếc xe ô tô đồ chơi, anh Phan Huỳnh Anh Toan (35 tuổi, quê thị xã An Nhơn) chia sẻ: "Chúng tôi muốn tận dụng những vật dụng thải ra hàng ngày để tạo nên những sản phẩm có ích. Không chỉ làm các mô hình xe giấy đồ chơi, chúng tôi còn muốn tạo nên không gian sáng tạo mới từ việc tận dụng vật liệu cũ đã thu gom".

Ngoài tận dụng vật liệu nhựa và giấy, vườn tái chế còn "hô biến" vải vụn thành những bộ trang phục, đồ gia dụng rất bắt mắt. Chăm chú hoàn thiện những miếng lót nồi, em Nguyễn Thị Huệ Trinh (20 tuổi, quê huyện Phù Cát) cho biết, cắt may một chiếc áo hay quần từ mảnh vải nguyên vẹn dễ hơn rất nhiều so với việc may vá những mảnh vải vụn thành sản phẩm hoàn chỉnh.

Khu vườn tái chế của người khuyết tật ở Bình Định - Ảnh 4.

Cây thông Noel được làm từ 3.000 vỏ gói mì tôm. Ảnh: Ngọc Nga

"Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì và cả sáng tạo nên khá phức tạp nhưng mọi người đều thấy vui vì tự mình làm ra những sản phẩm hữu ích, nhất là khi nó được làm lại từ nhiều mảnh vải chỉ lớn hơn bàn tay một chút", Trinh hào hứng kể.

Người khuyết tật được thể hiện mình

Anh Phan Huỳnh Anh Toan bị tật 2 chân, phải dùng nạng để di chuyển đã có 10 năm sống, làm việc ở "mái nhà chung". Theo anh Toan, khi đến với cơ sở, anh là sinh viên năm 2 ngành công nghệ thông tin ở TPHCM. Anh đã bỏ giữa chừng việc học, phần vì mặc cảm, phần vì không muốn làm gánh nặng cho gia đình, bạn bè.

Khu vườn tái chế của người khuyết tật ở Bình Định - Ảnh 5.

Anh Toan cảm thấy tự tin sau khi vào "mái nhà chung" của những người đồng cảnh ngộ. Ảnh: Doãn Công

Hiện tại, ngoài công việc chính là hỗ trợ về tin học cơ bản và xóa mù chữ cho người khuyết tật tại đây, anh Toan phụ giúp ban nhạc và nhiều công việc ở Vườn tái chế. Quan trọng hơn, sống tại đây, anh Toan không còn tự ti, mặc cảm về khiếm khuyết của mình.

"Hiện tại, công việc của tôi đang làm đã khỏa lấp được phần nào hối tiếc về việc từ bỏ học đại học. Tôi bằng lòng với công việc hiện tại nhưng chưa hài lòng vì còn rất nhiều điều cần phải làm".

Cùng cảnh ngộ, em Nguyễn Thị Huệ Trinh, bị tật 2 chân khiến việc đi lại khó khăn, cũng phải từ bỏ giấc mơ đại học vì cảnh ngộ của mình.

Khu vườn tái chế của người khuyết tật ở Bình Định - Ảnh 6.

Em Nguyễn Thị Huệ Trinh chăm chú với công việc may đồ gia dụng từ vải vụn. Ảnh: Doãn Công

"Học xong phổ thông, em cũng muốn thi vào đại học nhưng lúc đó em có nhiều suy nghĩ, tự ti về bản thân, không dám đi học tiếp. Giờ thì khác rồi, em không còn thấy mặc cảm nữa. Ở đây, em và mọi người còn được thể hiện tài năng của mình, để mọi người thấy rằng, dù khuyết tật, chúng em có thể làm những việc không thua kém người bình thường", Trinh chia sẻ.

Không chỉ thu gom, tái chế các vật liệu phế thải thành vật dụng có ích, các thành viên Vườn tái chế còn chuẩn bị riêng khoảnh đất rộng để mọi người cùng đến gieo trồng, tạo môi trường xanh.

"Chúng tôi bắt đầu từ hành động nhỏ nhất, đơn sơ nhất và hy vọng vườn tái chế sẽ là nơi để mọi người trải nghiệm không gian xanh đúng nghĩa. Chúng tôi cũng muốn cộng đồng hiểu rằng, dù khiếm khuyết nhưng chúng tôi vẫn muốn làm những việc ý nghĩa và nhân văn", bà Nga đại diện các thành viên Vườn tái chế chia sẻ.

Doãn Công (Dân Trí)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem