Liên kết tổ khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã và doanh nghiệp trong sản xuất cà phê bền vững

Thư Anh Thứ sáu, ngày 30/12/2022 15:03 PM (GMT+7)
Tổ khuyến nông cộng đồng phải là cầu nối giữa cán bộ khuyến nông, nông dân, hợp tác xã và nhà quản lý, doanh nghiệp, qua đó giúp gia tăng giá trị nông sản, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, trong đó có ngành cà phê.
Bình luận 0

Ngày 29/12, tại TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NNPTNT) phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội thảo "Liên kết khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã và doanh nghiệp trong sản xuất cà phê chứng nhận" theo hình thức trực tiếp và 17 điểm cầu trực tuyến.

Liên kết khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã và doanh nghiệp trong sản xuất cà phê - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự Hội thảo "Liên kết khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã và doanh nghiệp trong sản xuất cà phê chứng nhận"

Tham dự trực tiếp hội thảo tại Đắk Lắk có đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các tổ chức quốc tế, Trung tâm Khuyến nông và tổ khuyến nông cộng đồng, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất cà phê có chứng nhận tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đỗ Danh Phương – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản Đắk Lắk cho biết, Đề án "Nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng" được Bộ NNPTNT phê duyệt ngày 25/3/2022 theo Quyết định 1094/QĐ-BNN-KN.

Đề án nhằm củng cố, kiện toàn hệ thống khuyến nông theo hướng mở rộng đa chức năng dịch vụ, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đa dạng hoạt động khuyến nông phục vụ phát triển các vùng nguyên liệu, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản.

Sau hơn 9 tháng đề án khuyến nông cộng đồng được triển khai, các tỉnh Tây Nguyên đã thành lập được 8 tổ khuyến nông cộng đồng với 42 thành viên; thành lập 39 tổ khuyến nông cộng đồng phục vụ Đề án vùng nguyên liệu cà phê với 178 thành viên.

Liên kết khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã và doanh nghiệp trong sản xuất cà phê - Ảnh 2.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại hội thảo

Hội thảo là dịp để các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ khuyến nông cộng đồng cùng trao đổi, thảo luận tìm giải pháp hoàn chỉnh quy chế hoạt động cho tổ. Bàn giải pháp liên kết tổ khuyến nông cộng đồng với hợp tác xã, doanh nghiệp gắn với phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững và hiệu quả, tiến tới mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững ở Tây Nguyên.

Tại hội thảo, đại diện Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum chia sẻ về kết quả thành lập và phát triển tổ khuyến nông tại địa phương. Đại biểu cũng trao đổi, thảo luận một số vấn đề như: Vai trò của cộng đồng trong hệ thống khuyến nông, khuyến nông cộng đồng trong thay đổi nhận thức ngành sản xuất cà phê, hỗ trợ khuyến nông cộng đồng phát triển cà phê cảnh quan và hỗ trợ đối với hợp tác xã sản xuất cà phê.

Liên kết khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã và doanh nghiệp trong sản xuất cà phê - Ảnh 3.

Đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai chia sẻ kết quả thành lập và phát triển tổ khuyến nông tại địa phương

Theo ông Lý Văn Đông, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Cao Bằng (xã Ea Tân, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk), các tổ khuyến nông cộng đồng đang triển khai thực hiện thí điểm nhưng đã phát huy được vai trò với đa dạng hoạt động như: Hỗ trợ, tư vấn cho nông dân, hợp tác xã về khuyến nông, về chuyển giao khoa học công nghệ; hỗ trợ, tư vấn hộ nông dân, hợp tác xã về phát triển thị trường, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; tư vấn, hướng dẫn chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, Trung tâm Khuyến công Quốc gia cần làm rõ tư cách pháp nhân của tổ khuyến nông cộng đồng, đồng thời tập huấn kỹ năng về truyền thông, hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị để tổ hoạt động…

Liên kết khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã và doanh nghiệp trong sản xuất cà phê - Ảnh 4.

Ông Lý Văn Đông, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Cao Bằng (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) tham gia phát biểu ý kiến tại hội thảo

Ông Vũ Đình Khiêm, Điều phối viên Chương trình cảnh quan bền vững tỉnh Đắk Lắk cho rằng, công tác khuyến nông cần phải kiện toàn về tổ chức, đặc biệt là khuyến nông cơ sở, đa dạng hoạt động khuyến nông theo cách tiếp cận dịch vụ; tăng cường khuyến nông cơ sở, nhất là cấp xã.

Cùng với đó, địa phương cần tăng cường nhiệm vụ của khuyến nông theo hướng dịch vụ, bám vào 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm như: chuyển giao kỹ thuật công nghệ mới, hỗ trợ hình thành phát triển hợp tác xã, hỗ trợ thông tin thị trường và liên kết sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi số.

Liên kết khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã và doanh nghiệp trong sản xuất cà phê - Ảnh 5.

Các đại biểu tham gia trao đổi, thảo luận về vấn đề liên kết khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã và doanh nghiệp trong sản xuất cà phê

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ khuyến nông theo hướng đa dạng hóa chức năng và loại hình hoạt động khuyến nông, phát triển dịch vụ theo hướng xã hội hóa, tích hợp đa giá trị.

Tổ khuyến nông cộng đồng phải là cầu nối giữa cán bộ khuyến nông, nông dân, hợp tác xã và nhà quản lý, doanh nghiệp; trong đó lấy hợp tác xã nông nghiệp làm nền tảng để hỗ trợ nông dân sản xuất, gia tăng giá trị nông sản, xây dựng vunhf nguyên liệu bền vững.

Mục đích chính phải làm sao hỗ trợ bà con sản xuất nông nghiệp với hiệu quả cao nhất, doanh nghiệp có thể thu mua, kinh doanh thuận lợi nhất, chính quyền quản lý tốt nhất, chính sách ban hành sát với thực tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem