Linh hoạt phòng dịch tại chỗ, doanh nghiệp không “ngán” F0 nhưng lại thêm những mối lo này

Quốc Hải - Phương Uyên Thứ năm, ngày 24/02/2022 11:01 AM (GMT+7)
Trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, cùng với các biện pháp phòng dịch tại chỗ, dù ghi nhận ca mắc Covid-19, các doanh nghiệp tại TP.HCM vẫn hoạt động sản xuất bình thường, thậm chí “sáng đèn” tăng ca để chuẩn bị cho những đơn hàng xuất khẩu mới
Bình luận 0

Những ngày gần đây, số ca nhiễm Covid-19 (F0) tại TP.HCM bắt đầu tăng mạnh. Thống kê của CDC TP.HCM ngày 23/2, số ca mắc mới tại TP.HCM được ghi nhận là 1.356 ca, nâng tổng số ca Covid-19 cộng dồn tại TP là 521.754 người.

Tuy nhiên, do mức độ phủ vaccine đã tăng mạnh nên phản ứng của các doanh nghiệp (DN), người lao động trước tình hình dịch bệnh không còn bi quan như thời điểm bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 diễn ra trước đó.

Linh hoạt phòng dịch tại chỗ, doanh nghiệp chẳng “ngán” F0 - Ảnh 1.

Doanh nghiệp vẫn "sáng đèn" sản xuất trước thông tin dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ảnh: Quốc Hải

Bình thản nhưng không chủ quan

Từ sau tết đến nay, Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng (huyện Bình Chánh, TP.HCM) chỉ có một ca mắc Covid-19 nhưng đơn vị này cũng không chủ quan, lơ là trong phòng dịch.

"Số ca mắc Covid-19 không nhiều như trước Tết, nhưng công ty vẫn áp dụng các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt. Đặc biệt, công ty vẫn xét nghiệm nhanh Covid-19 định kỳ hàng tuần", ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Đại Dũng cho biết.

Cụ thể, theo ông Hùng, mới tuần qua công ty đã test nhanh cho hơn 1.000 cán bộ, công nhân, người lao động tại DN để phát hiện các trường hợp F0 sớm nhất có thể.

Linh hoạt phòng dịch tại chỗ, doanh nghiệp chẳng “ngán” F0 - Ảnh 2.

Công nhân nhiều nhà máy đã yên tâm với dịch bệnh do đã tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ 3 mũi. Ảnh: Phương Uyên

"Công nhân mắc F0 sẽ được nghỉ, công ty sẽ cấp thuốc theo hướng dẫn của bên y tế để người lao động điều trị. Riêng khối văn phòng được làm việc tại nhà để đảm bảo tiến độ công việc", ông Hùng thông tin thêm.

"Qua việc ứng phó với đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua, các DN đã có thêm kinh nghiệm để đối phó và giải quyết hiệu quả các tình huống để ít bị động hơn khi có rủi ro dịch bệnh.

Vì vậy, ngay từ khi trở lại hoạt động thông suốt, DN chủ động xây dựng kế hoạch quản trị, vận hành, sản xuất và kinh doanh đáp ứng với các kịch bản, tình huống có thể xảy ra…"

Ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các DN KCN-KCX TP.HCM (HBA), nhận định.

Cũng khá bình thản trước diễn biến của dịch bệnh Covid-19, bà Lý Thanh Phong - Giám đốc Công ty TNHH 3D Hub Global (Q.Tân Phú, TP.HCM) nhận định, hiện tại số ca lây nhiễm trong cộng đồng rất nhiều và tâm lý mọi người không còn hoang mang hay lo sợ nữa, vì thế cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến tâm lý làm việc.

"Hiện, nhân công của chúng tôi đã được chích ngừa đầy đủ, cũng như số ca F0 ở công ty cũng vượt hơn 50% nên rủi ro khi dịch bùng phát trở lại là không đáng ngại", bà Phong chia sẻ.

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH may mặc Dony cho hay, hiện 100% công nhân đã tiêm vaccine 2 mũi, khoảng 90% đã tiêm mũi 3. Ngoài ra, cũng khoảng 50% công nhân đã nhiễm Covid-19 và đã khỏi. Hiện, công ty cũng không lo lắng nhiều.

"Tất nhiên, chúng tôi vẫn đảm bảo các điều kiện, biện pháp phòng dịch. Tuy nhiên, do tâm lý lo lắng vì dịch bệnh đã được giải tỏa nên công nhân cũng yên tâm sản xuất để đáp ứng các đơn hàng", ông Quang Anh chia sẻ.

Trong khi đó, ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao TP.HCM) cho biết, từ sau Tết đến nay, mặc dù công ty chưa nhận được thông tin ca mắc Covid-19 nào tại DN nhưng đơn vị luôn duy trì các biện pháp phòng dịch như từ trước đến giờ.

Linh hoạt phòng dịch tại chỗ, doanh nghiệp chẳng “ngán” F0 - Ảnh 4.

Công nhân Công ty TNHH Nidec Việt Nam trong giờ sản xuất. Ảnh: Phương Uyên

Cụ thể, tất cả các công nhân ra khi vào ca đều được đo nhiệt độ tự động; các chai nước rửa tay, xịt khuẩn được bố trí tại nhiều vị trí trong công ty để công nhân dễ sử dụng. 

Công ty còn phát khẩu trang kháng khuẩn cho tất cả công nhân và yêu cầu sử dụng trong suốt thời gian làm việc. Tại khu vực nhà ăn, bàn ăn đều được lắp vách ngăn. Ngay cả khu nhà vệ sinh, giữa các vòi nước cũng có vách ngăn để phòng dịch…

Bên cạnh đó, công ty vẫn test định kỳ cho bảo vệ, nhân viên vệ sinh, nhân viên căng tin… là những người tiếp xúc nhiều người, có nguy cơ cao.

"Đến thời điểm hiện tại, gần 100% công nhân đều đã tiêm mũi 3 vắc xin ngừa Covid-19 nên mọi người yên tâm sản xuất", ông Hồng cho biết thêm.

Nhưng có những nỗi lo khác

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH may mặc Dony cho hay, giá nhiên liệu tăng "chóng mặt" trong vòng 2 tháng qua (tăng 20-30%) đã khiến các DN may mặc gặp khó.

"Ngay xe chở vải nhập từ kho cảng Cát Lái về xưởng trước chỉ 2,8 triệu đồng/lượt, nay tăng lên 3,2 triệu. Mới đây, ngay khi giá xăng dầu điều chỉnh tăng thì bộ phận mua hàng đã thông báo nhà xe báo giá cho đợt hàng tới sẽ tăng nữa. Trong khi các đơn hàng chốt giá từ tháng 11/2021, làm sao tăng được, nên DN phải gồng mình với các chi phí tăng thêm này", ông Quanh Anh nói.

Cũng theo ông Quang Anh, hiện nay giá xăng dầu tăng thêm, có thể trong ngắn hạn sẽ ảnh hưởng không nhiều. Nhưng nếu xăng dầu vẫn neo ở mức cao thì có thể giá nguyên vật liệu sẽ tăng thêm vào thời gian tới. Điều này sẽ gây bất lợi rất nhiều cho các DN sản xuất.

Một nỗi lo khác được ông chủ DN may này nhắc đến là tình hình tuyển dụng lao động. 

"Chúng tôi đã ký được hợp đồng sản xuất đến hết năm 2022 cho một đơn hàng sang Mỹ nhưng đến nay vẫn chưa đủ lao động. Hiện, Dony mới tuyển được khoảng 70% nhu cầu lao động dù các chế độ đãi ngộ khá hấp dẫn", ông Quang Anh chia sẻ thêm.

Trong khi đó, ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các DN Khu chế xuất - Khu công nghiệp TP.HCM (HBA) nhấn mạnh, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, HBA kiến nghị TP.HCM quan tâm và thực hiện tiêm vaccine mũi 3 cho người lao động nhằm tạo sự an tâm cho DN, cũng như người lao động vững tin vào sự phục hồi và vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh.

"Hiện nay, tuy dịch bệnh đang lây nhanh trở lại nhưng những người mắc bệnh thường có biểu hiện nhẹ hoặc không triệu chứng. Thống kê cho thấy tỷ lệ người chết do Covid-19 cũng rất thấp, điều đó có nghĩa là dịch bệnh không còn thực sự nguy hiểm.

Trước tình hình vậy, các chuyên gia cũng khuyến nghị nên coi Covid-19 như 1 bệnh thông thường. Phản ứng của DN (khu vực phía Nam) do đó, sẽ không chú ý quá nhiều đến Covid-19, mà tập trung cho các hoạt động sản xuất kinh doanh để hồi phục và phát triển trở lại.

Đề xuất của DN đối với Chính phủ lúc này rất cấp thiết đó là hỗ trợ giảm thuế, giãn thu thuế trong năm 2022, tạo thuận lợi cho DN tiếp cận dễ dàng với các nguồn vốn với chi phí thấp…"

Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH gỗ VAM Furniture (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem