“Lình xình” nghệ sỹ làm từ thiện bị đòi sao kê: Phải sửa nghị định liên quan

Quốc Hải Thứ ba, ngày 07/09/2021 11:22 AM (GMT+7)
Pháp luật không cho phép cá nhân, từ doanh nhân, nghệ sĩ, ca sĩ… tham gia tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ và đem phân phát. Vì vậy, nếu tuân thủ theo quy định của pháp luật, sẽ không có việc tố nhau “ăn chặn” tiền từ thiện như thời gian qua…
Bình luận 0

Những ngày qua, mạng xã hội liên tục xuất hiện các thông tin cáo buộc một số cá nhân có uy tín, có danh tiếng trong xã hội lợi dụng quyên góp tiền làm từ thiện có thể có hành vi tiêu cực trong số tiền đem phân phát. 

Sự việc đúng hay sai chưa có kết luận của cơ quan điều tra, nhưng rõ ràng những lan truyền thông tin tiêu cực trên mạng xã hội như livestream trên YouTube, Facebook… đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, danh dự của một số cá nhân, đặc biệt là người của công chúng.

“Lình xình” nghệ sỹ làm từ thiện bị đòi sao kê: Phải sửa Nghị định liên quan (!?) - Ảnh 1.

Luật sư Lê Bá Thường. Ảnh: NVCC.

Theo luật sư Lê Bá Thường, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành (Đoàn luật sư TP.HCM), vai trò của các cá nhân có ảnh hưởng rất lớn trong xã hội, đặc biệt là những người nổi tiếng như doanh nhân, vận động viên thể thao, nghệ sĩ, ca sĩ… rất dễ kêu gọi từ thiện từ lượng fan đông đảo của mình và việc kêu gọi từ thiện rất hiệu quả.

"Vì vậy, đã đến lúc pháp luật nên sửa đổi, bổ sung và đề xuất quy định cá nhân làm từ thiện để quản lý và phát huy vai trò của cá nhân những người nổi tiếng trong vận động từ thiện", luật sư Thường, nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn của PV Dân Việt.

Thưa luật sư, những ngày qua, mạng xã hội đang tranh luận trước sự việc hàng loạt ca sĩ, người nổi tiếng… bị một nữ doanh nhân tố không minh bạch trong hoạt động từ thiện. Theo ông, phải chăng sự quản lý việc kêu gọi từ thiện còn "lỏng lẻo" nên mới dẫn đến những tranh luận về việc này?

- Theo quy định hiện hành thì việc làm từ thiện trong xã hội của các cá nhân, tổ chức được phân chia ra thành hai giai đoạn.

Đầu tiên là giai đoạn vận động, kêu gọi sự đóng góp tinh thần, vật chất để làm từ thiện. Nhà nước cho phép và tạo điều kiện cho tất cả mọi cá nhân, tổ chức và đoàn thể tổ chức vận động đóng góp để nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất; giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo… (Điều 2 NĐ 64/2008/NĐ-CP).

Và đến giai đoạn quan trọng là việc tiếp nhận, phân bổ của cải, vật chất đóng góp thì pháp luật cũng đã dự đoán sẽ dễ xảy ra tiêu cực, lợi dụng hoạt động cứu trợ để vụ lợi nên đã quy định nghiêm cấm hành vi báo cáo sai sự thật, gian lận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng do các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước ủng hộ, đóng góp (Điều 3 NĐ 64/2008/NĐ-CP).

Do đó, khâu quan trọng này phải do Nhà nước thực hiện quản lý bằng cách chỉ cho phép những cơ quan, tổ chức nào của Nhà nước hoặc được Nhà nước công nhận, cho phép tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ. 

Các cơ quan, tổ chức đó bao gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương; các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.

Do đó, không thể nói là có sự "lỏng lẻo" pháp luật ở đây, mà có thể là do sự giám sát và quản lý chưa chặt chẽ nên mới có hiện tượng giới nghệ sĩ, người nổi tiếng đổ xô đi vận động và tự phát từ thiện từ chính nguồn vận động này.

“Lình xình” nghệ sỹ làm từ thiện bị đòi sao kê: Phải sửa Nghị định liên quan (!?) - Ảnh 3.

Ca sĩ Thủy Tiên phát tiền từ thiện cho người dân gặp lũ lụt tại miền Trung năm 2020. Ảnh: Người Lao Động.

Nghĩa là việc giới nghệ sĩ, người nổi tiếng đứng ra vận động và tự đem phân phát từ thiện là trái pháp luật?

- Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ (Điều 5 NĐ 64/2008/NĐ-CP). Vì vậy, pháp luật chỉ khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân trong xã hội được phép tổ chức vận động, đóng góp làm từ thiện nhưng tuyệt đối pháp luật không cho phép với tư cách cá nhân dù là người dân bình thường, doanh nhân, nghệ sĩ, ca sĩ… tham gia tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ và đem phân phát.

Nhưng thực tế, việc kêu gọi từ thiện của giới nghệ sĩ, người nổi tiếng thời gian qua rất hiệu quả khi lượng tiền ủng hộ lên tới hàng trăm tỷ đồng…?

- Tất nhiên, phải nói việc vận động từ thiện của giới nghệ sĩ cực kỳ hiệu quả nữa. Vì vậy, thiết nghĩ, những nội dung của Nghị định 64/2008/NĐ-CP đã ban hành từ năm 2008 đến nay đã không còn phù hợp với thực tiễn. Bây giờ là giai đoạn công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ, vai trò của các cá nhân có ảnh hưởng rất lớn trong xã hội, đặc biệt là những người nổi tiếng như doanh nhân, vận động viên thể thao, nghệ sĩ, ca sĩ… có một lượng lớn fan hâm mộ sẽ sẵn sàng đóng góp làm từ thiện theo lời kêu gọi vận động của họ. 

Chính vì thế, Bộ VH-TT-DL hiện đang tổ chức soạn thảo Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ, trong đó sẽ có quy định vai trò của nghệ sĩ về cách thức kêu gọi, vận động sự đóng góp làm từ thiện trong xã hội.

Tôi thiết nghĩ, Nhà nước cần có ban hành quy định sửa đổi, bổ sung Nghị định 64/2008/NĐ-CP theo hướng cho phép có sự phối hợp giữa các cá nhân với tổ chức, đoàn thể trong việc vận động và phân phát hàng hóa, tiền cứu trợ để tận dụng tất cả nguồn lực và sự ảnh hưởng của những người nổi tiếng sẽ mang lại sự thành công lớn trong công tác làm từ thiện.

Theo ông, để sự phối hợp giữa các cá nhân là giới nghệ sĩ, người nổi tiếng với tổ chức, đoàn thể trong việc vận động và phân phát hàng hóa, tiền cứu trợ đạt hiệu quả, cần có giải pháp gì?

-Theo tôi, Nhà nước nên quy định rõ cách thức phối hợp, thực hiện giữa những cá nhân với tổ chức và những chế tài hành vi vi phạm tiêu cực đối với cá nhân và tổ chức trong việc phân phát hàng hóa, tiền cứu trợ. Có như vậy thì mới đảm bảo việc công khai, minh bạch trong hoạt động từ thiện.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có quy định khen thưởng các cá nhân có những thành tích kêu gọi, vận động đóng góp hàng hóa, tiền được nhiều hay được xem như một tiêu chí cộng vào khi xét duyệt phong danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân thì sẽ tạo được hiệu ứng lan tỏa tích cực trong xã hội nói chung và cho giới nghệ sĩ, ca sĩ nói riêng…

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem