Loài cá sống được ở 3 môi trường nước góp mặt trong chương trình OCOP TP.HCM

Quang Sung Chủ nhật, ngày 13/11/2022 15:48 PM (GMT+7)
Cá lưỡi trâu sống được ở nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Sản phẩm khô cá lưỡi trâu của hợp tác xã (HTX) Cần Giờ Tương Lai đã gửi hồ sơ tham gia chương trình OCOP cấp thành phố.
Bình luận 0

HTX Cần Giờ Tương Lai (huyện Cần Giờ) là đơn vị duy nhất trên địa bàn TP.HCM có 7 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao. HTX vừa đề xuất thêm 6 sản phẩm, phấn đấu để được phê duyệt chuẩn OCOP trong năm nay, trong đó có sản phẩm khô cá lưỡi trâu.

Loài cá sống ở 3 môi trường nước tham gia OCOP

Nhờ đặc điểm tự nhiên thuận lợi, tại khu vực huyện Cần Giờ có sản lượng các lưỡi trâu khá lớn. Loài cá này thích nghi ở cả ba môi trường nước gồm: nước mặn, nước lợ và nước ngọt. Cá lưỡi trâu tập trung nhiều ở các cửa sông, cửa biển có nhiều cát. Huyện Cần Giờ là nơi có môi trường sống lý tưởng của loại cá này, vì toàn bộ sông rạch chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều không đều.

Loài cá sống được ở 3 môi trường nước, tham gia chương trình OCOP TP.HCM - Ảnh 1.

Sản phẩm khô cá lưỡi trâu của HTX Cần Giờ Tương Lai tham gia chương trình OCOP cấp thành phố. Ảnh: QS

Nằm trong vùng cửa sông, chịu ảnh hưởng trực tiếp của chế độ bán nhật triều từ biển Đông truyền vào, các sông rạch của huyện Cần Giờ đều đóng vai trò "kênh dẫn triều" đưa nước mặn xâm nhập khắp địa bàn huyện. Do đó, khối nước mặt ở đây quanh năm bị mặn, lợ. Đây là điều kiện thuận lợi để cá lưỡi trâu tập trung về sinh sống.

Cá lưỡi trâu (còn gọi là cá thờn bơn) hay còn được biết đến với tên khoa học là Cynoglossidae, thuộc bộ cá thân bẹt. Chúng có ngoại hình dẹt và nhỏ dần về phía đuôi, trông giống chiếc lưỡi của con trâu nên được gọi là cá lưỡi trâu.

Loài cá này phân bố chủ yếu tại các vùng nước mặn (các vùng biển nhiệt đới và khu vực cận nhiệt đới) có nguồn gốc ngoài tự nhiên và được người dân đánh bắt thông qua các hoạt động khai thác. Loài cá này có khả năng thích nghi ở cả ba môi trường nước gồm có: nước mặn, nước lợ và nước ngọt. Cá lưỡi trâu tập trung nhiều nhất ở các cửa sông nhiều cát. Điểm đặc biệt của cá lưỡi trâu là mặt lưng và mặt bụng có hai màu sắc khác nhau. Hai mắt của nó đều nằm trên lưng vì khi bơi lội, thân cá dẹt nằm sấp, uốn lượn trên lớp bùn hoặc cát một cách uyển chuyển như một tấm lụa.

Cá lưỡi trâu đang dần trở thành đối tượng đánh bắt chủ lực của địa phương, giúp cải thiện đời sống cho bà con ngư dân. Qua đó, góp phần vào việc giải quyết lao động nhàn rỗi tại địa phương, tăng thêm thu nhập cho người dân, đồng thời phát triển nền kinh tế huyện nhà theo hướng nông nghiệp đô thị.

Đạt OCOP để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm

Nhận thấy tiềm năng lớn của loại cá này, HTX Cần Giờ Tương Lai quyết định thu mua cá lưỡi trâu từ bà con trong huyện, chế biến thành sản phẩm khô cá lưỡi trâu. Thông qua việc chế biến, HTX mong muốn nâng cao giá trị của loài cá này, giúp cải thiện đời sống người dân. Hiện na, sản phẩm này đã được HTX gửi hồ sơ lên UBND thành phố chờ phê duyệt sản phẩm OCOP cấp thành phố.

Loài cá sống được ở 3 môi trường nước, tham gia chương trình OCOP TP.HCM - Ảnh 3.

Sản phẩm khô cá sặc một nắng của HTX Cần Giờ Tương Lai. Ảnh: QS

Đại diện HTX Cần Giờ Tương Lai cho biết, cá lưỡi trâu chủ yếu khai thác xa bờ trên vùng biển Cần Giờ, Vũng Tàu với sản lượng khoảng 900 tấn/năm. Tại HTX Cần Giờ Tương Lai, cá lưỡi trâu được chế biến thành sản phẩm cá khô, đóng gói hút chân không. Sản lượng bán ra dự kiến 3.600kg sản phẩm thành phẩm/năm.

Đại diện HTX Cần Giờ Tương Lai cho biết thêm, hiện nay trên thị trường có các sản phẩm tương tự như: khô cá lưỡi trâu một nắng, khô cá bơn… từ các tỉnh miền Tây, miền Trung nước ta. Do đó, sự cạnh tranh của mặt hàng này trên thị trường là tương đối lớn.

Sản phẩm khô cá lưỡi trâu tham gia OCOP của HTX Cần Giờ Tương Lai có ưu điểm hơn so với nhiều sản phẩm tương tự hiện có trên thị trường. Khô cá lưỡi trâu của HTX Cần Giờ Tương Lai được sản xuất, chế biến và bảo quản theo công nghệ cải tiến, quản lý chất lượng theo quy trình HACCP. HTX chủ trương sử dụng nguồn nguyên liệu sạch, tự nhiên, không sử dụng kháng sinh, hóa chất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc sản phẩm khô cá lưỡi trâu được gửi tham gia chương trình OCOP là một trong những cách nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Để đạt được điều này, HTX đã đầu tư một máy sấy năng lượng mặt trời với công suất tối đa 250kg/lần sấy. Máy sấy có hệ thống đèn cực tím giúp diệt các loại vi khuẩn, vi sinh vật có hại trong quá trình sấy. Sản phẩm làm ra đảm bảo đạt chất lượng và thân thiện với môi trường. Các yếu tố vi sinh, vi khuẩn cũng được đảm bảo đạt các chỉ số phù hợp theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Loài cá sống được ở 3 môi trường nước, tham gia chương trình OCOP TP.HCM - Ảnh 5.

Sản phẩm tôm khô của HTX Cần Giờ Tương Lai đạt OCOP 4 sao. Ảnh:QS

Ông Huỳnh Văn Thanh - Giám đốc HTX Cần Giờ Tương Lai cho biết, thời gian sắp tới, HTX tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ tích cực để tạo mới và mở rộng vùng nguyên liệu. Đồng thời sản xuất theo chuỗi sản phẩm, giúp người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của địa phương. HTX sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết các sản phẩm chủ lực, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến nguyên liệu và quản lý chất lượng theo chu trình OCOP.

Đối với những sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP, HTX xây dựng mục tiêu đưa từ chuẩn 4 sao lên chuẩn 5 sao. Đối với những sản phẩm đang chờ phê duyệt, HTX đảm bảo quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm luôn luôn đạt chuẩn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem