Mặt bằng cho thuê trên 'đất vàng' Sài Gòn bị trả không thương tiếc

Hồng Phúc Thứ tư, ngày 27/10/2021 10:10 AM (GMT+7)
Mặt bằng cho thuê trên "đất vàng" ở TP.HCM tiếp tục bị trả hàng loạt. Nhiều mặt bằng ngóng khách cả năm nay. Một số "ông lớn" bắt đầu ngấm đòn vì đợt giãn cách kéo dài 3-4 tháng.
Bình luận 0

Nhịp sống tại TP.HCM dần trở lại bình thường, hầu hết các dịch vụ kinh doanh đều được hoạt động trở lại sau 3-4 tháng tạm đóng vì đợt Covid-19 lần thứ tư. Nhưng đến nay, hàng loạt mặt bằng tại khu vực trung tâm TP.HCM vẫn đang vắng chủ.

Hơn một năm vẫn chưa có người thuê

Nhiều trục đường trung tâm quận 1, quận 3 như đường Đồng Khởi, Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng, Nguyễn Thị Minh Khai, Pasteur, Phạm Ngọc Thạch… vốn được xem là "đất vàng" ở TP.HCM. Giá thuê mặt bằng khu vực này ít nhất phải vài nghìn USD, thậm chí tranh nhau thuê để có được vị trí tốt.

Nhưng đó là câu chuyện của trước kia, còn hiện nay, hàng loạt mặt bằng quanh khu vực này đang ngắc ngoải chờ đợi khách.

Mặt bằng cho thuê trên 'đất vàng' Sài Gòn bị trả không thương tiếc - Ảnh 1.

Một mặt bằng cho thuê trên đường Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM) chi chít số điện thoại của môi giới. Ảnh: Hồng Phúc.

Ngày 26/10, đến thăm mặt bằng có diện tích gần 40m2 trên đường Đồng Khởi, đoạn gần Nhà hát Thành phố, ông Trực - chủ mặt bằng này cho biết, đã hơn một năm nay chưa có khách thuê. 

"Người thuê gần nhất, họ bán vải vóc và quà lưu niệm cho khách nước ngoài. Trước đây kinh doanh tốt do khu này đông người nhưng từ hồi dịch, đóng cửa mấy bận rồi không có khách, họ trả luôn mặt bằng. Đến giờ vẫn chưa có người thuê lại", ông Minh nói.

Đây cũng là tình cảnh chung của hàng loạt mặt bằng, nhà phố cho thuê trên con đường được mệnh danh "siêu đắt đỏ" này tại TP.HCM. Còn trên đường Lý Tự Trọng, Thủ Khoa Huân, Lê Lai, hàng loạt cửa hàng thời trang, thậm chí khách sạn cũng đã treo biển cho thuê từ đầu mùa dịch năm ngoái đến nay vẫn chưa có chủ. 

Bên ngoài các mặt bằng, chi chít số điện thoại của dân môi giới bất động sản.

Mặt bằng cho thuê trên 'đất vàng' Sài Gòn bị trả không thương tiếc - Ảnh 3.

Nhiều mặt bằng cho thuê hơn cả năm qua vẫn không có khách. Ảnh: Hồng Phúc.

Số liệu từ Cục Thống kê TP.HCM cho biết quý III/2021, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tại thành phố đạt 4 tỷ USD, giảm 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này khiến thị trường bất động sản bán lẻ cho thuê chứng kiến hàng loạt khách trả mặt bằng.

Theo báo cáo thị trường mới nhất của Savills, quý III/2021, phân khúc bán lẻ hàng hoá và dịch vụ chịu tác động rất mạnh từ làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, đặc biệt tại TP.HCM. Chỉ có một số ít khách thuê vẫn hoạt động trong suốt quá trình giãn cách nghiêm ngặt tại TP.HCM, chủ yếu là các cửa hàng bán lẻ hiện đại, cửa hàng tiện lợi, siêu thị… 

Còn một số các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vừa và nhỏ đã phải kết thúc hợp đồng sớm hoặc ngưng tái ký hợp đồng. 

"Ông lớn" cũng ngấm đòn

Ngay cả các doanh nghiệp trong lĩnh vực ăn uống mới đây cũng đồng loạt trả mặt bằng. Đầu tháng 10, Starbucks Việt Nam bất ngờ thông báo đóng cửa chi nhánh nằm trong khách sạn Rex, tại góc đường Lê Thánh Tôn và Pasteur (quận 1) ngay cạnh đường đi bộ Nguyễn Huệ. 

Đây là một trong những điểm kinh doanh hút khách và được biết đến nhiều nhất của Starbucks tại TP.HCM. Tuy nhiên, chia sẻ với truyền thông, đại diện Starbuck cho rằng chi nhánh hoạt động không hiệu quả như kỳ vọng, trong đó có nguyên nhân do Covid-19.

Mặt bằng cho thuê trên 'đất vàng' Sài Gòn bị trả không thương tiếc - Ảnh 4.

Starbucks Rex tại góc đường Lê Thánh Tôn và Pasteur (quận 1) đã đóng cửa từ đầu tháng 10. Ảnh: Hồng Phúc.

Ngay sau đó, giới kinh doanh F&B và người yêu thích cà phê, tiếp tục "sốc" khi The Coffee House quyết định đóng cửa hàng The Coffee House Signature trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận 3). Đây vốn là cửa hàng "đặc biệt" nhất của hệ thống này tại TP.HCM và được khá nhiều người trẻ, đặc biệt là giới văn phòng yêu thích.

Đại diện The Coffee House cho biết, doanh nghiệp đang có chiến lược đóng các cửa hàng kinh doanh không hiệu quả, nhằm tối ưu chi phí vận hành trong mùa dịch, đồng thời chuẩn bị cho mô hình mới thời gian tới.

Bà Võ Thị Khánh Trang, Phó Giám đốc bộ phận Nghiên cứu, Savills Việt Nam đánh giá F&B là một trong những phân khúc chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất do tác động của giãn cách xã hội.

"Thị trường đang tiếp tục chứng kiến động thái trả mặt bằng sớm, hoặc chấm dứt gia hạn hợp đồng của rất nhiều doanh nghiệp, trong đó có cả những thương hiệu nổi tiếng, luôn thu hút được nhiều khách hàng trong thời điểm trước đây như Starbucks, The Coffee House…", bà Trang nói.

Theo bà, chi phí mặt bằng là một trong những chi phí rất đáng kể trong tổng chi phí của một doanh nghiệp F&B, kế tiếp đó là về nhân lực. Việc trả mặt bằng sớm ở một hoặc nhiều địa điểm trong chuỗi cửa hàng được đánh giá là một chiến lược khi họ đang cố gắng để giữ được những cửa hàng hiệu quả để có thể cầm chừng trong thời gian ít nhất ba tháng tới, tức là quý IV.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem